Trong đội ngũ nhân lực làm du lịch hiện nay, có khá nhiều trẻ em có hoàn cảnh khó khăn phải đi bán hàng hoặc làm việc phục vụ khách du lịch để phụ giúp cha mẹ kiếm sống. Không ít nhân lực nhỏ tuổi trong số này cần được bảo vệ trước nguy cơ bị xâm hại tình dục (XHTD).
Nạn nhân là trẻ nghèo, ít học
Những năm gần đây, lượng khách du lịch nước ngoài tới Việt Nam tăng cao. Ngoài những đóng góp tích cực, điều này cũng đi kèm mặt trái. Trong đó có nguy cơ xuất hiện loại hình du lịch tình dục, đặc biệt là nạn XHTD trẻ em. Một cuộc khảo sát trực tuyến với 300 khách lữ hành quốc tế từng du lịch đến Campuchia, Lào, Thái Lan và Việt Nam của Dự án Tuổi thơ (Chương trình Phòng ngừa xâm hại trẻ em trong hoạt động du lịch của Cơ quan Phát triển quốc tế Australia) cho thấy, việc XHTD trẻ em thông qua con đường du lịch ở Việt Nam có dấu hiệu gia tăng. Cả trẻ em gái và trai đều có thể trở thành nạn nhân của các hình thức xâm hại, bóc lột tại các điểm du lịch. Nạn nhân phổ biến là trẻ nghèo, ít học, nhiều nhất là trẻ bán hàng lưu niệm, ăn xin, nhặt rác, phục vụ trong các nhà hàng, khách sạn, trẻ lang thang hoặc kiếm sống trên đường phố…
Dẫn chứng cho điều này, một chuyên gia của Dự án Tuổi thơ cho hay: “Bé gái 14 tuổi bán kẹo cao su ở quận 5, TP Hồ Chí Minh tâm sự với tôi: Có lần, một ông khách Tây nhờ cháu mang thức ăn về khách sạn cho người bạn với thù lao 100.000 đồng. Cháu vừa mang đồ lên phòng, người kia liền đóng sập cửa và giở trò sàm sỡ”.
Nguyên nhân khiến trẻ tham gia hoạt động du lịch có nhiều nguy cơ bị XHTD được các chuyên gia của Dự án Tuổi thơ chỉ ra là do nhiều khách nước ngoài đến Việt Nam ngoài tham quan, khám phá các điểm đến, còn tham gia các hoạt động cộng đồng như: Dạy tiếng nước ngoài, làm tình nguyện viên, quyên góp cho các tổ chức từ thiện… Đây là những hoạt động có khả năng tiếp cận với nhóm trẻ em yếu thế, có nguy cơ bị XHTD cao. Đối tượng thường lợi dụng sự chênh lệch về kinh tế giữa mình và trẻ có hoàn cảnh khó khăn, cùng những kẽ hở trong quản lý hoạt động du lịch để XHTD trẻ em.
Bảo vệ trẻ bằng cách nào?
Để bảo vệ trẻ làm du lịch khỏi nguy cơ bị XHTD, các chuyên gia của Dự án Tuổi thơ khuyến nghị tới các cơ quan Nhà nước, các tổ chức xã hội cung cấp nhiều thông tin hơn cho khách du lịch. Đồng thời, tăng cường trách nhiệm về du lịch an toàn với trẻ em giữa chính phủ các nước, ngành du lịch và khách du lịch. Riêng các DN du lịch, nên ủng hộ chiến dịch “Du lịch an toàn cho trẻ em” trên website, tờ rơi, quảng cáo và phương tiện nghe nhìn của đơn vị.
Theo kinh nghiệm bảo vệ trẻ em tham gia hoạt động du lịch của Thái Lan – quốc gia khá thành công trong phát triển du lịch, Chính phủ nước này thường xuyên trang bị kiến thức về công nghệ thông tin và các biện pháp điều tra mới cho cảnh sát. Lực lượng cảnh sát lại phối hợp chặt chẽ với các ngành, khu vực để thu thập thông tin nhằm bảo vệ những người làm du lịch. Còn ở Campuchia, tại các nhà ga, sân bay thường có các biển cảnh báo về việc XHTD trẻ em. Hệ thống pháp luật của nước này cũng thường xuyên được rà soát, bổ sung để “vá” những lỗ hổng khiến nạn XHTD có thể xảy ra với trẻ em tham gia làm du lịch.
Phó Cục trưởng Cục Bảo vệ chăm sóc trẻ em (Bộ LĐTB&XH) Đặng Hoa Nam đánh giá: “Dự án Tuổi thơ được triển khai ở Việt Nam đã góp phần phát triển một mô hình về sự phối hợp hiệu quả hơn giữa các cơ quan Chính phủ, các tổ chức xã hội và các DN trong lĩnh vực du lịch và bảo vệ trẻ em”. Phó Cục trưởng khuyến cáo, khi xảy ra hành vi xâm hại trẻ em hoặc nếu lo lắng về sự an toàn của bản thân hay người khác, có thể gọi điện đến đường dây nóng quốc gia hỗ trợ trẻ em 18001567, hoặc liên hệ với các tổ chức bảo vệ trẻ em địa phương để được tư vấn, hỗ trợ.
Kinhtedothi - Nhiều trẻ em ở Sapa phải đi kiếm sống tử nhỏ. |