Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Nguy cơ gia tăng thiệt hại do mưa lũ tại các tỉnh thành Bắc Bộ

Tùng Nguyễn
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Mưa liên tiếp những ngày qua đã gây ra nhiều thiệt hại cho các địa phương khu vực Bắc Bộ. Dự báo nguy cơ thiệt hại có thể còn lớn hơn do mưa lớn tiếp tục kéo dài bởi ảnh hưởng của hoàn lưu bão số 2.

Số liệu quan trắc đến trưa nay (22/7) cho thấy, từ 19 giờ ngày 18/7 đến 19 giờ ngày 21/7, khu vực Bắc Bộ đã có mưa, với tổng lượng mưa phổ biến 100 - 150mm. Một số trạm có tổng lượng mưa lớn hơn như: Bát Xát (Lào Cai) 165mm; Phình Hồ (Quảng Ninh) 210mm…

Từ 19 giờ đêm qua (21/7) đến trưa nay (22/7), khu vực Đồng bằng Bắc Bộ có mưa rào rải rác, cục bộ có nơi mưa to; tổng lượng mưa phổ biến từ 20 - 50mm. Một số trạm có lượng mưa lớn hơn như: Phượng Mao (Phú Thọ) 82mm; An Bình (Hòa Bình) 71mm; Đông Anh (Hà Nội) 92mm…

Mưa lớn khiến việc đi lại của người trên địa bàn tỉnh Yên Bái gặp nhiều khó khăn.
Mưa lớn khiến việc đi lại của người trên địa bàn tỉnh Yên Bái gặp nhiều khó khăn.

Mưa lớn kèm theo dông lốc, sét, sạt lở đất đã gây nhiều thiệt hại tại các tỉnh, TP. Đáng tiếc nhất là tại Thái Nguyên, vào chiều 20/7/2024 ghi nhận trường hợp bà Nguyễn Thị Thi (sinh năm 1969, tổ 7, phường Cam Giá, TP Thái Nguyên) tử vong do bị sét đánh khi đang làm đồng.

Tại các tỉnh Lào Cai, Yên Bái, mưa lớn cũng đã khiến 11 nhà dân bị hư hỏng do sạt lở taluy dương; 4 ngôi nhà bị tốc mái, hư hỏng. Hàng trăm gia súc, gia cầm bị chết, bị nước lũ cuốn trôi…

Đặc biệt, mưa lớn đã làm sạt lở taluy dương trên Quốc lộ 4 và một số điểm tuyến tại tỉnh lộ 152, Quốc lộ 32. Ngay sau khi thiên tai xảy ra, chính quyền các địa phương đã huy động lực lượng xử lý thông tuyến giao thông và tiếp tục rà soát thống kê, tổng hợp thiệt hại.

Đáng chú ý, do ảnh hưởng của hoàn lưu bão số 2, tại khu vực Bắc Bộ sẽ tiếp tục có mưa lớn kéo dài. Từ đêm 22/7 đến đêm 23/7, ở khu vực Bắc Bộ và Thanh Hóa có mưa vừa, mưa to và dông, cục bộ có nơi mưa rất to. Nguy cơ thiệt hại có thể gia tăng.

Cục trưởng Cục Quản lý đê điều và Phòng, chống thiên tai (Bộ NN&PTNT) Phạm Đức Luận cho biết, hiện nay đơn vị đang duy trì trực ban 24/24 giờ; tiếp nhận thông tin mưa lũ, tình hình thiệt hại tại các địa phương để kịp thời có chỉ đạo công tác ứng phó, xử lý.

Để giảm thiểu thiệt hại do thiên tai, Cục Quản lý đê điều và Phòng, chống thiên tai đề nghị các địa phương khẩn trương rà soát phương án, sẵn sàng sơ tán, di dời dân cư để bảo đảm an toàn tính mạng cho người dân tại các khu vực nguy hiểm, nhất là khu vực có nguy cơ ngập sâu, sạt lở, lũ quét.

Được biết, các tỉnh, TP khu vực Bắc Bộ (bao gồm cả Hà Nội) hiện đã có công văn chỉ đạo gửi các quận, huyện, thị xã đề nghị chủ động bố trí lực lượng ứng trực tại các khu vực trọng điểm xung yếu để sẵn sàng ứng cứu, cứu hộ cứu nạn khi có tình huống nhằm hạn chế thiệt hại do thiên tai có thể xảy ra. 

 

Số liệu quan trắc cho thấy, mực nước lúc 7 giờ ngày 22/7 trên sông Hồng tại trạm Hà Nội là 5,32m. Dự báo, mực nước hạ lưu sông Hồng biến đổi chậm, đến 7 giờ ngày 23/7 tại trạm Hà Nội có khả năng ở mức 5,70m. TP đã có công văn đề nghị các quận, huyện, thị xã chủ động ứng phó lũ lên trên các sông.