Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Nguy cơ dịch bệnh dại lan rộng tại huyện Sóc Sơn

Thảo Trần
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Chiều 5/8, Phó Giám đốc Sở Y tế Hà Nội Vũ Cao Cương đã có cuộc làm việc với UBND huyện Sóc Sơn về công tác phòng chống bệnh dại trên địa bàn huyện.

Theo báo cáo về tình hình bệnh dại tại Hà Nội, từ năm 2016 – 2021, TP ghi nhận 9 trường hợp tử vong do bệnh dại. Năm 2022 – 2023, ghi nhận 2 trường hợp tử vong. Từ năm 2023 đến nay chưa ghi nhận ca tử vong nhưng đã ghi nhận các ổ dịch bệnh dại tại huyện Mê Linh năm 2023 và tại huyện Sóc Sơn trong năm 2024.

Tính trong 7 tháng năm 2024, huyện Sóc Sơn ghi nhận 6 ổ dịch dại trên động vật (chó); chó dại đã cắn, tiếp xúc 27 người phải điều trị dự phòng, gồm 12 người bị cắn và 15 người tiếp xúc với chó dại.

Quang cảnh buổi làm việc.
Quang cảnh buổi làm việc.

Để chủ động phòng chống bệnh dại trên người, từ đầu năm 2024, Sở Y tế ban hành kế hoạch, kế hoạch liên ngành phòng chống dịch bệnh lây từ động vật sang người.

Trung tâm Kiểm soát bệnh tật (CDC) Hà Nội tổ chức tập huấn, bồi dưỡng chuyên môn nghiệp vụ cho cán bộ chuyên trách và phòng tiêm chủng các trung tâm y tế, tư vấn chỉ định tiêm phòng dại và thống kê báo cáo người phơi nhiễm đúng quy định; kiểm tra giám sát điều tra, xử lý và nội dung hoạt động phòng chống bệnh dại trên người tại các tuyến.

Trung tâm Y tế huyện Sóc Sơn tổ chức truyền thông trực tiếp cho các ban, ngành, đoàn thể; tư vấn cho người dân bị phơi nhiễm, thông báo đến người dân các địa chỉ tiêm vaccine, huyết thanh kháng dại trên địa bàn. Đơn vị cũng thực hiện rà soát người phơi nhiễm với động vật mắc dại, nghi dại để tư vấn, tuyên truyền tuân thủ điều trị dự phòng.

Phó Giám đốc Sở Y tế Hà Nội Vũ Cao Cương cho biết, qua thực tế giám sát bệnh dại nhiều nơi trên địa bàn huyện Sóc Sơn vẫn còn mầm bệnh tiềm ẩn, nguy cơ dịch bệnh lan rộng toàn huyện nếu không kiểm soát tốt bệnh dại trên động vật.

Tăng cường quản lý đàn chó, mèo, tiêm phòng đối với 100% chó, mèo nuôi để phòng chống bệnh dại trên người. (ảnh chó được xích nhốt tại hộ dân xã Thanh Xuân, huyện Sóc Sơn).
Tăng cường quản lý đàn chó, mèo, tiêm phòng đối với 100% chó, mèo nuôi để phòng chống bệnh dại trên người. (ảnh chó được xích nhốt tại hộ dân xã Thanh Xuân, huyện Sóc Sơn).

Vì vậy, ngành y tế Hà Nội đề nghị UBND huyện Sóc Sơn thực hiện nghiêm các biện pháp để phòng ngừa bệnh dại cho động vật, tránh lây lan sang người, đặc biệt cần tăng cường quản lý đàn chó, mèo, tiêm phòng đối với 100% chó, mèo nuôi theo khuyến cáo của ngành thú y.

Địa phương đẩy mạnh các biện pháp tuyên truyền nâng cao ý thức của người dân trong việc thay đổi thói quen chăn thả, tuyệt đối không thả rông chó, mèo; đồng thời tiến hành diệt ngay chó chạy rông, chó vô chủ.

“Các đơn vị, cơ sở hướng dẫn các biện pháp về y tế khi người dân bị chó, mèo cắn. Đặc biệt, người dân cần đến ngay trung tâm y tế để được tư vấn và tiêm phòng dại kịp thời, tuyệt đối không tự chữa bằng thuốc nam hoặc các biện pháp truyền miệng không có cơ sở khoa học” - Phó Giám đốc Sở Y tế Hà Nội nhấn mạnh.