Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Nguy cơ mất thị trường Trung Quốc: Giải pháp nào cho gạo Việt?

Ánh Ngọc
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Việc nhiều quốc gia trên thế giới nói chung và thị trường Trung Quốc nói riêng siết chặt các tiêu chuẩn về chất lượng, an toàn vệ sinh thực phẩm đang trở thành thách thức lớn đối với ngành lúa gạo Việt Nam.

Yêu cầu cấp bách của Việt Nam hiện nay là cùng với nỗ lực tìm kiếm, khai thác các thị trường mới, cần tập trung nâng cao chất lượng, giá trị và năng lực cạnh tranh cho mặt hàng chủ lực này.
Sụt giảm mạnh vì chính sách thay đổi
Theo số liệu thống kê của Cục Xuất nhập khẩu (Bộ Công Thương), trong 8 tháng năm 2019, xuất khẩu gạo đạt 4,5 triệu tấn, đạt gần 2 tỷ USD, tăng 0,3% về khối lượng nhưng giảm 14,9% về giá trị so với cùng kỳ năm 2018. Trong đó, khối lượng gạo xuất sang Trung Quốc đạt 347.520 tấn, tương đương 173,7 triệu USD, chiếm 7,6% trong tổng lượng gạo xuất khẩu của cả nước.
Con số này cho thấy, xuất khẩu gạo sang Trung Quốc đã sụt giảm mạnh tới 67,8% về lượng và 67,2 % về giá trị so với cùng kỳ năm 2018. Trung Quốc cũng không còn giữ ngôi vị là thị trường xuất khẩu gạo số 1 của nước ta từ nhiều tháng nay. Thay vào đó là sự tăng trưởng mạnh từ các thị trường nhập khẩu tiềm năng như: Philippines, Malaysia, Iraq, Bờ Biển Ngà…
 Thu hoạch lúa tại huyện Đông Anh, Hà Nội. Ảnh: Công Hùng
Nguyên nhân là do Trung Quốc đã áp dụng nhiều rào cản kể từ đầu năm 2018 đối với mặt hàng gạo Việt Nam. Cụ thể, Trung Quốc đã tăng thuế nhập khẩu gạo nếp từ 5% lên 50% và kiểm soát chặt nhập khẩu gạo tấm.
Bên cạnh đó, vấn đề vệ sinh ATTP và chất lượng sản phẩm đang ngày càng được Chính phủ Trung Quốc quy định chặt chẽ và khắt khe, đặc biệt đối với các sản phẩm lương thực, thực phẩm nhập khẩu, trong đó có gạo. Việc truy xuất nguồn gốc tận nơi sản xuất của nước xuất khẩu là một trong những biện pháp Chính phủ Trung Quốc áp dụng không chỉ đối với thương nhân xuất khẩu Việt Nam mà với nhiều nước khác.
Đối mặt nhiều thách thức
Gạo là mặt hàng nông sản xuất khẩu chủ lực của Việt Nam, với lượng gạo xuất khẩu dao động từ 4,9 - 7,7 triệu tấn/năm, giá trị xuất khẩu bình quân đạt trên 2 tỷ USD/năm và đạt mức kỷ lục 3,08 tỷ USD trong năm 2018. Những năm gần đây, Việt Nam không chỉ xuất khẩu gạo tới các thị trường truyền thống mà còn mở rộng tiếp cận tới các thị trường mới, có tính khắt khe về tiêu chuẩn chất lượng như: Mỹ, EU, Hàn Quốc, Nhật Bản...
Tuy nhiên, theo Giám đốc Viện Khoa học Nông nghiệp Việt Nam Nguyễn Hồng Sơn, việc ứng dụng công nghệ tiên tiến trong bảo quản, chế biến hiện đang là khâu yếu nhất trong chuỗi giá trị lúa gạo Việt Nam. Điều này ảnh hưởng không nhỏ tới chất lượng và giá thành của gạo Việt Nam so với giống gạo cùng loại của các quốc gia xuất khẩu gạo lớn như Thái Lan và Ấn Độ.
Đáng nói, không chỉ năm 2019 mà những năm tới, xuất khẩu gạo của Việt Nam sẽ tiếp tục đối mặt với nhiều thách thức. Phó Chủ tịch Hiệp hội Lương thực Việt Nam Bùi Thị Thanh Tâm phân tích, đầu tiên là sự gia tăng nguồn cung lúa gạo trên thế giới, cụ thể là diện tích và sản lượng lúa gạo ở nhiều quốc gia đang tăng lên do hiệu ứng giá gạo cao của những năm trước.
 Chế biến gạo tại Đồng bằng sông Cửu Long.
Ước tính tổng sản lượng gạo toàn cầu năm 2019 sẽ đạt hơn 499 triệu tấn, tăng thêm 4,2 triệu tấn so với năm 2018. Tiếp đến là lượng gạo tồn kho từ các niên vụ trước còn khá lớn, điển hình như Trung Quốc, hiện nay đang tồn kho khoảng 116 triệu tấn gạo. Từ một nước nhập khẩu gạo, Trung Quốc hiện nay đã trở thành nước xuất khẩu gạo lớn, có khả năng thay thế vị trí của Mỹ.
Giảm lượng, nâng chất đáp ứng yêu cầu thị trường
Nhiều chuyên gia nhận định, khó khăn của ngành lúa gạo hiện nay là vấn đề đã được dự báo nhưng vẫn không tránh khỏi. Nguyên nhân là bởi những giải pháp đề ra để tháo gỡ khó khăn cho xuất khẩu lúa gạo chưa được thực hiện một cách triệt để.
Đơn cử như, việc tái cơ cấu lại ngành sản xuất nông nghiệp theo hướng giảm diện tích đất trồng lúa chuyển đổi sang các loại cây trồng khác được triển khai từ lâu nhưng thực tế thực hiện rất khó.
Đưa ra các khuyến nghị, nhiều chuyên gia đồng quan điểm, Bộ NN&PTNT cần xác định rõ ràng, quy hoạch diện tích đất lúa bao nhiêu là hợp lý, để vừa đảm bảo an ninh lương thực quốc gia vừa duy trì đủ sản lượng xuất khẩu.
Về phía Bộ Công Thương, cần có cơ chế hỗ trợ thu mua tạm trữ nhằm giải quyết đầu ra và lợi ích cho người nông dân. Song song đó, phối hợp với các bộ, ngành làm tốt công tác dự báo thông tin thị trường để DN có kế hoạch thu mua, dự trữ hợp lý. Đối với các hiệp hội phải tích cực hỗ trợ DN trong việc xây dựng chuỗi liên kết, thương hiệu cho hạt gạo của Việt Nam.
Phó Cục trưởng Cục Xuất nhập khẩu (Bộ Công Thương) Trần Thanh Hải nhận định, xuất khẩu gạo sang EU dự báo sẽ tăng trưởng mạnh trong tương lai do tác động của Hiệp định EVFTA đã được ký kết và đang chờ Quốc hội các nước phê chuẩn để chính thức có hiệu lực.
Tuy nhiên, EU là một thị trường khó tính, để tận dụng cơ hội mới này một cách thành công, DN xuất khẩu gạo cần nâng cao chất lượng, đáp ứng các quy định về truy xuất nguồn gốc, đẩy mạnh xây dựng thương hiệu, cũng như làm quen với các thủ tục giấy tờ liên quan.
Chẳng hạn như, các loại gạo phải thuộc một trong 8 loại trong danh mục được phép hưởng miễn thuế và có đầy đủ giấy chứng nhận đúng chủng loại được cấp bởi cơ quan có thẩm quyền.

