Nguy cơ bùng phát dịch sốt xuất huyết lớn ở miền Bắc

Thanh Bình
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Hiện nay, dịch sốt xuất huyết (SXH) đang bùng phát mạnh ở khu vực miền Bắc. Đây là cảnh báo của các bác sĩ trong lĩnh vực truyền nhiễm. Thực tế cho thấy, tại Hà Nội, nhiều bệnh nhân nhập viện trong tình trạng nặng do điều trị muộn.

Biến chứng nặng do điều trị muộn

Theo ghi nhận của phóng viên, tại miền Bắc, nhiều bệnh viện lớn trên địa bàn Hà Nội như: Bệnh viện (BV) Bạch Mai, BV Nhi Trung ương, BV Bệnh Nhiệt đới Trung ương hay tại BV Thanh Nhàn... đã ghi nhận các ca SXH diễn biến nặng (sốt tăng nặng, kèm lên cơn co giật, cô đặc máu, có tràn dịch màng phổi...) có dịch tễ trở về từ các tỉnh phía Nam.

Nếu như những năm trước đây, SXH tại khu vực phía Bắc thường xuất hiện vào khoảng tháng 9, tháng 10 thì ngay trong tháng 6 vừa qua, Trung tâm Bệnh Nhiệt đới, BV Bạch Mai đã điều trị hàng chục ca SXH nặng có biến chứng tại các huyện trên địa bàn Hà Nội.

Đơn cử như bệnh nhân Q.T.M. (huyện Đan Phượng, Hà Nội) nhập viện trong tình trạng ban đỏ toàn thân, mệt mỏi, nôn liên tục và được chẩn đoán là SXH. Trước đó, bệnh nhân đã tự mua thuốc và điều trị tại BV tuyến huyện 6 ngày.

Bác sĩ Nguyễn Quang Huy - Trung tâm Bệnh Nhiệt đới, BV Bạch Mai cho biết, bệnh nhân M. nhập viện trong tình trạng rất mệt mỏi, không uống được nhưng nôn liên tục. Bệnh nhân ở tình trạng nặng như vậy do nhập viện muộn.

PGS.TS Đỗ Duy Cường - Giám đốc Trung tâm Bệnh Nhiệt đới, BV Bạch Mai thăm khám cho bệnh nhân. Ảnh: BVCC
PGS.TS Đỗ Duy Cường - Giám đốc Trung tâm Bệnh Nhiệt đới, BV Bạch Mai thăm khám cho bệnh nhân. Ảnh: BVCC

Các bác sĩ cho biết, thời gian gần đây, Trung tâm Bệnh Nhiệt đới, BV Bạch Mai đã tiếp nhận hàng chục ca mắc SXH nhập viện trong tình trạng nặng, có biểu hiện cô đặc máu kèm theo các hiện tượng thoát huyết tương, tràn dịch màng bụng, suy thận, men gan tăng cao. Nguyên nhân là do người bệnh nhầm lẫn với cúm, Covid-19 hoặc các bệnh nhiễm trùng khác nên tự điều trị tại nhà đến khi nặng mới nhập viện.

Tương tự tại BV Bệnh Nhiệt đới Trung ương cũng đã tiếp nhận thêm 2 bệnh nhi SXH có yếu tố dịch tễ từ miền Nam về, nhập viện trong tình trạng nặng.

Trong đó, bệnh nhi T.M.T. (4 tuổi), từ TP Hồ Chí Minh ra Hà Nội được hơn 1 ngày thì xuất hiện các triệu chứng như: sốt cao liên tục, đau mỏi người, đau họng. Gia đình tự điều trị kháng sinh ở nhà cho bé 3 ngày nhưng không hết sốt. Sau đó, bé T. còn bị đau bụng, được bố mẹ đưa đi khám ở phòng khám tư. Kết quả xét nghiệm tế bào máu, bạch cầu và tiểu cầu giảm, gia đình đưa bé đến Viện Huyết học truyền máu Trung ương. Tại đây, kết quả xét nghiệm cho thấy bệnh nhi mắc SXH và được chuyển sang BV Bệnh Nhiệt đới Trung ương. Hiện, bệnh nhi này đã qua giai đoạn nặng của bệnh.

Trong khi đó, bệnh nhi T.T.B.N. (7 tuổi, quê ở Hải Hậu, Nam Định). Bệnh nhân trở về từ Bình Dương hồi cuối tháng 6. Khoảng 4 ngày sau đó, bệnh nhi bắt đầu sốt, đau đầu, đau mỏi người. Đến ngày phát bệnh thứ 3, cháu bé sốt cao, xung huyết ra mắt và được làm xét nghiệm cho kết quả dương tính với SXH dengue. Sau đó, gia đình đưa trẻ nhập viện tại BV Bệnh Nhiệt đới Trung ương.

