Nguy cơ ô nhiễm từ rác thải điện tử

Vũ Khoa
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Trong thời đại 4.0, số lượng thiết bị điện tử sẽ liên tục tăng cao. Tuy nhiên, tác hại về môi trường, sức khỏe do loại chất thải này mang lại được cảnh báo là cực kỳ nguy hiểm.

Rác thải điện tử là nguồn ô nhiễm môi trường nguy hiểm. Ảnh: Công Hùng  
Rác thải điện tử là nguồn ô nhiễm môi trường nguy hiểm. Ảnh: Công Hùng  

Còn tồn tại thói quen xấu

Bà Mai Thị Thu Hằng - đại diện Chương trình Việt Nam tái chế chia sẻ, hầu hết trong các gia đình hiện nay, số thiết bị có pin, thiết bị điện tử ngày càng có tăng nhanh. Đồng nghĩa với việc rác thải điện tử thải bỏ sẽ liên tục phát sinh. Tuy nhiên, tình trạng người dân tự ý tháo dỡ vật liệu đem bán cho ve chai, đồng nát, tập kết về các điểm thu gom không đúng cách vẫn tồn tại. Đây là thói quen rất xấu.

Tại các điểm tập trung thu hồi rác thải điện tử, pin thải bỏ ở TP Hà Nội, TP Hồ Chí Minh do Chương trình Việt Nam tái chế thực hiện, những năm gần đây, dù số lượng thu gom đã tăng lên tuy nhiên, con số đó vẫn còn rất nhỏ so với thực tế. Chính vì vậy, việc thay đổi nhận thức của người tiêu dùng về tác hại của rác thải điện tử cũng như việc thải bỏ đúng cách là cấp thiết.

Các chuyên gia y tế cảnh báo, hầu hết thiết bị điện tử đều chứa những nguyên tố độc hại cao như chì, thủy ngân, cadmium, bari, các chất chống cháy... Khi phân hủy, chất thải điện tử sẽ giải phóng các kim loại nặng độc hại dễ ngấm vào môi trường tự nhiên, ảnh hưởng đến cây cối trong khu vực, từ đó xâm nhập vào nguồn cung cấp thực phẩm cả thực vật lẫn động vật.

Về sức khỏe, các độc tố này có nguy cơ gây dị tật bẩm sinh ở trẻ em và khiến người lớn mắc nhiều biến chứng về sức khỏe khi sử dụng nước, thực phẩm, hít thở không khí ô nhiễm. Trong đó, các bệnh dễ gặp nhất là bệnh ngoài da, tổn thương mắt, não, thận, gan... thậm chí ung thư, tử vong.

Theo thạc sĩ Trịnh Văn Thuận - Cục Kỹ thuật An toàn và Môi trường Công nghiệp (Bộ Công Thương), một báo cáo của Liên Hợp quốc cho thấy, tại Việt Nam, lượng chất thải điện tử mỗi năm tăng khoảng 100.000 tấn, chủ yếu là đồ gia dụng điện tử, văn phòng. Riêng lượng phát thải tivi, vào năm 2025 Việt Nam có thể phát sinh tới 250.000 tấn.

Đáng lo ngại, thống kê cho thấy, lượng chất thải điện tử phát sinh năm 2019 khoảng 257.000 tấn, tỷ lệ chất thải phát sinh trên đầu người 2,7kg/người. Tuy nhiên, chỉ khoảng 17% lượng chất thải này được thu gom và xử lý đúng cách, số còn lại không được quản lý đúng cách đang gây những hệ lụy lớn về môi trường và sức khỏe con người.

Giải pháp nào quản lý?

Đại diện Chương trình Việt Nam tái chế Mai Thị Thu Hằng cho rằng, về mặt quản lý Nhà nước, cần có mạng lưới thu gom chất thải điện tử hiệu quả hơn, thực hiện bởi các đơn vị có chuyên môn. Đồng thời, cần triển khai từ nghiên cứu khoa học sang ứng dụng kỹ thuật thực tiễn ở quy mô công nghiệp tại Việt Nam.

Trong đó, cơ sở xử lý được cấp phép tái chế rác thải điện tử phải thiết lập quy trình chung cho tất cả các vật liệu được đưa vào tái chế. Ví dụ như các thiết bị điện, điện tử như laptop, điện thoại, ti vi, đầu đĩa, máy ảnh… sau khi không thể sử dụng sẽ được chuyển đến trung tâm xử lý chất thải độc hại để phân loại, tổ chức tháo dỡ, bóc tách linh kiện theo từng mục đích có thể tái sử dụng. Những linh kiện không còn giá trị sử dụng sẽ được đưa đi phân hủy trong một quy trình khép kín, không gây ô nhiễm môi trường.

Bên cạnh đó, chính quyền địa phương cần rà soát các cơ sở tái chế chưa có giấy phép hoạt động, từ đó hướng dẫn cho họ thủ tục cấp phép kịp thời, tránh bị xử phạt và dừng hoạt động sản xuất, kinh doanh. Mặt khác, hệ thống thu hồi sản phẩm điện tử thải bỏ phải được xây dựng theo đúng quy định pháp luật nhằm truy xuất nguồn gốc chất thải điện tử và tiết kiệm chi phí thu gom, vận chuyển sản phẩm thải bỏ.

Theo các chuyên gia, hiện nay DN tái chế, xử lý rác thải điện tử trên thế giới đều phải đầu tư rất lớn về trang thiết bị, tiền bạc để hạn chế tối đa việc tiếp xúc giữa con người với rác thải điện tử. Do vậy, nhiều ý kiến cho rằng, các bộ, ngành cần xây dựng những chính sách ưu đãi trong công tác thu hồi, xử lý sản phẩm điện tử nhằm giải quyết các vấn đề sinh kế, vừa đảm bảo môi trường không bị xâm hại. Trong đó, chính sách ưu đãi có thể bao gồm giảm thuế sử dụng đất, vay vốn ưu đãi. Đồng thời, các cơ quan, tổ chức cần đẩy mạnh tuyên truyền, nâng cao nhận thức của người dân về nguy cơ của rác thải điện tử để phân loại, thu gom, xử lý đúng cách.

 

Để công tác kiểm soát, quản lý nguồn thải của các loại rác điện tử, pin, tấm năng lượng mặt trời… các biện pháp phải được thực hiện đồng bộ, từ việc áp dụng công nghệ xử lý mới đến thực hiện hiệu quả quá trình thu gom, vận chuyển. Bản thân các DN tham gia ngành sản xuất, nhập khẩu linh kiện, thiết bị có sử dụng pin cũng cần tham gia vào các mô hình thu nhận sản phẩm cũ tái chế, thải bỏ để đảm bảo phát triển kinh tế song song với bảo vệ môi trường.

Thạc sĩ Tạ Việt Anh - Đại học Kinh tế và Kinh doanh