Thiệt hại lớn về di sản văn hóa
Theo báo cáo của Sở VHTT&DL tỉnh Bắc Giang, vụ cháy chùa Làng Vẽ (phường Thọ Xương, TP Bắc Giang) hôm 10/2 đã gây thiệt hại không nhỏ. Cụ thể, toàn bộ tòa Tam bảo bị cháy, bao gồm 5 gian 2 chái tòa Tiền đường và 3 gian Thượng điện với tổng diện tích 263m². Cùng với đó là 25 pho tượng và hiện vật gồm 8 bức hoành phi, 5 đôi câu đối, một số cửa võng, hương án...
Đây là điều đáng tiếc khi mà chùa Làng Vẽ lưu giữ nhiều hiện vật, đồ thờ có niên đại thời Lê Trung Hưng (thế kỷ XVIII), thời Nguyễn (thế kỷ XIX - XX), tiêu biểu là hệ thống tượng Phật cổ. Mỗi pho tượng đều được tạc quy chuẩn, sơn son thếp vàng công phu, phản ánh giai đoạn phát triển nghệ thuật điêu khắc thời Lê Trung Hưng. Với nhiều giá trị lịch sử, văn hóa, khoa học, chùa Làng Vẽ được Bộ VH&TT (nay là Bộ VHTT&DL) xếp hạng di tích nghệ thuật quốc gia năm 1994.
Trước đó, ngày 23/10/2024 đã xảy ra vụ cháy chùa Phổ Quang, xã Xuân Lũng, huyện Lâm Thao, tỉnh Phú Thọ. Theo báo cáo của địa phương, vụ cháy đã làm tòa Tam bảo bị thiệt hại hoàn toàn; bảo vật quốc gia Bệ đá hoa sen (Bàn thờ Phật bằng đá) bị vỡ cánh hoa sen; 27 pho tượng Phật cùng toàn bộ cơ sở vật chất trong chùa bị thiệt hại hoàn toàn. Tổng thiệt hại ước tính 25 tỷ đồng.
Trong số này, đáng tiếc nhất là bảo vật quốc gia Bàn thờ Phật bằng đá bị hư hại. Sau vụ cháy, toàn bộ bề mặt bàn thờ bị ám khói đen; đài sen bị gãy vỡ hai góc bên trái (cả cánh sen trên và dưới), bên phải có một vết nứt lớn; phần thân và đế bàn thờ một số chỗ bị sứt vỡ, tách lớp; một số vị trí còn bị biến đổi về mặt hóa học. Điều đáng nói Bàn thờ Phật bằng đá vừa được công nhận bảo vật quốc gia năm 2021 theo Quyết định số 2198/QĐ-QĐ-TTg ngày 25/12/2021 của Thủ tướng Chính phủ.
Tại Hà Nội cũng từng xảy ra sự cố đáng tiếc khi ngôi chùa cổ hơn 300 năm tuổi Cự Đà (xã Đa Tốn, huyện Gia Lâm) tối 10/1/2020 làm hạng mục Tam bảo gồm tiền đường, thượng điện của chùa bị cháy. Đám cháy còn khiến phần mái chùa bị sập, than hóa các cấu kiện gỗ, vì kèo và hệ thống đồ thờ trong di tích. Đây là thiệt hại đáng tiếc khi chùa Cự Đà được xếp hạng di tích quốc gia năm 1996.
Nhìn từ các vụ cháy trên có thể thấy, thiệt hại về hệ thống di vật, di sản văn hóa là khá lớn khi các hiện vật, cổ vật đã có tuổi đời hàng trăm năm, được người dân, chính quyền địa phương và cơ sở thờ tự gìn giữ qua nhiều thế hệ, chứa đựng chiều sâu văn hóa, lịch sử của cả cộng đồng dân cư.
Không riêng gì những nhà nghiên cứu văn hóa, cơ quan quản lý văn hóa mà cả người dân và du khách thực sự xót xa, tiếc nuối những di vật, cổ vật có tuổi đời hàng trăm năm bị thiêu rụi dưới ngọn lửa. Nói như PGS.TS Đặng Văn Bài - Phó Chủ tịch Hội đồng Di sản văn hóa quốc gia, nguyên Cục trưởng Cục Di sản văn hóa (Bộ VHTT&DL), nhiều thứ khác mất đi có thể làm lại được nhưng riêng di tích mất đi không thể khôi phục. Bởi những giá trị tạo nên di tích là nét riêng có và trải qua thăng trầm của thời gian trong nhiều thế kỷ. Nếu sau đó, địa phương phục dựng lại thì đó lại là di tích mới.
Không chủ quan với an toàn phòng cháy chữa cháy
Nguyên nhân vụ cháy chùa Làng Vẽ (Bắc Giang) vẫn đang được cơ quan chức năng điều tra, làm rõ. Tuy nhiên, một điều mà bất cứ ai cũng nhận thức được là cơ sở thờ tự như đình, đền, chùa có đặc điểm cấu kiện, hệ thống tượng Phật thường làm bằng gỗ, rất dễ cháy. Thêm vào đó, tại nhiều cơ sở thờ tự thường xuyên có hoạt động đốt hương, vàng mã, do đó nguy cơ xảy ra cháy nổ rất cao.
