Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Nguy hiểm bệnh glocom

Nhật Uyên
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - TS Vũ Anh Tuấn - Chủ tịch hội đồng chuyên môn của Bệnh viện Mắt Hà Nội 2 cho biết, tất cả mọi người đều có nguy cơ mắc bệnh glocom, đặc biệt là các trường hợp sau tuổi 40.

 Khám mắt tại Bệnh viện Đa khoa Đống Đa. Ảnh: Hải Linh

Những biểu hiện ban đầu

Glocom hay còn gọi là thiên đầu thống, cườm nước - là bệnh phổ biến trên thế giới cũng như ở Việt Nam. Bệnh glocom thường khởi phát đột ngột buổi chiều tối hoặc khi người bệnh đang cúi xuống đọc sách và sau những sang chấn tinh thần mạnh.
Theo ước tính của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), dự tính năm 2020, thế giới sẽ có 79,5 triệu người và năm 2030 sẽ có 110 triệu người bị bệnh glocom. Hiện nay, glocom đã trở thành nguyên nhân quan trọng thứ hai gây mù trên thế giới. Ở Việt Nam, 65% bệnh nhân bị mù hai mắt do bệnh lý glocom.

Biểu hiện dễ nhận thấy là mắt đau đột ngột đau nhức dữ dội từng cơn, lan lên nửa đầu cùng bên, bệnh nhân nhìn đèn thấy có quầng xanh đỏ như cầu vồng, thường buồn nôn hoặc nôn, đau bụng, vã mồ hôi, mắt đỏ lên và nhìn mờ ở nhiều mức độ, có thể chỉ mờ như nhìn qua màn sương nhưng cũng có thể giảm thị lực trầm trọng. Sờ tay vào mắt thấy nhãn cầu căng cứng như hòn bi. Đôi khi người bệnh thấy sợ ánh sáng, chảy nước mắt nhưng không tiết rử mắt, mi mắt, sưng nề, mắt đỏ theo kiểu cương tự rìa, giác mạc phù nề mờ đục.

Khi có những triệu chứng như trên người bệnh nên đến ngay cơ sở y tế gần nhất để được khám mắt, đo nhãn áp và xử trí kịp thời.

Bệnh gây mù vĩnh viễn

TS Vũ Anh Tuấn cho biết, glocom gây tổn hại các tế bào hạch võng mạc (một loại neuron thần kinh ở mắt). Các tế bào này không có khả năng tăng sinh, tái vậy. Do vậy, các tổn hại thị giác trong glocom không hồi phục được, trong các bệnh gây mù lòa về mắt, glocom được xếp vào loại mù lòa vĩnh viễn, không chữa được.

“Theo thống kê, Việt Nam có khoảng 24.800 người mù do glocom. Đây chính là hồi chuông báo động cảnh tỉnh mọi người chúng ta nên đi kiểm tra sức khỏe định kỳ, trong đó có kiểm tra các bệnh lý về mắt, đặc biệt là những người trên 40 tuổi” - TS Vũ Anh Tuấn nói. Cũng theo ông, mục đích của việc điều trị glocom là ngăn chặn bệnh không tiếp tục gây tổn thương đầu dây thần kinh thị giác. Đối với glocom góc mở thì điều trị ban đầu là dùng thuốc hạ nhãn áp, trong trường hợp nhãn áp không điều chỉnh với thuốc thì phải điều trị bằng laser hoặc phẫu thuật. Còn với glocom góc đóng giai đoạn sớm có thể điều trị dự phòng bằng laser, giai đoạn muộn thường phải phẫu thuật. Việc điều trị và theo dõi glocom là suốt đời, bệnh chỉ ổn định chứ không khỏi hẳn. Do vậy, bệnh nhân khi mắc bệnh glocom nhất thiết phải đi khám định kỳ, được các bác sĩ nhãn khoa tư vấn, theo dõi thường xuyên theo một quy trình chặt chẽ nhằm kiểm soát được diễn biến bệnh, hạn chế tối đa tổn hại về thực thể và chức năng thị giác.

Bệnh có thể gặp ở mọi lứa tuổi, mọi địa phương. Tuy nhiên, những người có nguy cơ cao mắc glocom thường trên 40 tuổi, người ruột thịt của bệnh nhân glocom, có tiền sử dùng corticoid kéo dài (tra mắt hoặc toàn thân), bệnh nhân đái tháo đường, cao huyết áp... Ở tuổi 70, nguy cơ bị glocom với cả 2 hình thái cao gấp 3 - 8 lần so với lứa tuổi 40. Glocom góc đóng ở nữ cao gấp 4 lần ở nam. Ngược lại, hình thái glocom góc mở nguyên phát gặp ở nam nhiều hơn, cao hơn khoảng 1,7 lần so với nữ.

“Nhiều bệnh nhân mắc bệnh glocom khi nhập viện trong tình trạng muộn, thị lực thấp, nguy cơ mù lòa cao. Đặc biệt, có nhiều bệnh nhân đến điều trị nhưng không tuân thủ hướng dẫn của bác sĩ và phác đồ điều trị nên kết quả điều trị không cao”- TS Tuấn khuyến cáo. Vì vậy, đối với nhóm đối tượng có nguy cơ cao mắc bệnh glocom cần thực hiện khám định kỳ từ 3 - 6 tháng/ lần. Người dân ở độ tuổi ngoài 40 cần đi khám mắt định kỳ 6 tháng hoặc 1 năm/lần nhằm phòng tránh nguy cơ mù lòa do bệnh glocom.