TS Đặng Thị Thúy - Trưởng Khoa Nhi, BV Bệnh Nhiệt đới Trung ương cho biết, với bệnh nhi này khi nhập viện tại Khoa Nhi đã có những triệu chứng rất rõ của SXH, có các dấu hiệu báo động bệnh có nguy cơ chuyển nặng, cụ thể đau bụng vùng gan, đau nhiều, gan to 4 cm dưới bờ sườn, ấn thấy đau, có chảy máu mũi, xuất huyết niêm mạc, tiểu cầu giảm nhanh. May mắn là bệnh nhân đã được phát hiện kịp thời, nên khi nhập viện dù có dấu hiệu cảnh báo nhưng bệnh nhân được được điều trị đúng cách, đúng phác đồ, đầy đủ thuốc, chế phẩm máu, tiểu cầu hỗ trợ nên đã qua cơn nguy kịch.

Còn tại BV Thanh Nhàn, bệnh nhân N.C.T. (50 tuổi, Hà Nội), bắt đầu có biểu hiện sốt cao, đau đầu, buồn nôn, ăn uống kém trước khi nhập viện 5 ngày. Tình trạng này tiếp tục duy trì suốt những ngày sau đó dù bà đã tự uống thuốc, chăm sóc tại nhà nhưng không cải thiện được và phải tới khám tại BV Thanh Nhàn.

Bệnh nhân điều trị sốt xuất huyết tại BV Thanh Nhàn. Ảnh: Huy Hoàng
Bệnh nhân điều trị sốt xuất huyết tại BV Thanh Nhàn. Ảnh: Huy Hoàng

Thông tin về bệnh nhân, bác sĩ Nguyễn Đình Tới - Khoa Bệnh Nghề nghiệp, BV Thanh Nhàn cho biết, bệnh nhân T. đã được xét nghiệm và phát hiện tình trạng giảm tiểu cầu, xuất huyết niêm mạc. Sau khi hội chẩn, bà được chẩn đoán mắc SXH. Như trường hợp này chưa khai thác được yếu tố dịch tễ liên quan đến khu vực phía Nam, họ đi khám do sốt cao. Đây chỉ là một trong số các bệnh nhân SXH được BV Thanh Nhàn tiếp nhận trong thời gian qua.

Đề cập đến vấn đề này, bác sĩ Nguyễn Thu Hường - Trưởng đơn nguyên chống dịch, Trưởng khoa Bệnh Nghề nghiệp, BV Thanh Nhàn cho biết, số bệnh nhân mắc SXH tại đây hiện chưa quá nhiều, chỉ lác đác vài ca. Tìm hiểu sâu về lịch sử dịch tễ cho thấy một số trường hợp cũng từng trở về từ miền Trung và miền Nam.

Phát hiện sớm, xử trí kịp thời

Đồng quan điểm, PGS.TS Đỗ Duy Cường - Giám đốc Trung tâm Bệnh Nhiệt đới, BV Bạch Mai cho biết, đơn vị đã tiếp nhận hàng chục ca SXH từ các tỉnh phía Nam ra, có trường hợp nguy kịch, biểu hiện cô đặc máu, co giật… Đa số là do đi du lịch hoặc di chuyển từ khu vực phía Nam ra và dự báo số ca nhập viện sẽ tăng trong thời gian tới. “Bệnh nhân SXH có biểu hiện viêm màng não là một biến chứng nặng, ít gặp. Tuy nhiên nếu được điều trị kịp thời thì bệnh nhân có thể hồi phục hoàn toàn” - PGS.TS Đỗ Duy Cường lưu ý.

Theo bác sĩ, hiện nay miền Bắc đang vào giữa hè, thời tiết nắng nóng, kèm mưa nhiều, là điều kiện thuận lợi để muỗi vằn Aedes egypti sinh sản phát triển, kết hợp với việc người dân đi du lịch, nghỉ hè, nhu cầu đi lại gia tăng. 

“Qua các trường hợp bệnh nhân SXH do có yếu tố dịch tễ đi du lịch, công tác từ miền Nam ra - nơi có dịch SXH đang lưu hành, người dân khi đi du lịch, công tác, thăm thân tại các tỉnh phía Nam hoặc miền Nam Trung Bộ là nơi ca bệnh SXH đang gia tăng nên khi có biểu hiện sốt cao đột ngột, đau đầu, đau mỏi người và có yếu tố dịch tễ đi về từ vùng dịch về cần phải được đến cơ sở y tế để làm xét nghiệm, chẩn đoán SXH kịp thời, tránh những biến chứng của SXH như: sốc, suy đa tạng, chảy máu… Người dân cần chủ động áp dụng các biện pháp phòng chống muỗi cắn khi đi du lịch như: mang theo kem chống muỗi, ngủ màn, tránh xa nơi có muỗi cắn để không bị nhiễm bệnh” - PGS.TS Đỗ Duy Cường khuyến cáo.

