Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Nguy hiểm “rình rập” người dân trên đường Lê Trọng Tấn

Phạm Công
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Người dân sống trên tuyến đường Lê Trọng Tấn vô cùng bức xúc khi đơn vị thi công đường ống nước đào xới rồi ngó lơ các quy định đảm bảo an toàn cho người dân. Mỗi ngày, hàng nghìn người dân vẫn buộc phải chấp nhận di chuyển trên con đường nguy hiểm “rình rập”.

Người dân bức xúc

Phản ánh tới Kinh tế & Đô thị, nhiều người dân sống quanh khu vực đường Lê Trọng Tấn đoạn qua địa bàn phường La Khê, quận Hà Đông bức xúc cho biết, thời gian qua, có một đơn vị đưa máy móc cỡ lớn cùng nhiều vật tư, vật liệu xây dựng đến đào bới hết một làn tuyến đường, san lấp bằng đá bây, rồi bỏ bẵng không chỉ gây mất an toàn giao thông, ảnh hưởng đến mỹ quan đô thị mà còn làm ô nhiễm môi trường quanh khu vực.

Ông Nuyễn Văn Nam, sống trên đường Lê Trọng Tấn bức xúc chia sẻ: “Từ đầu tháng 6 đến nay, đơn vị này tiến hành đào đường, đặt ống nước rồi san lấp lại bằng đá khiến mặt đường luôn trong tình trạng khói bụi mù mịt. Không ít người đi vào đá mà ngã ra đường”.

Khói bụi mù mịt trên tuyến đường đang thi công.
Khói bụi mù mịt trên tuyến đường đang thi công.

Theo ông Nguyễn Văn Nam, đơn vị thi công dọc tuyến đường Lê Trọng Tấn nhưng không hề có bất kỳ biển thông báo nào cũng như không có rào chắn trên công trường. Đơn vị thi công bất chấp ngày đêm, gây ùn tắc giao thông cả đoạn dài.

Anh Nguyễn Văn Tùng, trú tại phường La Khê, Hà Đông chia sẻ: “Tôi hàng ngày phải đi làm qua tuyến đường này. Có 2 làn xe để di chuyển thì 1 làn bị đào xới, rồi phủ đá nhỏ, không ai dám đi vào. Ô tô, xe máy chen chân nhau vào cùng 1 làn đường hết sức nguy hiểm”.

Ghi nhận thực tế sáng ngày 14/7, trên đường Lê Trọng Tấn, hàng trăm mét tuyến đường đã được đào xới rồi phủ đá lồi lõm, lổng chổng vật liệu xây dựng. Nhiều người dân giật mình khi đang đi đường thì bất ngờ đi vào lớp đá dày trên đường mà không được cảnh báo trước.

Cố tình vi phạm?

Qua tìm hiểu, đây là công trình thi công tuyến ống truyền tải cấp II, số 2 và số 3 có chủ đầu tư là Công ty Cổ phần Đầu tư Nước sạch Sông Đà thực hiện.

Mặc dù theo Giấy phép số 184/GP-SGTVT, công trình chỉ được thi công từ 22h30 đến 4h30 ngày hôm sau, tuy nhiên trên công trường hàng chục công nhân vẫn đang đào xới, xây dựng. Vật tư, vật liệu cùng máy móc cỡ lớn được tập kết ngổn ngang.

Công trường ngổn ngang đất đá, vật liệu xây dựng.
Công trường ngổn ngang đất đá, vật liệu xây dựng.

Cũng theo giấy phép này, Sở GTVT TP Hà Nội yêu cầu đơn vị thi công phải bố trí đầy đủ biển báo, đèn tín hiệu giao thông… đảm bảo an toàn giao thông cho người và phương tiện lưu thông qua khu vực, chỉ được thi công trong phạm vi 200m và phải hoàn trả mặt bằng trước khi thi công đoạn sau.

Nếu chủ đầu tư không thực hiện việc tổ chức giao thông, gây mất an toàn giao thông sẽ bị đình chỉ thi công. Tuy nhiên, quy định đảm bảo an toàn giao thông trên giấy phép thi công đều bị đơn vị thi công ngó lơ.

Trước thực tế này, đại diện Ban Duy tu các công trình giao thông Hà Nội cho biết, ngày 10/7, Ban đã có Văn bản số 4/9/BDT-GSDTCH&ĐTNĐ yêu cầu đơn vị này khẩn trương khắc phục những tồn tại gây mất an toàn giao thông như. Tuy nhiên đến nay, tình trạng thi công mất an toàn giao thông vẫn đang diễn ra. Hàng nghìn người dân vẫn phải chấp nhận hàng ngày, di chuyển qua tuyến đường nguy hiểm rình rập mà không có lựa chọn nào khác.