Bệnh nhân sốt cao 39 độ C, chán ăn, đau nhức toàn thân, dùng thuốc hạ sốt giảm ít, xuất hiện các nốt xuất huyết ở cẳng chân. Bệnh nhân đã được chẩn đoán sốt xuất huyết khi đi test tại phòng khám tư trước khi nhập viện tại Bệnh viện Nội tiết Trung ương.
Khi nhập viện và thực hiện các xét nghiệm thì cho thấy tiểu cầu hạ, đường máu cao. Sau thời gian điều trị bệnh nhân đã được xuất viện, không nôn, chảy máu chân răng hay chảy máu cam; đường huyết ổn định.
Sốt xuất huyết là căn bệnh rất phổ biến trong mùa Hè do chủng virus dengue gây ra. Người bệnh đái tháo đường có hệ miễn dịch suy giảm, đặc biệt ở những người có kiểm soát đường huyết không tốt, sẽ có nguy cơ cao gặp phải các biến chứng nguy hiểm của bệnh sốt xuất huyết.
Người bệnh đái tháo đường mắc bệnh sốt xuất huyết có tiểu cầu thấp hơn so với những người bình thường. Số lượng tiểu cầu càng thấp thì nguy cơ xuất huyết càng cao. Sốt xuất huyết làm tăng nhiệt độ cơ thể, làm tăng quá trình trao đổi chất và điều này có thể dẫn đến sự biến động của lượng đường trong máu và cản trở quá trình điều trị để kiểm soát lượng đường trong máu ở người đái tháo đường.
Các bác sĩ Bệnh viện Nội tiết Trung ương khuyến cáo, không có phương pháp điều trị sốt xuất huyết đặc hiệu. Vì vậy, những người mắc bệnh đái tháo đường cần có các biện pháp phòng tránh mắc bệnh cũng như ngăn ngừa bệnh tiến triển sang giai đoạn nặng hơn như xuất huyết, hội chứng sốc dengue, nếu không may mắc bệnh.
Khi nghi ngờ bị xuất huyết với biểu hiện đặc trưng nhất là sốt cao liên tục trên 38 độ C mà không giảm khi uống thuốc hạ sốt thì người bệnh nên đến ngay cơ sở y tế gần nhất để được làm các xét nghiệm cần thiết, từ đó bác sĩ sẽ đưa ra chẩn đoán chính xác.