Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

[Nguyễn Ái Quốc - sư Hạnh Đa trên đất Xiêm] Bài 2: Dừa Bản Mạy của Thầu Chín về đất Nghệ

Giao Hưởng
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Sáng 15/11/1989 tại Mucdahan, tôi gặp ông Mai Văn Dong (1921 -1996) trú phường Hồng Sơn, TP Vinh, sau 29 năm hồi hương ông sang lại Mucdahan tìm gặp mẹ già 90 tuổi cùng hai em gái, ông rạch luồng ký ức.

Những bài học sẽ còn nhớ mãi

Lên ba tuổi bé Dong ngồi trong bồ nứa bố mẹ gánh sang Lào rồi sang Thái, lên bảy tuổi bé Dong được thầy Thầu Chín dạy quốc ngữ. Đến bản Noóng Ổn hôm trước, hôm sau thầy Thầu Chín cùng Việt kiều dựng trường dạy chữ quốc ngữ cho con em. Lớp có chừng ba chục trò tuổi từ 7 đến 13, thứ năm hằng tuần thầy trò nghỉ học quốc ngữ để chăm sóc vườn cây ăn quả quanh trường. Khi vườn cây cho quả, bà con dân bản gặp Thầu Chín đến lớp rất sớm, thầy ra vườn hái chuối hoặc ổi bày lên chiếc bàn trong lớp kê sát lối ra vào. Mươi phút sau trò đầu tiên vào lớp được thầy cho nhận quả chuối hoặc quả ổi đầu tiên, tuần tự cho đến tất cả trò đã vào trong lớp thì số chuối số ổi trên bàn không còn quả nào.
 Việt kiều ở  Mucdahan (Thái Lan) tại núi Phú Thợp tháng 11/1989.
Cách điểm danh bằng chuối hoặc ổi của thầy tạo cho trò tính tự giác chỉ lấy phần của mình, không đụng đến phần của bạn. Có hôm trên bàn chừa lại vài quả, bữa đó thầy biết vài trò nghỉ học không lý do. Tan học thầy dẫn trò ra vườn hái quả mang đến tận nhà thăm bạn, bấy giờ mới biết trò bị ốm gia đình chưa kịp báo với thầy để xin nghỉ. Tiếng thơm về vườn quả lan khắp vùng, Việt kiều và cả người Xiêm bản địa đến hỏi thầy Thầu Chín cách ươm trồng. Thầy mời bà con sáng thứ Năm tập trung tại trường, thầy đích thân cầm cuốc xẻng làm mẫu, từ đó dân bản thi nhau cải tạo vườn tạp thành vườn cây ăn quả ngắn ngày tươi tốt.

Sau này anh Dong được tổ chức Việt kiều yêu nước bố trí nghề thợ mộc làm thuê tạo vỏ bọc, anh vác tráp đồ nghề đi bộ hàng tháng xa nhà, đến hầu hết các bản Việt kiều trong vùng “sửa nhà, sửa cối xay”, bấy giờ anh mới ngẫm ra ngày ấy thầy Thầu Chín một công ba việc: Mở lớp dạy quốc ngữ tạo vỏ bọc che mắt mật thám Pháp và cảnh sát Xiêm - Anh, vừa xóa mù cho dân mình, vừa gây dựng nguồn cán bộ lâu dài cho cách mạng Việt Nam.

Không ngẫu nhiên từ niên học 1945 - 1946 cho mãi 30 năm tiếp đó, giáo dục 3 cấp phổ thông của nước Việt Nam do Chủ tịch Hồ Chí Minh lãnh đạo, đưa môn lao động vào chương trình chính khóa. Thứ Năm hàng tuần thầy và trò thực hành trên ruộng cao sản, trong phòng thực nghiệm của trường để tập làm nông dân công nhân biết nghề.

