Người Việt ở Ukraine: Hành trình di tản khó khăn, ước mong hòa bình

Cẩm Anh (ghi)
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Sau khi cuộc tấn công nổ ra, Chính phủ Ba Lan đã cho phép người từ Ukraine có thể băng qua biên giới vào Ba Lan mà thậm chí không cần hộ chiếu. Đây cũng là lý do để nhiều người Việt quyết định rời Ukraine sang Ba Lan và nhiều nước EU khác lánh nạn.

“4 người nhà mình chỉ mang 1 vali quần áo và chút thực phẩm, nước uống… tức tốc bỏ lại mọi tài sản và nhà cửa để lên đường tới Ba Lan ngay sau đợt pháo kích đầu tiên”, chị Hoàng Bích Diệp, một kiều bào tại Kiev, Ukraine chia sẻ với Kinh tế & Đô thị ngày 3/3.

Hành trình tìm nơi lánh nạn: Ngay hôm đầu tiên khi chiến sự nổ ra, gia đình chị Diệp vẫn hy vọng có thể ở lại Ukraine và mong ngóng những điều kỳ diệu. Nhưng ngay sau đó khi thấy pháo kích tấn công, mọi người đã buộc phải chấp nhận sự thực rằng, cuộc chiến sẽ không thể kết thúc nhanh chóng và quyết định di tản tới Ba Lan.

Người Việt Nam tại Ukraine. Ảnh: Bộ Ngoại giao
Người Việt Nam tại Ukraine. Ảnh: Bộ Ngoại giao

Từ trước khi Nga tấn công, hiệp định giữa Ukraine và EU vốn cho phép công dân Ukraine vào Schengen trong 90 ngày mà không cần visa.

Sau khi cuộc tấn công nổ ra, Chính phủ Ba Lan đã cho phép người từ Ukraine có thể băng qua biên giới vào Ba Lan mà thậm chí không cần hộ chiếu. Đây cũng là lý do để nhiều người Việt quyết định rời Ukraine sang Ba Lan và nhiều nước EU khác lánh nạn.

Chia sẻ về hành trình đầy vất vả sang khu vực cửa khẩu biên giới Ukraine - Ba Lan, chị Diệp cho biết, lúc đó đa phần cửa ngõ Kiev về phía Tây đều kín mít, quân đội chặn đóng phòng thủ xe tăng Nga lúc đó chỉ còn cách thủ đô khoảng 45km.

“Cây cầu gia đình mình đi qua vào buổi sáng để sang cửa khẩu, buổi chiều đã bị quân đội đánh sập để ngăn quân đội Nga tiến công”, chị Diệp bàng hoàng nhớ lại.

Bình thường từ nhà chị Diệp lái xe đến cửa khẩu biên giới với Ba Lan chỉ mất 8 tiếng, nhưng cuộc “chạy loạn” hôm vừa qua để lánh nạn chiến sự mất tới 18 tiếng. Mỗi cây xăng trên con đường ra khu vực biên giới đều chỉ cho đổ tối đa 20 lít, hàng xe cần mẫn xếp hàng, bởi đã có những trường hợp phải bỏ xe đi bộ do hết nhiên liệu dọc đường ra biên giới.

Gia đình chị làm mọi cách để tiết kiệm, chấp nhận không bật máy sưởi trong xe, dưới thời tiết - 3 độ C, chị Diệp kể lại. Sau hơn 3 ngày với hành trình đầy cam go, cuối cùng gia đình chị mới yên vị ở Ba Lan.

Tính thời gian bằng ngày của cuộc chiến: “Chắc là cũng chẳng mấy ai còn nhớ hôm nay là ngày đầu tiên của mùa Xuân châu Âu. Bọn mình bây giờ tính thời gian theo kiểu khác, hôm nay là ngày thứ mấy của chiến tranh. Đã sắp qua ngày thứ 6 rồi”, chị Nguyễn Hương Giang, một kiều bào chia sẻ về thời điểm bám trụ tại Thủ đô Kiev.

Sáng 1/3, khi chiến sự đã bước sang ngày thứ 5, gia đình chị dường như đã quen với cuộc chiến. Kể từ hôm ba mẹ con ra khỏi nhà đi trú ẩn ở ga tàu điện ngầm phía đối diện, lúc nhô lên khỏi hầm bộ hành, nhìn thấy ngay chiếc xe tăng xanh cốm chặn dưới chân cầu, là biết phải thích ứng với một cuộc sống mới. Một bữa cơm trong ngày đàng hoàng, trên bàn ăn trong bếp mà không bị gián đoạn bởi còi báo động đã là một điều xa xỉ, chị Giang cho biết.

