Nguy cơ lạm phát vẫn “rình rập” trong năm 2016

Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Năm 2016, nền kinh tế sẽ tiếp nối đà hồi phục tăng trưởng, tuy nhiên lạm phát có thể tăng do nhiều yếu tố nội tại của nền kinh tế.

Đây là nhận định được các chuyên gia kinh tế đưa ra tại Hội thảo khoa học quốc gia "Kinh tế - xã hội Việt Nam năm 2015: Cơ hội và thách thức trước thềm hội nhập” do trường ĐH Kinh tế Quốc dân Hà Nội và Ban Kinh tế T.Ư tổ chức ngày 13/1.

Theo phân tích của PGS.TS Tô Trung Thành, lạm phát năm 2016 có thể tăng do tỷ giá có thể được điều chỉnh tăng, lương và giá nhiều mặt hàng do Nhà nước quản lý đến lộ trình tăng, trong khi giá dầu cũng không thể giảm quá sâu. Ngoài ra, sức ép nợ công cao khiến kỷ luật vay nợ từ Ngân hàng Nhà nước có thể bị buông lỏng.
Toàn cảnh buổi hội thảo.
Toàn cảnh buổi "Hội thả khoa học quốc gia Kinh tế - xã hội Việt Nam năm 2015: Cơ hội và thách thức trước thềm hội nhập”
Về lãi suất, ông Thành nhận định sẽ khó giảm do Cục dự trữ Liên bang Mỹ (FED) gia tăng lãi suất, quy mô vay nợ nội địa vẫn tăng, đồng thời vấn đề nợ xấu chưa được giải quyết triệt để.

Đưa ra khuyến nghị cho năm 2016, ông Thành cho rằng nền kinh tế cần quyết liệt đổi mới mô hình tăng trưởng, tái cơ cấu kinh tế ở những điểm nghẽn then chốt và đổi mới tư duy, chính sách thu hút FDI. “Hiện nay khu vực FDI đóng vai trò lớn vào tăng trưởng cả nền kinh tế. Nếu chúng ta tiếp tục dựa vào FDI như hiện nay sẽ gặp nhiều vấn đề. Cần đổi mới chính sách thu hút FDI, hướng họ vào khu vực có công nghệ cao hơn” – ông Thành đặt vấn đề.

Bên cạnh đó, Nhà nước cần hỗ trợ khu vực tư nhân để vươn lên vị trí cao hơn trong mạng sản xuất Đông Á và toàn cầu; đổi mới cơ chế điều hành tỷ giá linh hoạt, khung chính sách tiền tệ cần được cải thiện; kiểm soát chặt chẽ thâm hụt ngân sách và nợ công; giám sát hiệu quả an ninh tài chính tiền tệ trong bối cảnh hội nhập.

Chia sẻ thêm về những tác động của giá dầu đối với nền kinh tế trong nước trong năm 2016, TS Cấn Văn Lực nhìn nhận, giá dầu giảm dẫn đến giá nhiều loại hàng hóa trên thế giới giảm, sẽ là cơ hội cho Việt Nam hạ lãi suất. Kịch bản giá dầu thế giới năm 2016 phổ biến là 40 – 50 USD/thùng. Theo tính toán của Tập đoàn Dầu khí Việt Nam nếu giá dầu xuất là 45 USD/thùng thì với chi phí sản xuất, khai thác dầu của Việt Nam là 27,5 USD thì chúng ta vẫn có lãi.

Tuy nhiên, kịch bản giá dầu tháng 1/2016 chỉ có thể ở mức 20 – 30 USD/thùng do nguồn cung thế giới tăng, đồng USD tăng giá khiến giá dầu giảm mạnh. Các chuyên gia Morgan Stanley đã chỉ ra, nếu USD tăng giá 1% thì giá dầu giảm khoảng 1 USD. Nếu USD tăng 7-10%, giá dầu mất 7-10 USD. “Như vậy nhiều khả năng, giá dầu chỉ còn 20-25 USD/thùng” – ông Lực nhận định.

Tuy nhiên, về cơ bản, Việt Nam nhập siêu xăng dầu không nhiều, do vậy giá xăng dầu giảm dù có làm ảnh hưởng tới ngân sách nhưng nhìn chung không phải là vấn đề đáng quan ngại của nền kinh tế.

Tin đọc nhiều

Kinh tế đô thị cuối tuần