Thầy Thầu Chín mưu trí cảnh giác vẫn không giữ được bí mật tuyệt đối, để thoát hiểm nhiều lần thầy phải lánh vào chùa, cắt tóc làm sư. Rồi thầy bí mật rời Noóng Ổn, trong khi các Phật tử Việt và Thái tụng cầu thầy yên lành có ngày trở lại để bà con được tạ ơn người đã trồng chữ, trồng cây cho dân bản, thì tại ngôi chùa thuộc huyện Mụcđahán (cùng tỉnh Nakhonphonom) cách bản Noóng Ổn chừng 100 cây số, vị sư trụ trì chùa đang tụng kinh bỗng nghe tiếng người từ phía sau:

- Nam mô A di đà Phật! Con là người Việt yêu nước sang đây lánh nạn, hiện đang bị cảnh sát Xiêm - Anh truy đuổi, con vào nương nhờ xin nhà chùa cứu độ.

Sư trụ trì ngoảnh lại. Người đàn ông vẫn đứng chắp tay kiểu liên hoa thủ cung kính. Sư trụ trì lẳng lặng dắt ông khách lạ vào hậu cung rồi trở ra tụng niệm như không có chuyện gì.

Đêm ấy sư trụ trì mang đồ ăn nước uống vào hậu cung cho khách lạ:

- Nhà chùa giúp anh qua đêm nay. Sớm mai trước khi mặt trời mọc anh phải rời khỏi đây, anh muốn đi đâu tôi sẽ đưa anh tới đó.

Mờ sáng hôm sau hai ông sư vận áo cà sa lặng lẽ rời chùa trực chỉ núi Phú Thợp, cách ngôi chùa nọ khoảng 55 cây số đường bộ về phía Tây. Dọc đường hai sư gặp các tốp cảnh sát Xiêm - Anh đang truy lùng “người mang tên Thầu Chín là Nguyễn Ái Quốc”, nhưng thấy hai sư mang nải khất thực, các tốp cảnh sát nép sang bên đường cung kính chắp tay. Khuya ấy tại điểm hẹn dưới chân núi Phú Thợp, các ông Lê Hồng Sơn, Hồ Tùng Mậu đã đón “sư” Hạnh Đa tiếp tục cuộc hành trình trên con đường hoạt động cách mạng.

Và hành trình cây dừa của Bác trên đất Nghệ

Năm 1989 trên đất Xiêm tôi mới nghe Thầu Chín trồng dừa quý tại bản Mạy, về sau các thế hệ Việt kiều thay nhau chăm sóc dừa phát triển rất tốt, song chẳng ai biết Thầu Chín lấy giống dừa này từ đâu. Cuối kháng chiến chống Pháp bà con Việt kiều tỉnh Nakhonphônm cử một đoàn về thăm quê, đoàn đi bộ mang quả dừa giống nhân từ cây dừa Thầu Chín trồng tại Bản Mạy làm quà tặng tỉnh Nghệ An. Bữa đó cùng nghe chuyện bổng chị doanh nhân Việt kiều đột ngột hỏi tôi:

- Cậu viết báo có biết dừa giống Bản Mạy do đoàn trong đó có bố của chị mang về trồng trên đất Nghệ hiện phát triển ra sao?

Chuyện từ khi mình chưa sinh, lần đầu mới được nghe, dẫu vậy tôi vẫn thấy áy náy, hứa sau khi trở về Nghệ sẽ gắng tìm và báo kết quả để chị vui.

Trở về tôi nhiều năm đáy bể mò kim, khi hy vọng ngỡ cạn dần thì… một sáng tháng 9/2004 (tức 15 năm sau) tôi đến Khu di tích Kim Liên, sau khi dâng hương viếng Bác, tôi vào phòng làm việc của anh Võ Hồng Thao - Chủ tịch Công đoàn Khu di tích uống nước, bỗng anh Thao mang “khoe” 2 bức ảnh chụp dừa nhân từ dừa gốc Thầu Chín trồng tại Bản Mạy. Trong đó, một bức chụp 2 cây do Việt kiều mang về, một bức chụp cây dừa do ông Hồ Xuân Hùng - Chủ tịch UBND tỉnh Nghệ An, năm 1998 mang về trồng tại Khu di tích Kim Liên.

