Nguy cơ nhiều ao, hồ chỉ còn tên

Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Theo số liệu từ báo cáo hồ Hà Nội 2015 của Trung tâm Nghiên cứu môi trường và Cộng đồng (CECR), hiện trên địa bàn TP có 112 hồ ao.

Nhiều hồ ao được cải tạo đã trở thành "lá phổi xanh" của TP, nhưng nhiều địa điểm đã biến thành "hồ chết, ao chết" và có nguy cơ bị xóa sổ nếu không có biện pháp can thiệp kịp thời…

Bốc mùi và… bốc hơi

Ngoài những mặt tích cực từ việc cải tạo hồ, ao, thì nghiên cứu của CECR đã chỉ ra hàng loạt bất cập trong việc giữ gìn vệ sinh môi trường cũng như chống lấn chiếm các hồ tại Hà Nội. Thống kê cho thấy, diện tích mặt hồ tại Hà Nội năm 2015 đã giảm hơn 72.000m2 so với năm 2010. Cụ thể, tổng diện tích nước mặt hồ năm 2015 là 6.959.305m2, giảm 72.540m2 so với năm 2010. Trong khi đó, về số lượng các hồ, trong 5 năm qua đã có 17 hồ bị san lấp hoàn toàn nhưng chỉ tạo ra 7 hồ mới. Một số hồ bị cạn là do nước bốc hơi, nhưng một diện tích cũng bị "bốc hơi" vì bị người dân lấn chiếm; môi trường bị ô nhiễm trầm trọng do nước thải sinh hoạt và "kính thưa" các loại rác bị người dân vô ý thức đua nhau đổ xuống. Đây là thực trạng báo động của nhiều hồ nằm sâu trong các khu dân cư. Điển hình trong số đó phải kể đến hồ Linh Quang.
Ao Ải (quận Cầu Giấy) đã biến thành bãi tập kết vật liệu xây dựng. 	Ảnh: Trần Thụ
Ao Ải (quận Cầu Giấy) đã biến thành bãi tập kết vật liệu xây dựng. Ảnh: Trần Thụ
Từ 2010, dự án cải tạo hồ Linh Quang đã được triển khai, nhưng đến nay, việc cải tạo gần như dậm chân tại chỗ. Việc thi công dang dở khiến hồ chưa có hành lang; bờ phía chợ Văn Chương biến thành bãi trông xe và nơi tập trung rác, phế thải xây dựng. Phần còn lại do giáp với nhà dân nên bị "gặm nhấm" bằng việc đổ chất đất, phế liệu xây dựng và mỗi ngày lòng hồ bị co lại do các hộ dân lấn chiếm làm… trại chăn nuôi! Dưới mặt nước, ngoài rau muống, bèo tây, khoai nước cơ man là rác thải sinh hoạt, xác động vật, cá chết… Nước hồ màu đen xỉn và bốc mùi hôi thối, đặc biệt là vào mùa hè...

Với diện tích 43.448m2, từ 2010 đã được cải tạo với hành lang rộng tới 5m, gồm thảm cỏ, cây xanh, vỉa hè…, hồ Ba Mẫu là một điểm nhấn về cảnh quan của quận Đống Đa. Nhưng đến nay, một số đoạn bờ kè của hồ Ba Mẫu đã xuống cấp và mất vệ sinh do rác thải và nhiều người vô ý thức phóng uế bừa bãi. Hành lang bị chiếm dụng làm quán nước, bãi trông giữ xe và… bãi tập kết rác!

Đặc biệt trong số 112 ao, hồ của 6 quận nội thành, có cái dù vẫn có tên trong danh sách nhưng thực tế đã bị san phẳng bởi hàng vạn mét vuông rác thải xây dựng và nay đã được quây kín mít bằng hàng rào tôn và biến thành bãi trông xe - đó là ao Ải (phường Nghĩa Đô, quận Cầu Giấy)…

Những việc… cần làm ngay

Với con số thống kê là 112, thì trên địa bàn Hà Nội hiện đã giảm 10 ao, hồ so với năm 2010. Điều đặc biệt, nhiều hồ hiện nay vẫn được sử dụng để nuôi cá, trồng rau và giữ chức năng thoát nước của các khu dân cư, nhà hàng khách sạn. Chính sự phân cấp chức năng hồ không rõ ràng trên dẫn đến nhiều hồ bị xuống cấp và gây nhiều khó khăn cho công tác quản lý.

Tuy vậy, đáng mừng là trong "bức tranh hồ ao Hà Nội 2015" ngoài những mảng tối vẫn có những điểm sáng. Đó là chất lượng nước của các ao, hồ đã có sự cải thiện tốt hơn, số hồ ô nhiễm nặng và ô nhiễm rất nặng đang có xu hướng giảm dần. Cụ thể, trong 112 hồ, ao của 6 quận nội thành, nhiều hồ, ao đã trở thành những “lá phổi xanh”, của Thủ đô; trong số đó phải kể đến Hồ Gươm, hồ Tây, hồ Hale, hồ Bảy Mẫu… Theo số liệu từ báo cáo, một số hồ đã được nâng cấp tu sửa bờ kè, tạo ra cảnh quan đẹp, môi trường nước từ chỗ hôi hám nay đã trở nên trong lành, thơ mộng. Tạo điểm nhấn trong cảnh quan đô thị và là sân chơi cho người dân, hồ Láng Thượng là một trong số đó. Trước 2010, nước hồ màu xanh rêu bốc mùi tanh hôi và vô số váng. Đến 2015, cảnh quan của hồ Láng Thượng đã được cải tạo một cách cơ bản, hành lang thông thoáng sạch sẽ vì được dọn dẹp thường xuyên, nước hồ trong xanh không còn mùi hôi thối, hồ trở thành điểm nghỉ ngơi thư giãn của người dân và là chốn hẹn hò của không ít trai thanh - gái lịch…

Để bảo vệ hồ Hà Nội, CECR đã đưa ra một số khuyến nghị: Cần phải phân rõ ranh giới diện tích, xác định rõ chức năng của mỗi hồ và quản lý dựa trên các chức năng đó. Đặc biệt nên cân nhắc loại bỏ chức năng nuôi cá, phục vụ kinh tế. “Các hồ, ao, sông nhỏ ở Hà Nội là tài sản môi trường quý giá của Thủ đô. Quản lý tài sản môi trường này đòi hỏi cách tiếp cận tích hợp, kết hợp giữa bảo tồn, kỹ thuật, sự tham gia của các bên, cộng đồng DN, truyền thông, các nhà khoa học” - bà Nguyễn Ngọc Lý - Giám đốc CECR kiến nghị.