Người Việt phải học… đi bộ

Hồ Hạ
Chia sẻ Zalo

Giữa tuần qua, UBND quận Hoàn Kiếm đã trình UBND TP Hà Nội xem xét việc mở rộng không gian phố đi bộ ở khu vực phố cổ thêm 7 phố và 2 ngõ.

Mừng vì những người yêu Hà Nội có thể sẽ được thoải mái tản bộ ở những cung đường mới từ tháng 10, song để không gian đi bộ thực sự văn minh, có lẽ người Việt nói chung, người Hà Nội nói riêng phải học cách đi bộ.
Vừa mừng vừa lo
Nhìn sang các đô thị ở châu Âu, hầu hết các TP đều có phố đi bộ ở trung tâm với những con đường lát đá cổ kính, những địa điểm văn hóa nổi tiếng, những tiệm cà phê lãng mạn, hàng quán san sát… Mỗi TP một vẻ, nhưng tất cả đều là nơi bất cứ du khách nào cũng phải ghé thăm để khám phá, tìm hiểu về văn hóa, cảm nhận nhịp sống của người dân bản địa. Tại những TP này, đi bộ đã trở thành một thói quen, một văn hóa của cư dân đô thị. Và tuyệt nhiên không có cảnh bán rong hay đeo bám chèo kéo khách, không ai làm phiền ai.
Thực tế, văn hóa đi bộ là khái niệm khá mới mẻ mà người Hà Nội nói riêng, Việt Nam nói chung ít có dịp so sánh. Đã đặt chân tới hơn 30 quốc gia trên thế giới, GS Nguyễn Lân Dũng cho hay: “Ở nước ngoài, văn hóa đi bộ thể hiện ở tốc độ đi, quy tắc ứng xử, rồi thiết bị, thiết chế trong hoạt động đi bộ. Ví dụ, khi bước lên xe buýt, hoặc tàu điện ngầm, nếu không đi đúng làn sẽ bị lỡ chuyến; xả rác bừa bãi trên phố sẽ bị phạt nặng. Thế mới có chuyện một thời người dân trong nước hay thắc mắc tại sao Việt kiều về nước hay đeo một cái túi đựng rác trước bụng. Cái túi rác đó cũng là một thiết chế của văn hóa đi bộ”.

Người dân tản bộ trên phố Đinh Tiên Hoàng dịp cuối tuần. Ảnh: Phạm Hùng

Theo tờ trình của UBND quận Hoàn Kiếm, 7 phố và 2 ngõ đi bộ dự kiến mở rộng gồm: Hàng Chiếu, Ngõ Gạch, Nguyễn Siêu, đoạn Đào Duy Từ (từ Hàng Buồm đến Hàng Chiếu), ngõ Cầu Gỗ, Hàng Bạc, Đinh Liệt, Gia Ngư, ngõ Trung Yên. Nếu được TP thông qua, Hà Nội sẽ có 31 tuyến phố, khu vực, ngõ đi bộ. Đây sẽ là lần mở rộng phố đi bộ thứ ba kể từ khi được triển khai thí điểm năm 2004. Lần đầu là năm 2014 với 6 phố đi bộ mới, lần thứ hai là đợt mở rộng với 16 tuyến phố, khu vực vào đầu tháng 9 vừa qua. Các tuyến phố đi bộ mở rộng sắp tới sẽ tạo sự gắn kết với phố đi bộ xung quanh hồ Hoàn Kiếm, tạo thành không gian đi bộ lớn, góp phần quảng bá lịch sử văn hóa kiến trúc, phát huy thế mạnh của khu phố cổ và khu vực xung quanh hồ Hoàn Kiếm. Trước thông tin này, bà Hoàng Thị Thu Trang (phường Hàng Bồ, quận Hoàn Kiếm) chia sẻ: “Trước đây, người Hà Nội ở khu trung tâm chỉ đi bộ tập thể dục loanh quanh trong công viên bên hồ Hoàn Kiếm. Nay chúng tôi rất vui khi được đi thong dong, thoải mái trên đường phố rộng thênh thang. Tuy nhiên, tại đây vẫn còn cảnh lộn xộn, chen lấn, xả rác bừa bãi, rồi cả bán hàng rong. Có lẽ người Hà Nội còn phải học… đi bộ”.
Cộng đồng hãy lên tiếng
Đúng như phân tích của GS Nguyễn Lân Dũng, để một TP có văn hóa đi bộ, trước hết phải có không gian cho người đi bộ, có phố đi bộ, rồi từ đó mới dần hình thành nên thói quen, nếp sống cho cư dân. Và việc còn lại của chính quyền là quản lý, xây dựng không gian văn hóa cho tuyến phố đi bộ, tránh sự biến tướng, lộn xộn. Sở dĩ, người dân chưa có thói quen đi bộ chính là vì chưa có hệ thống giao thông công cộng phát triển, đặc biệt là tàu điện ngầm. Hà Nội rồi cũng sẽ có tàu điện ngầm, có hệ thống giao thông công cộng phát triển. Và lúc đó sẽ xuất hiện nhu cầu thiết thực cho việc đi bộ.
Vậy nên, Phó Giám đốc Công ty Du lịch TransViet Nguyễn Tiến Đạt cho rằng, việc mở rộng phố đi bộ ở khu phố cổ và hồ Hoàn Kiếm là cần thiết. Còn vấn đề ý thức người dân tham gia phố đi bộ là cả một câu chuyện dài. Theo ông, hành vi vô kỷ luật là do chúng ta không nghiêm, từ người quản lý đến cộng đồng. Cái gì đã cấm thì phải có người quản lý. Chẳng hạn, việc người dân, du khách vứt rác bừa bãi thì khoan chưa nói đến ý thức của họ, mà trước đó, người quản lý phố đi bộ phải chịu trách nhiệm. Sau đó là sự lên tiếng của cộng đồng. “Những hành vi như nói to, chen lấn, xô đẩy, vứt rác bừa bãi, ăn mặc hở hang… phải bị cộng đồng tỏ rõ thái độ để lên án thì người ta mới nhận ra sự sai trái, cảm thấy xấu hổ và thay đổi hành vi” - ông Đạt phân tích.
Đồng quan điểm tiếng nói của cộng đồng có tác động lớn đến việc thay đổi hành vi, GS Nguyễn Lân Dũng cho rằng, phố đi bộ là nơi để thư thái, thoải mái, nên mỗi người tham gia vào sinh hoạt cộng đồng này phải tôn trọng lẫn nhau. Xây dựng văn hóa ứng xử nơi công cộng là nghĩ đến danh dự đất nước, đến dân tộc. Nếu chúng ta không lên án cái sai, ý thức sửa sai thì bạn bè quốc tế, du khách người ta coi thường mình. Vì Thủ đô văn minh lịch sự, người dân phải giúp nhau, ngăn cản tất cả những hành vi vô văn hóa.
Tin rằng, với sự đồng lòng, quyết tâm của chính quyền và người dân Thủ đô, Hà Nội sẽ có một không gian đi bộ xứng tầm, trải dài từ khu vực lõi phố cổ ra tới hồ Hoàn Kiếm, chẳng hề kém phần văn minh so với bất cứ khu phố đi bộ nào trên thế giới.