Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Nguy cơ dịch chồng dịch

Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Khi thông tin về các ca nhiễm sởi vẫn liên tục được báo chí đăng tải, tuần qua, người dân tiếp tục hoang mang khi nhiều dịch bệnh lại có khả năng bùng phát trong nước và các dịch bệnh từ nước ngoài có nguy cơ xâm nhập, đe dọa sức khỏe của người dân.

Thậm chí, Cục trưởng Cục Y tế dự phòng Trần Đắc Phu đã phải lên tiếng cảnh báo, Việt Nam đang đứng trước nguy cơ dịch chồng dịch.

Trước diễn biến phức tạp của các bệnh thường xảy ra trong mùa hè, Bộ Y tế cũng đã có thông tin báo chí về tình hình dịch bệnh mùa hè. Đáng chú ý trong đó là hai dịch bệnh đang có nguy cơ tăng cao ở nước ta là bệnh tay - chân - miệng và sốt xuất huyết. Từ đầu năm đến nay, cả nước đã ghi nhận 17.410 trường hợp mắc tay-chân-miệng tại 62 tỉnh, thành phố.
Nguy cơ dịch chồng dịch - Ảnh 1

Ảnh minh họa.
Riêng tại Hà Nội, toàn thành phố ghi nhận 192 trường hợp mắc tay-chân-miệng tại 26/30 quận, huyện. Mặc dù, số mắc trên địa bàn thành phố đã giảm 41,6% so với cùng kỳ năm 2013 nhưng theo nhận định của các chuyên gia, trong những tháng tới, tình hình bệnh tay-chân-miệng sẽ gia tăng do điều kiện thời tiết mùa hè. Cho tới thời điểm hiện tại, bệnh tay-chân-miệng đã khiến hai trẻ tại Long An và Bà Rịa -Vũng Tàu tử vong. Điều đáng lo ngại là cho đến nay, chưa có vaccine phòng bệnh tay chân miệng và sốt xuất huyết. Ngoài ra, nếu như sởi, thủy đậu ai đã từng mắc bệnh thì gần như được miễn dịch suốt đời, riêng bệnh tay-chân-miệng có thể tái nhiễm nhiều lần do có nhiều tuýp virus khác nhau. 

Cũng từ đầu năm đến nay, cả nước ghi nhận hơn 8.000 trường hợp mắc sốt xuất huyết, trong đó 4 trường hợp tử vong tại Bình Dương, Bình Phước, Cà Mau và TP Hồ Chí Minh. Tính từ đầu năm đến nay, Hà Nội cũng đã ghi nhận 2 ổ dịch sốt xuất huyết và 37 ca bệnh nhưng không có ca tử vong. Mặc dù 4 tháng đầu năm số ca mắc, số quận, huyện và xã phường có bệnh nhân giảm so với cùng kỳ năm 2013 nhưng dự báo năm 2014 là năm thứ 5 theo chu kỳ dịch (kể từ năm 2009 bùng phát dịch SXH trên địa bàn), cùng với đó là các yếu tố nguy cơ chưa giải quyết được triệt để, như: Tình trạng thiếu nước sạch, tích trữ nước, thuê trọ tại khu vực nội thành, các công trường xây dựng dang dở… nên Trung tâm Y tế dự phòng Hà Nội nhận định có khả năng sốt xuất huyết bùng phát trở lại nếu các biện pháp phòng, chống dịch bệnh không quyết liệt.

Ngoài ra, bệnh viêm não virus đang có chiều hướng tăng với 191 trường hợp, trong đó 3 bệnh nhân tử vong. Từ đầu năm đến nay cũng có 15 trường hợp tử vong vì bệnh dại, tập trung tại các tỉnh miền núi phía Bắc. WHO khuyến cáo để ngăn chặn sự lây lan quốc tế của virus bại liệt hoang dại cần thiết có sự hợp tác ứng phó quốc tế.

Để công tác phòng, chống dịch bệnh sởi, tay chân miệng, sốt xuất huyết nói riêng hay các dịch bệnh nói chung có hiệu quả, bên cạnh việc tăng cường công tác truyền thông để người dân hiểu biết và có ý thức chủ động phòng, chống dịch, hệ thống giám sát cần phải được đẩy mạnh, đặc biệt tuyến quận, huyện cần chủ động nắm bắt, phân tích tình hình, biết cách đánh giá xu hướng, diễn biến dịch bệnh trên địa bàn. Và hơn hết, bản thân mỗi người dân cần nâng cao ý thức giảm thiểu nguy cơ lây nhiễm bệnh bằng việc thực hiện tốt vệ sinh cá nhân để phòng bệnh.