Điều đáng nói, đầu năm mới là cao điểm mùa lễ hội, hàng vạn người dân, du khách thập phương đến tham quan, chiêm bái, cầu an tại các di tích lịch sử, văn hóa, cơ sở thờ tự. Tham gia vào hoạt động tín ngưỡng này, người đi lễ thường thắp hương, hóa vàng mã tại đình, đền, chùa khiến nguy cơ hỏa hoạn gia tăng, chưa kể những tồn tại liên quan đến hệ thống điện.
Ngay sau khi xảy ra vụ cháy chùa Làng Vẽ, Chủ tịch UBND tỉnh Bắc Giang Nguyễn Việt Oanh đã ký văn bản số 664/UBND-NC yêu cầu tăng cường công tác phòng cháy chữa cháy và cứu nạn cứu hộ đối với các cơ sở tôn giáo, tín ngưỡng và thờ tự. Theo đó, Chủ tịch UBND tỉnh Bắc Giang Nguyễn Việt Oanh yêu cầu Công an tỉnh tích cực phối hợp với các cơ quan thông tin, truyền thông tăng cường thời lượng tuyên truyền, phổ biến kiến thức, pháp luật về phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ tại các cơ sở tôn giáo, tín ngưỡng và thờ tự; cảnh báo các nguy cơ cháy, nổ, tai nạn, sự cố đặc biệt là cảnh báo nguy cơ xảy ra cháy từ việc đốt hương thờ cúng, đốt vàng mã tại các đền, đình, chùa, những nơi tổ chức lễ hội.
Sở VHTT&DL tỉnh phối hợp với Công an tỉnh tổ chức hướng dẫn, kiểm tra an toàn phòng cháy chữa cháy đối với các cơ sở tôn giáo, tín ngưỡng trên địa bàn tỉnh. Đồng thời chỉ đạo Ban Quản lý các cơ sở tôn giáo, tín ngưỡng tuân thủ nghiêm các quy định về phòng cháy chữa cháy và cứu nạn cứu hộ, trang bị đầy đủ các phương tiện chữa cháy cần thiết.
Thượng tá Đặng Trung Kiên - Phó trưởng Công an huyện Đan Phượng cho biết, qua khảo sát, trên địa bàn huyện có 56 chùa. Đây là nơi tín ngưỡng, hoạt động tập trung đông người, đặc biệt trong những ngày lễ, Tết, ngày Rằm và mùng 1. Các chùa thường nằm độc lập xa khu dân cư. Những người sinh sống, trông coi, quản lý chùa thường là các sư vãi, các tiểu… do vậy kỹ năng xử lý nếu có sự cố cháy, nổ xảy ra còn hạn chế.
Cùng với đó, việc trang bị các phương tiện chữa cháy, cứu nạn cứu hộ ban đầu tại nhiều chùa còn chưa được chú trọng. Việc thắp hương thờ cúng được diễn ra thường xuyên, liên tục; một số chùa hiện nay còn sử dụng nhiều thiết bị điện và các hệ thống điện do quá trình xây dựng lâu đời tiềm ẩn nguy cơ chập cháy, nguy cơ cháy nổ cao. Từ thực tế đó, để trang bị kiến thức, kỹ năng phòng cháy chữa cháy cho các cơ sở tôn giáo, Công an huyện Đan Phượng đã ra mắt mô hình “Cơ sở tín ngưỡng an toàn về phòng cháy chữa cháy” tại các xã Đan Phượng, Thượng Mỗ…
Thông qua mô hình nhằm đẩy mạnh công tác tuyên truyền, phổ biến kiến thức pháp luật, nâng cao ý thức về phòng cháy chữa cháy cho Ban Quản lý các cơ sở tín ngưỡng và lan tỏa đến Nhân dân trên địa bàn.
Hà Nội có gần 6.000 di tích lịch sử văn hóa, lai đang trong mùa lễ hội đầu Xuân Ất Tỵ. Do đó, công tác bảo đảm an toàn phòng cháy chữa cháy tại các cơ sở thờ tự, di tích cần phải được đặc biệt chú trọng.
Kiểm tra công tác tổ chức lễ hội “Tế khai sắc, rước khai Xuân” tại đền Voi Phục (quận Ba Đình) ngày 11/2, Trưởng phòng Xây dựng nếp sống và văn hóa (Sở VH&TT Hà Nội) Bùi Minh Hoàng cũng lưu ý, đền có nhiều cấu kiện, công trình làm bằng gỗ nên Ban Quản lý di tích cần phải thận trọng, hướng dẫn người dân đi lễ đúng truyền thống văn hóa, hạn chế đốt hương và vàng mã, có phương án phòng chống cháy, nổ, tránh những rủi ro. “Vụ cháy chùa Làng Vẽ (Bắc Giang) là sự cố đáng tiếc cho thấy Ban Quản di tích luôn phải đề cao cảnh giác, có các phương án xử lý kịp thời” – ông Bùi Minh Hoàng nhấn mạnh.