Đặc biệt, trước nguy cơ bùng phát dịch SXH tại miền Bắc, Trung tâm Bệnh Nhiệt đới đã phối hợp với các đơn vị liên quan chuẩn bị sẵn sàng cơ sở vật chất gồm dịch truyền, thuốc men và tập huấn cho nhân viên y tế toàn bệnh viện chẩn đoán, điều trị, phòng bệnh SXH, phát hiện các ca sớm, xử trí kịp thời, hạn chế thấp nhất tử vong. Đồng thời, nhân viên y tế và người dân khi thấy một số triệu chứng của SXH như: sốt, đau đầu, buồn nôn, cần đi viện, làm xét nghiệm khẳng định, tránh nhầm lẫn với một số bệnh khác như Covid-19 hay sốt virus, sốt phát ban và các bệnh nhiễm trùng khác.

Bệnh nhi điều trị sốt xuất huyết tại Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương. Ảnh: BVCC.
Bệnh nhi điều trị sốt xuất huyết tại Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương. Ảnh: BVCC.

Liên quan đến vấn đề này, TS Đặng Thị Thúy - Trưởng Khoa Nhi, BV Bệnh Nhiệt đới Trung ương cho hay, thực tế với cộng đồng, sốt virus, SXH dengue và nhiễm các loại virus khác rất khó phân biệt. Vì trẻ đều có sốt cao đột ngột 39-40 độ, có biểu hiện nhiễm trùng toàn thân như: đau đầu, đau mỏi người, kém ăn.

“Trong SXH còn có đặc thù là đau hốc mắt, da mắt xuất huyết, ngoài ra có thể có phát ban, ban đỏ. Trong 3 ngày đầu có thể có các chấm xuất huyết trên da, nhưng thường ít hơn nên các cha mẹ dễ bỏ qua. Khi con bị ốm, sốt cao 1-2 ngày, có các dấu hiệu như trên thì gia đình nên đưa trẻ tới khám tại cơ sở y tế gần nhất”- TS Đặng Thị Thúy khuyến cáo.

Chia sẻ về cách chăm sóc trẻ SXH, TS Đặng Thị Thúy lưu ý, bệnh SXH cũng là do virus gây nên nhưng không phải trẻ nào cũng phải nhập viện điều trị. Cha mẹ cần đưa trẻ tới khám tại cơ sở y tế uy tín trước tiên để chẩn đoán nguyên nhân, sau là để chẩn đoán mức độ bệnh. Với những trẻ mắc bệnh SXH đơn thuần, không cần điều trị tại viện, trẻ có thể được bác sĩ kê đơn thuốc ngoại trú và chăm sóc tại nhà. Khi chăm sóc trẻ mắc SXH tại nhà, cha mẹ làm theo các chỉ dẫn của bác sĩ. Đầu tiên là điều trị giống các sốt virus khác, cho các bé nằm nghỉ ngơi tại nhà. Đồng thời, theo dõi nhiệt độ để dùng hạ sốt cho phù hợp. Cha mẹ có thể dùng loại hạ sốt paracetamol hay các chế phẩm là hapacol hay efferagan. Riêng với SXH dengue thì tuyệt đối không dùng ibuprofen. Vì chế phẩm hạ số này có nguy cơ làm tăng xuất huyết trong bệnh SXH dengue. Bên cạnh đó, cần cho trẻ uống nhiều nước, oresol, bổ sung các thức ăn nhiều nước như: cháo, nước dừa, nước trắng, sữa.

Ngoài ra, các chuyên gia y tế cũng khuyến cáo, trong trường hợp trẻ có các dấu hiệu nặng như: mệt mỏi, li bì, kích thích vật vã, khó chịu, nôn nhiều, đau bụng, đau phần gan bên phải, đau có xu hướng liên tục và và tăng lên, cha mẹ cần đưa con đến khám lại hoặc nhập viện ngay. Người dân khi trở về từ vùng dịch, có biểu hiện sốt cao đột ngột, đau đầu, đau mỏi người cần đến cơ sở y tế để làm xét nghiệm, chẩn đoán SXH kịp thời, tránh những biến chứng như: sốc, suy đa tạng, chảy máu...

 

Theo báo cáo từ Sở Y tế Hà Nội, trong tuần qua (từ 1/7-7/7), TP ghi nhận 79 trường hợp mắc SXH, tăng 1,5 lần so với tuần trước. Bệnh nhân ghi nhận rải rác tại 23 quận, huyện. Cộng dồn trong năm 2022, tổng số ca mắc SXH tại Hà Nội là 254 trường hợp. Hiện, Hà Nội chưa ghi nhận bệnh nhân tử vong do SXH.