Đặc biệt, điều này có khả năng phát triển thành nguy cơ mới trong mối quan hệ song phương Mỹ - Hàn. Cuối tuần qua, hàng triệu cử tri trong số hơn 42,4 cử tri Hàn Quốc đủ điều kiện đã đi bỏ phiếu sớm sau khi 3.510 điểm bầu cử được mở trên khắp cả nước từ hôm 4/5. Các cuộc khảo sát cho thấy, ứng viên Moon Jae In - cựu lãnh đạo đảng Dân chủ đối lập đang dẫn đầu, giữ một khoảng cách an toàn so với 2 đối thủ theo sau.
Hãng tư vấn rủi ro chính trị Eurasia Group trong tuần này nâng khả năng chiến thắng của ông Moon lên 80% từ mức 55% của tháng trước. Trong suốt chiến dịch tranh cử Tổng thống Hàn Quốc năm nay, ông Moon Jae-in được xem là ứng viên nặng ký nhất cho vị trí chủ nhân Nhà Xanh. Tuy nhiên, ông Moon lại là một trong những ứng viên có chính sách mềm mỏng nhất đối với vấn đề của CHDCND Triều Tiên.
Ứng cử viên Tổng thống Hàn Quốc Moon Jae-in trong cuộc vận động tranh cử tại TP Goyang. |
Suốt 10 năm qua, Chính phủ Hàn Quốc cùng đồng minh Mỹ luôn thể hiện lập trường cứng rắn với CHDCND Triều Tiên, khi quốc gia này liên tục thực hiện chương trình thử nghiệm vũ khí hạt nhân và tên lửa đạn đạo, đe dọa tới an ninh khu vực. Tuy nhiên, mối quan hệ giữa Hàn Quốc và CHDCND Triều Tiên hay quan hệ giữa Hàn Quốc và Mỹ có thể thay đổi nếu cựu lãnh đạo đảng Dân chủ đối lập Moon Jae-in thắng trong cuộc bầu cử Tổng thống hôm 9/5 tới.
Nếu kịch bản này xảy ra, đây cũng không phải tin vui đối với Tổng thống Mỹ Donald Trump do ông Moon tuyên bố sẽ nỗ lực đàm phán với Bình Nhưỡng, và nếu cần thiết sẽ nói “không” với Washington - đồng minh mạnh nhất của Seoul. Cựu lãnh đạo đảng Dân chủ đối lập đã nhiều lần chỉ trích việc Mỹ triển khai Hệ thống phòng thủ tên lửa đạn đạo tầm cao giai đoạn cuối (THAAD) tại Hàn Quốc mà không đợi đến khi Seoul có tân Tổng thống để đưa ra quyết định cuối cùng về THAAD.
Đặc biệt, trong khi Tổng thống Mỹ Donald Trump đang nỗ lực buộc Trung Quốc tạo ra nhiều sức ép hơn để kiềm chế CHDCND Triều Tiên, ứng viên Moon Jae-in lại theo đuổi quan điểm Hàn Quốc nên giữ vai trò trung tâm trong việc đối phó với vấn đề hạt nhân của CHDCND Triều Tiên. Hiện, quan điểm này của ông Moon đang nhận được sự ủng hộ của phần lớn cử tri Hàn Quốc do những sức ép từ Washington, Bắc Kinh với Bình Nhưỡng vẫn chưa phát huy hiệu quả, thậm chí Triều Tiên vẫn liên tiếp có các động thái nhằm hiện thực hóa tham vọng hạt nhân của mình.Tuy nhiên, trong trường hợp thắng cử, ông Moon Jae-in sẽ phải đối mặt với nhiều khó khăn, nhất là trong việc đưa ra cách tiếp cận mới đối với vấn đề hạt nhân của Bình Nhưỡng. Bởi đảng Dân chủ của ông Moon không chiếm đa số ghế trong Quốc hội nên rất khó để các chính sách của ông Moon qua được cửa của cơ quan lập pháp, nơi các nghị sĩ vẫn theo đuổi lập trường cứng rắn với Triều Tiên. Nếu tình thế không có gì thay đổi, kết quả cuộc bầu cử ngày 9/5 sẽ chấm dứt 9 năm cầm quyền của lực lượng bảo thủ tại Hàn Quốc, hứa hẹn mang lại sự thay đổi trong cách Seoul xử lý mối quan hệ nhạy cảm với Bình Nhưỡng. Bất cứ ứng viên nào trở thành Tổng thống cũng phải nhanh chóng điều chỉnh mối quan hệ với các đồng minh Mỹ, Trung và xử lý cuộc khủng hoảng chính trị trong nước trước khi tình hình trên bán đảo Triều Tiên tiếp tục xấu đi.