Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Nguy cơ tái diễn khủng hoảng lương thực

Chia sẻ Zalo

KTĐT - Sau 3 tháng trầm lắng, chỉ số giá lương thực toàn cầu tháng 7 đã tăng trở lại và nhiều khả năng sẽ tiếp tục leo thang, đẩy thế giới tới gần một cuộc khủng hoảng lương thực hơn.

Theo Tổ chức Nông lương Thế giới (FAO), chỉ số giá lương thực toàn cầu đạt trung bình 213 điểm, tăng 12 điểm so với tháng 6 và ngang mức hồi tháng 4 vừa qua. Mặc dù, vẫn thấp hơn mức kỷ lục 238 điểm ghi nhận vào tháng 2/2011 nhưng sát mức từng xuất hiện trong giai đoạn khủng hoảng lương thực 2007 - 2008. Trong một cuộc phỏng vấn, ông José Graziano da Silva, Tổng Giám đốc FAO đã bày tỏ sự quan ngại sâu sắc về “xu hướng giá hàng hóa tăng gần đây, đặc biệt là tác động của nó đối với người nghèo, vốn phải chi tới 75% thu nhập cho lương thực”.

Mặc dù chưa hội đủ các yếu tố hình thành nên cuộc khủng hoảng lương thực như năm 2007 - 2008, nhưng thời tiết khắc nghiệt hoành hành trên khắp các châu lục, gây thiệt hại lớn cho sản xuất nông nghiệp toàn cầu đang đẩy giá lương thực tăng cao. Hạn hán tồi tệ nhất trong vòng 56 năm qua khiến Mỹ - quốc gia cung cấp gần 50% sản lượng xuất khẩu ngô, lúa  mì và đậu tương toàn thế giới không thể đáp ứng được nhu cầu của thị trường. Giá ngô và đậu tương đã liên tục tăng từ đầu tháng 7 và vượt qua các mức đỉnh thiết lập giai đoạn 2007 - 2008 khiến hơn 30 quốc gia rơi vào khủng hoảng lương thực.
 
 
Nguy cơ tái diễn khủng hoảng lương thực - Ảnh 1
 
 
Đặc biệt, Bộ Nông nghiệp Mỹ (USDA) đã hạ dự báo sản lượng ngô xuống thấp nhất 25 năm và cho rằng tình hình sẽ tiếp tục xấu đi khi ít nhất 50% diện tích trồng ngô và đậu tương của nước này sẽ tiếp tục khô hạn đến giữa tháng sau. Không chỉ sản lượng ngô và đậu tương của Mỹ bị đe dọa mà sản lượng lúa mỳ cũng có nguy cơ giảm mạnh do hạn hán lan sang nhiều quốc gia như Canada và vành đai lúa mỳ thế giới gồm Nga, Kazakhstan, Ukraine. Hiện, giá lúa mỳ dù chưa đạt đỉnh nhưng đã tăng hơn 50% trong vòng 5 tuần, vượt mức giá thời kỳ Nga cấm xuất khẩu lúa mỳ năm 2010.

Tuy nhiên, ngân hàng Barclays vẫn cho rằng, dự báo sản lượng của USDA còn quá cao so với tình hình mất mùa thực tế hiện nay. Thời tiết khô hạn tại các nước Nga, Australia… đã ảnh hưởng xấu đến tình hình sinh trưởng của cây. Trong khi đó, mưa nhiều tại châu Âu và lũ lụt do bão nhiệt đới tại châu Á đã gây thiệt hại nặng cho việc thu hoạch lúa, ngô, khoai... Ngoài ra, bùng nổ dân số cũng là nguyên nhân dẫn đến hiện tượng khan hiếm lương thực do cung không thể theo kịp cầu.

Trước tình hình hiện nay, các chuyên gia kinh tế cảnh báo kịch bản khủng hoảng lương thực 2007 – 2008 sẽ xảy ra nếu các nước thực hiện chính sách tiêu cực như cấm xuất khẩu thay vì xuất kho dự trữ.