"Những yêu cầu về kiểm dịch, truy xuất nguồn gốc của thị trường Trung Quốc là hoàn toàn hợp lý bởi đó là xu hướng, là yêu cầu của người tiêu dùng không chỉ ở Trung Quốc mà còn ở hầu hết các quốc gia khác trên thế giới. Vì vậy, đây là lúc nông dân và DN cần liên kết chặt chẽ với nhau để sản xuất lúa gạo theo tiêu chuẩn chất lượng mà thị trường yêu cầu. Vấn đề hiện nay là Nhà nước cần có cơ chế hỗ trợ DN về nguồn vốn để triển khai việc liên kết vào thực tế. " - Giám đốc Công ty CP Nông nghiệp công nghệ cao Trung An Phạm Thái Bình


"Để gạo Việt có mặt trên nhiều địa phương ở Trung Quốc, nhất là hệ thống các siêu thị, DN Việt cần đầu tư xây dựng thương hiệu cho hạt gạo một cách chuyên nghiệp. Cùng với đó, tuân thủ nghiêm túc các quy trình, quy định về kiểm dịch, xông hơi khử trùng, quy cách bao bì, đóng gói để tránh sai sót, rủi ro phát sinh khi xuất khẩu sang thị trường này." - Tham tán Thương mại tại Bắc Kinh (Trung Quốc) Đào Việt Anh