Nguồn gốc động cơ tên lửa Hwasong-12 và Hwasong-14 của Triều Tiên

Lan Hương (Theo Reuters)
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Triều Tiên nhiều khả năng có thể tự sản xuất động cơ tên lửa mà không cần phụ thuộc vào nguồn nhập khẩu, theo giới chức tình báo Mỹ.

Một quan chức tình báo Mỹ cho biết, cơ quan này có thông tin cho thấy Triều Tiên không phụ thuộc vào việc nhập khẩu động cơ. "Thay vào đó, chúng tôi đánh giá họ có khả năng tự sản xuất động cơ tên lửa”, vị quan chức này cho hay.
Giới chức tình báo Mỹ không tiết lộ thêm chi tiết nào về nguồn gốc động cơ chạy bằng chất lỏng có hiệu suất cao, được gọi là RD-250 của Triều Tiên.
 Tên lửa Hwasong-12 được thử nghiệm thành công sau nhiều lần thất bại.
Đánh giá này mâu thuẫn với một nghiên cứu mới của Viện nghiên cứu chiến lược quốc tế (IISS) có trụ sở tại London cho rằng, động cơ của tên lửa hạt nhân mà Bình Nhưỡng đang phát triển để tấn công Mỹ có thể được thực hiện tại các nhà máy ở Ukraine hoặc Nga và có thể thu được thông qua mạng lưới chợ đen.
Còn theo nghiên cứu của IISS, động cơ tên lửa Triều Tiên có thể được cung cấp từ nhà máy Yuzhmash của Ukraine.
Ukraine cũng phủ nhận việc cung cấp công nghệ quốc phòng cho Bình Nhưỡng. Tờ New York Times trích lời đại diện nhà máy thuộc sở hữu nhà nước Yuzhmash, cho biết. họ không sản xuất ra tên lửa đạn đạo cấp quân sự kể từ khi Liên Xô tan rã năm 1991.
Một quan chức tình báo Washington khác cho biết, những sửa đổi của RD-250 dẫn đến độ cải thiện đáng kể có thể là nhờ vào các nhà khoa học nước ngoài do Bình Nhưỡng tuyển dụng hoặc được phát triển ở nước ngoài như Nga.
Nghiên cứu của IISS dựa trên hình ảnh do Triều Tiên công bố về các động cơ tên lửa Hwasong-12 và Hwasong-14 được thử nghiệm vào tháng 5 và tháng 7. Hwasong-12 là tên lửa tầm trung và Hwasong-14 là một tên lửa đạn đạo liên lục địa mà Triều Tiên đã thiết kế có thể vươn đến lục địa Mỹ.
Bằng cách so sánh các động cơ trong bức ảnh, các nhà nghiên cứu của IISS nhận thấy rằng, chúng có thể là các phiên bản sửa đổi của RD-250 do Yuzhmash sản xuất, giúp các vụ thử tên lửa thành công sau hàng loạt thất bại.
Nghiên cứu IISS cũng đang bị tranh cãi bởi một số chuyên gia hàng đầu về vũ khí hạt nhân độc lập.
Jeffrey Lewis, người đứng đầu Chương trình Không phổ biến vũ khí hạt nhân ở Đông Á, tại Viện Nghiên cứu Chiến lược Middlebury, California, khẳng định, điều này hoàn toàn sai.
Lewis cho biết, nhóm nghiên cứu của ông đã thực hiện các phép đo độc lập với nhau trên cùng một bức ảnh được sử dụng trong nghiên cứu IISS và xác định rằng chúng có kích cỡ khác nhau. Họ kết luận rằng động cơ cho tên lửa liên lục địa của Bình Nhưỡng có khả năng được phát triển trong nước.