Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Nguy cơ thua trên sân nhà

Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Khi Việt Nam gia nhập Hiệp định Đối tác kinh tế xuyên Thái Bình Dương (TPP), lao động của chúng ta sẽ gặp nhiều thách thức và rất có thể rơi vào nguy cơ thua trên sân nhà.

Nguy cơ thua trên sân nhà - Ảnh 1Ông Phùng Quang Huy – Giám đốc Văn phòng giới sử dụng lao động VCCI cảnh báo về những nguy cơ và giải pháp cho đội ngũ lao động.

Nhiều ngành có nguy cơ tăng thất nghiệp

Thưa ông, khi gia nhập TPP, tình hình quan hệ lao động của các nước sẽ có những thay đổi như thế nào?

- Việt Nam gia nhập TPP cũng như tham gia vào cộng đồng kinh tế ASEAN cuối năm 2015, bên cạnh những mặt thuận lợi cũng đặt ra cho chúng ta không ít thách thức. Đó là sự chuyển dịch lao động cũng như tự do hóa người lao động (NLĐ). Khi ấy quyền của NLĐ được nâng cao, giới chủ linh hoạt hơn trong sử dụng lao động. Do đó sẽ có nhiều NLĐ nước ngoài dễ dàng vào Việt Nam làm việc và ngược lại, NLĐ Việt Nam có thể ra nước ngoài tìm việc. Nếu NLĐ Việt Nam không tìm hiểu bức tranh thị trường lao động ở nước ngoài mà người nước ngoài vào Việt Nam quá nhiều, thì chúng ta sẽ bị thất nghiệp.

Tôi muốn nhấn mạnh, nếu kỹ năng của NLĐ Việt Nam vẫn như hiện nay thì sẽ thua ngay trên sân nhà và tỷ lệ thất nghiệp sẽ tăng cao. Tôi lấy ví dụ, với giá cả hợp lý, chủ khách sạn 4 - 5 sao sẽ tuyển lao động làm buồng người Philippines có kỹ năng cao, sử dụng ngoại ngữ tốt để khả năng cạnh tranh cao hơn. Đây là nhãn tiền trong ngành dịch vụ du lịch và một số ngành kỹ thuật khác. Điều đó cho thấy, công nhân các nước ASEAN có thể "nhảy" vào Việt Nam một cách dễ dàng. Và các ông chủ kể cả người Việt hay người nước ngoài sẽ chọn những lao động có kỹ năng cao hơn. Vì thế, các trường đào tạo nghề không chấn chỉnh hoạt động và không có giải pháp ngay thì 5 - 10 năm tới, lao động Việt Nam sẽ gặp nguy cơ rất lớn.

Theo ông, NLĐ Việt Nam đang yếu những kỹ năng gì?

- Tuy là hội nhập nhưng NLĐ Việt Nam không nói được tiếng Anh như Philippines, Thái Lan. Kỹ năng làm việc nhóm, kỹ năng quản lý bản thân, kỹ năng tuân thủ kỷ luật lao động, kỹ năng công nghiệp của NLĐ Việt thua so với mấy nước lân cận ASEAN. Do đó, tổng thể lại ông chủ sẽ chọn những người có kỹ năng cao hơn. Trong khi đó, hiện nay đào tạo ở trường THPT, trường nghề, ĐH của ta chưa đáp ứng được yêu cầu của thị trường lao động.

Trường nghề đào tạo thứ thị trường không cần

Khi đã biết điểm yếu của NLĐ Việt Nam, vậy các trường đào tạo nghề cần phải thay đổi ra sao, thưa ông?

- Chúng ta có một hệ thống đào tạo rất đầy đủ, người Việt cũng rất hiếu học, nhưng chúng ta đào tạo ra những thứ thị trường lao động không cần. Còn những thứ thị trường cần thì chúng ta lại không có. Do đó phải điều chỉnh lại cơ cấu, nội dung đào tạo, các trường nên đào tạo những cái mà chủ sử dụng lao động cần. Và NLĐ phải nghiên cứu học cái ông chủ cần thì mới có khả năng cạnh tranh mới cao.

Nhưng các trường đào tạo nghề lại than phiền không biết cụ thể nhu cầu số lượng lao động ngành nghề mà xã hội cần để đào tạo cho khớp?

- Bởi vì chủ sử dụng và đơn vị đào tạo chưa gặp nhau, khả năng hợp tác chưa tốt. Cụ thể là nhà trường chưa tiếp cận được với giới chủ, chưa làm ra được những sản phẩm mà ông chủ đang cần. Lỗi này thuộc về phía nhà trường.

Liệu có nguyên nhân mình làm gia công nhiều, cho nên không đòi hỏi nhiều lực lượng lao động có tay nghề cao. Vì thế giới chủ chưa tìm đến và chưa tha thiết với các trường?

 - Tất nhiên là giới chủ có quyền hơn vì họ tạo ra việc làm, còn các trường là đơn vị cung ứng dịch vụ đào tạo. Do đó nhà trường phải hỏi yêu cầu của DN cần gì.

Thưa ông, rõ ràng TPP làm cho DN đưa ra tiêu chuẩn tuyển dụng nhân lực khắt khe hơn. Vậy, Bộ luật Lao động của chúng ta có nên sửa đổi để tạo hành lang pháp lý cho DN hoạt động tốt hơn?

- TPP không đề cập gì nhiều đến vấn đề đó. TPP chủ yếu yêu cầu linh hoạt hơn, tự do hơn cho NLĐ và cũng tăng quyền cho NLĐ, đặc biệt là quyền tham gia các hiệp hội, quyền tự do tham gia các tổ chức đại diện cho họ. Đó là điều chúng ta điều chỉnh và làm theo cho phù hợp với pháp luật Việt Nam.

Xin cảm ơn ông!