Trao cho tôi mảnh giấy ghi địa chỉ ông Nguyễn Văn Phượng, khối 17, phường Hưng Bình, TP Vinh, anh Thao giục: Ông Phượng là người duy nhất tỏ tường chuyện này, Nhà báo nên gặp ngay kẻo từ điển sống mang sang bên kia thì uổng.

Tìm gặp ông Nguyễn Văn Phượng (SN 1927 - nguyên Chánh Văn phòng Tỉnh ủy Nghệ An), ông kể: Năm 1953, Chủ tịch UBHCKC tỉnh Nghệ An là ông Nguyễn Sỹ Quế. Sau khi tiếp một đoàn khách, ông Quế trở về cơ quan mang theo chiếc bị cói đựng một quả dừa giống đã nhú 2 mầm, ông bảo tôi đưa giống dừa quý này về trồng bên đất Thanh Chương. Ông Quế không nói xuất xứ nên tôi chỉ biết là giống dừa quý. Tôi đi bộ mang quả dừa về nhà, lẳng lặng ra vườn không cho ai biết, tìm chỗ gần ruộng nước giâm quả dừa xuống, hôm sau tôi lẳng lặng ra đi. Mấy tháng sau người nhà báo tin dừa mọc lên 2 cây rất đẹp. Cuối năm 1967 (14 năm sau kể từ khi giâm quả dừa trong vườn), Nghệ An bị máy bay Mỹ ném bom rất ác liệt, nhà ông Quế ở xã Hưng Dũng phải sơ tán lên nhà tôi, bữa đó ông Quế hỏi:

- Quả dừa tôi giao chú trồng thế nào rồi?

- Thưa anh dừa mọc lên 2 cây rất đẹp!

Tôi dẫn ông Quế ra thăm 2 cây dừa, bữa đó ông Quế mới kể: Đó là giống dừa quý của Bác trồng tại bản Mạy Thái Lan. Năm 1953 bà con Việt kiều quê hai huyện Hưng Nguyên và Thanh Chương cử một đoàn đi bộ mang về tặng tỉnh quê hương. Bà con bảo từ Thái về thăm quê chẳng gì quý bằng nhân giống dừa của Bác tại Bản Mạy về trồng trên đất Nghệ. Chú nói với người nhà gắng chăm sóc 2 cây dừa quý này!

Ghi lời ông Quế vào sổ tay, vì phải phòng xa tôi vẫn chưa nói chuyện này kể cả với vợ con. 2 cây dừa phát triển tốt, về sau vườn nhà tôi có thêm mấy cây dừa mang từ Quảng Ngãi, Quảng Nam, Nghi Lộc, Diễn Châu, riêng 2 cây dừa của Bác cho nước rất ngọt và quả rất nhiều.

Năm 1960, ông Dong cùng vợ con hồi hương trên chuyến tàu đầu tiên - mở đầu cuộc đón 5 vạn Việt kiều từ Thái Lan trở về miền Bắc. Trước khi ông Dong xuống tàu, tổ chức Việt kiều tại Thái giao cho ông bảo quản chiếc radio vỏ nhựa màu trắng ngà - món quà quý của bà con ở lại gửi tặng Chủ tịch Hồ Chí Minh. Vào khoảng 9 giờ ngày 10/1/1960 chuyến tàu đầu tiên đưa 922 kiều bào cập cảng Hải Phòng. Sáng ấy, Chủ tịch Hồ Chí Minh cùng khoảng 4 vạn người dân TP Cảng có mặt tại cầu tàu từ sớm chào đón chuyến đầu tiên. Sau khi về tới Hà Nội ông Dong bàn giao món quà để đại diện Ban Việt kiều T.Ư chuyển tới Chủ tịch Hồ Chí Minh.

(Còn nữa)