Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Nguy hiểm khi sử dụng oresol sai cách

Hà Ngân
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Oresol là dung dịch bù nước và điện giải bằng đường uống khá phổ biến khi trẻ bị tiêu chảy, sốt hoặc nôn. Tuy nhiên, nếu pha không đúng cách sẽ khiến tình trạng của trẻ ngày càng nặng, thậm chí là gây nên các biến chứng thần kinh nguy hiểm, có thể dẫn đến tử vong.

 Ảnh minh họa
Hôn mê do uống oresol pha sai

Với thành phần là muối, đường, oresol khi được pha đúng, uống đúng sẽ bù lại lượng nước đã mất giúp trẻ phục hồi. Tuy nhiên, do nước oserol có mùi vị khó uống với cả người lớn lẫn trẻ nhỏ nên nhiều trường hợp bố mẹ tự ý điều chỉnh tỷ lệ pha để dễ uống. Như trường hợp bé Nguyễn Thu A. (8 tháng tuổi, Hà Nội) bị sốt cao và đi ngoài tới 20 lần/ngày nên được gia đình đưa đi khám tại Bệnh viện Nhi T.Ư và được chẩn đoán tiêu chảy cấp do rotavirus.
Bé A. được các bác sĩ kê đơn thuốc, cho điều trị ngoại trú, đồng thời hướng dẫn cụ thể cách bù nước điện giải cho trẻ bằng oresol và men tiêu hóa. Tuy nhiên, do thấy con mỗi lần uống oresol đều bị trớ nên mẹ bé A. đã tự ý pha đặc để cháu uống một lần ít nước mà vẫn “đủ liều”. Hậu quả là sau 2 ngày điều trị, tình trạng tiêu chảy của trẻ vẫn không thuyên giảm, trẻ lơ mơ, ngủ nhiều nên được gia đình đưa lại viện cấp cứu. Sau khi khám và làm xét nghiệm kiểm tra, bác sỹ chẩn đoán cháu bị mất nước nặng do tiêu chảy và rối loạn điện giải nặng do tăng natri máu (hàm lượng muối trong máu tăng cao).

Ngược lại với gia đình bé A. gia đình anh Nguyễn Hữu P. (Phú Xuyên, Hà Nội) lại tự ý điều chỉnh cách pha oresol bằng việc tăng thêm nước để làm loãng hơn. Song, tình trạng sốt cao và đi ngoài liên tục của bé Nguyễn Hưu M. con anh không thuyên giảm. Khi đưa bé đến khám tại Bệnh viện đa khoa huyện Phú Xuyên, anh P. khá bất ngờ khi bác sĩ chẩn đoán bé bị đi ngoài kèm dấu hiệu mất nước trầm trọng.

Lưu ý khi sử dụng oresol

Bác sĩ Ngô Anh Vinh - Khoa Cấp cứu – Chống độc, Bệnh viện Nhi T.Ư cho biết, việc pha đặc oresol tưởng chừng cho trẻ dễ uống nhưng vô tình gây nguy hiểm bởi nếu oresol được pha đặc quá sẽ khiến trẻ nạp quá nhiều muối (natri) từ oresol vào cơ thể, lượng muối trong máu tăng cao. Nguy hiểm hơn, hàm lượng muối trong máu quá cao còn có thể gây ra các triệu chứng như: Co giật, hôn mê và dẫn đến các tổn thương não nguy hiểm, nếu không được cấp cứu kịp thời, trẻ có thể tử vong. Ngược lại, những trường hợp pha oresol quá loãng sẽ làm giảm hiệu quả bù nước cũng như điện giải của oresol.

Theo bác sĩ Ngô Anh Vinh, pha oresol đúng cách là dùng nước đun sôi để nguội, pha theo hướng dẫn trên bao bì sản phẩm. Không được pha với sữa, nước khoáng, nước canh, nước trái cây hoặc nước ngọt..., và tuyệt đối không cho thêm đường. Mỗi gói oresol được định liều để pha với đúng 1 lít nước, hoặc 200ml nước theo hướng dẫn. Vì thế, nên sử dụng các bình có chia vạch để xác định chính xác lượng nước cần để pha chứ không nên áng chừng.
Trước khi cho trẻ uống, phải khuấy cho bột thuốc tan hẳn. Dung dịch đã pha nếu không dùng hết trong 24 giờ thì bỏ đi, thay gói mới, không sử dụng lại. Nên cho trẻ uống từ từ từng ít một, liều lượng do bác sĩ quy định theo lứa tuổi và tình trạng bệnh. Không nên ép uống nhiều một lúc vì trẻ sẽ dễ bị nôn. Đối với trẻ dưới 2 tuổi, cứ 1 - 2 phút cho uống một thìa, những trẻ lớn cho uống từng ngụm một. Nếu trẻ bị nôn khi uống thì nên ngừng cho uống trong vòng 10 phút, sau đó mới tiếp tục cho uống trở lại, với tốc độ chậm hơn, 2 - 3 phút/thìa. Tuyệt đối không được cho thêm đường, sữa, nước trái cây, nước ngọt với dung dịch oresol.

Ngoài dung dịch oresol, còn nhiều loại nước có thể dùng để bổ sung cho trẻ như: Nước đường muối (1 lít nước pha với 8 thìa cà phê đường, 1 thìa cà phê muối), dung dịch này gần như oresol và cách cho uống vẫn như vậy. Bên cạnh đó, trẻ bị mất nước có thể cho sử dụng nước dừa nguyên chất, các loại nước hoa quả khác như cam, chanh… Khi trẻ bị sốt, tiêu chảy không được cho trẻ uống các loại nước có ga, nước ngọt đóng chai.