“Đến khi cuộc chiến bước sang ngày thứ tư, mình không thắc mắc tiếng nổ nào xa, tiếng nổ nào rung cửa kính nữa, vì biết rồi, rung cửa là tên lửa hành trình, xa xa là các trận chiến đối đầu ở từng góc phố” - chị Giang kể.

Nơi ở của gia đình anh Nguyễn Sỹ Tuyên - một kiều bào lâu năm ở quận Solomenskii, cách trung tâm thủ đô Kiev khoảng 3km. Tối ngày đầu tiên chiến sự nổ ra, nghe thông tin từ sân bay Gostomel gần thủ đô Kiev bị tấn công, gia đình anh không ngủ được, thấp thỏm lo lắng các đợt pháo kích, anh Tuyên chia sẻ với phóng viên Kinh tế & Đô thị vào lúc 5 giờ sáng (giờ Ukraine) ngày 25/2.

“Thành phố im lặng một cách đáng sợ. Không một bóng người, một phương tiện giao thông nào chạy trên đường bởi lệnh giới nghiêm đã được đã ban hành" - anh Tuyên cho hay.

Anh cho biết, thực tế người dân đã có kinh nghiệm kể từ khi Nga sáp nhập bán đảo Crime 8 năm về trước, tuy nhiên những cảm xúc xót xa, lo lắng về một tương lai bất định và hòa bình không biết bao giờ mới trở lại, thì vẫn nóng hổi như ngày nào.

“Trong hầm trú ẩn, trẻ em ngoan ngoãn ngồi im. Có lẽ chúng cảm nhận được sự nghiêm trọng qua nét lo âu của người lớn. Thi thoảng có bé ồn ào thì cha mẹ đưa ngón tay lên miệng "Тише !" (khẽ chứ) lại ngay ngắn”, anh Tuyên kể.

Nghĩa tình người Việt và mong ước hòa bình: Chịu tình cảnh bị đe dọa bởi chiến sự, cộng đồng người Việt đã có nhiều động thái tương trợ nhau. Theo cộng đồng kiều bào di tản chia sẻ, nhiều người Việt đã sơ tán trước đều tạo các hội nhóm trên mạng xã hội, các phương tiện nhắn tin, liên hệ để trao đổi, chia sẻ kinh nghiệm cũng như đưa ra hỗ trợ cần thiết những người khác.

Ngay cả tại các khu vực cửa khẩu, hay trại tị nạn ở những khu vực biên giới, cũng bắt gặp những người Việt Nam tới hỗ trợ làm thủ tục, phiên dịch cho những người chưa rành ngôn ngữ, không phải chỉ riêng cho đồng hương mà cả những người nước ngoài từ Ukraine đang tìm đường lánh nạn.

Trước khi rời Ukraine để tới Ba Lan, gia đình chị Diệp ngẩn ngơ trước căn nhà đã dành trọn tuổi trẻ để gom góp xây dựng. “Bé con 5 tuổi nhà mình dù chưa hiểu nhiều nhưng cũng buồn và hỏi: Mẹ ơi, bao giờ mình có thể quay về?”, chị kể lại. “Mẹ cũng không rõ, cuộc chiến này chưa biết ngày nào kết thúc”, chị đáp. Hòa bình là ước muốn duy nhất, lớn nhất của chúng tôi lúc này, người kiều bào đã có hơn 20 năm sống tại Ukraine cho biết.

Hiện có khoảng 7.000 người Việt Nam sinh sống, làm việc và học tập tại Ukraine.

 

Liên quan đến tình hình bảo hộ công dân tại Ukraine, Tổ Công tác bảo hộ công dân gồm các đơn vị liên quan của Bộ Ngoại giao đã phối hợp với các cơ quan đại diện Việt Nam tại Ukraine và các nước lân cận tiếp tục tích cực triển khai các hoạt động hỗ trợ sơ tán người Việt Nam tại Ukraine ra khỏi các vùng chiến sự.

Theo các cơ quan đại diện, tính đến trưa 3/3 giờ Việt Nam, cơ bản hầu hết bà con ở Kiev và ở Odessa, hàng trăm người ở Kharkov đã được sơ tán khỏi khu vực, đã và đang được bố trí sang các nước lân cận. Khoảng 400 người đã tới Moldova và hiện trên đường Rumani, 140 người sang Ba Lan, 70 người sang Rumani, 33 người tới Slovkia và khoảng 30 người đã tới Hungary.