Nguyên Chủ nhiệm Ủy ban Đối ngoại của Quốc hội Vũ Mão: Cử tri có hiểu ứng cử viên mới lựa chọn đúng

Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Cuộc bầu cử đại biểu (ĐB) Quốc hội Khóa XIV và ĐB HĐND các cấp nhiệm kỳ 2016 - 2021 đang bước vào giai đoạn nước rút, các ứng cử viên gặp gỡ, tiếp xúc cử tri để vận động tranh cử.

Nguyên Chủ nhiệm Ủy ban Đối ngoại của Quốc hội Vũ Mão: Cử tri có hiểu ứng cử viên mới lựa chọn đúng - Ảnh 1
Trong cuộc trao đổi với Kinh tế & Đô thị, Nguyên Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội, nguyên Tổng Thư ký Hội đồng bầu cử T.Ư, nguyên Chủ nhiệm Ủy ban Đối ngoại của Quốc hội Vũ Mão cho rằng, đến thời điểm hiện tại, cuộc bầu cử đã thể hiện được sự dân chủ, công khai như tinh thần của Hiến pháp 2013. Tuy nhiên, để chọn ra được những ĐB xứng đáng đại diện cho Nhân dân, vẫn còn nhiều việc cần cố gắng.

Đảm bảo tính dân chủ

Là một người có nhiều năm hoạt động trong Quốc hội, từng đảm nhiệm cương vị Tổng Thư ký Hội đồng bầu cử T.Ư, ông đánh giá thế nào về việc triển khai cuộc bầu cử ĐB Quốc hội Khóa XIV và ĐB HĐND các cấp nhiệm kỳ 2016 - 2021, với nhiều điểm mới theo tinh thần Hiến pháp 2013?

- Có thể nói rằng, đến thời điểm hiện tại, tất cả các công việc từ chuẩn bị, ban hành văn bản, hướng dẫn, đến việc triển khai của các cấp đều được thực hiện rất bài bản, đúng thời gian. Đây là cuộc bầu cử ĐB Quốc hội tới Khóa XIV rồi, nên chúng ta đã có nhiều kinh nghiệm, những gì là nhược điểm đã được khắc phục và đang cố gắng phát huy cái tốt. Lần này chúng ta cũng có những cố gắng để đảm bảo công khai, dân chủ tốt hơn. Điều thể hiện rõ nhất là Luật Bầu cử ĐB Quốc hội và HĐND và các văn bản hướng dẫn đã được ban hành, có nhiều tiến bộ, công khai, dân chủ hơn trong đời sống chính trị của đất nước. Tôi nghĩ rằng đây là điểm tốt và tin rằng ở cuộc bầu cử lần này, những vấn đề về dân chủ, công khai được đảm bảo, cuộc bầu cử ĐB Quốc hội cũng như HĐND có chất lượng, sẽ chọn ra được những ĐB xứng đáng làm tròn trách nhiệm của mình. Đó là điều chúng ta mong muốn và cố gắng triển khai để đạt yêu cầu đó.

Tuy nhiên, từ nhiều khóa nay, tôi thấy cuộc bầu cử nào cũng gấp gáp, căng thẳng. Chính thời gian gấp gáp như vậy đã ảnh hưởng đến quy trình, thủ tục và cả chất lượng bầu cử. Ví dụ thời gian làm thủ tục của người được đề cử hoặc là tự ứng cử rất ngắn. Việc tổ chức lấy ý kiến cử tri nơi cư trú, nơi công tác cũng chỉ với thời gian rất ngắn. Cách thức lấy ý kiến của cử tri cũng không có gì mới, tức là chỉ một số ít cử tri chứ không phải là số đông cử tri ở khu dân cư đó được đóng góp ý kiến. Rồi tới đây tại giai đoạn những ứng cử viên được đưa vào danh sách để giới thiệu về những đơn vị bầu cử thì thời gian tiếp xúc cử tri, thời gian vận động bầu cử cũng không có nhiều. Theo tôi, đó là những hạn chế mà các cơ quan chỉ đạo bầu cử cần nghiên cứu để sớm khắc phục.

Tính dân chủ của cuộc bầu cử lần này cũng thể hiện ở việc số người tự ứng cử rất cao. Đây được coi là một yếu tố tốt để lựa chọn được những ứng cử viên chính thức tiêu biểu nhất. Ông có nhận xét gì về việc này?

- Theo quy định Hiến pháp của ta, người đủ 21 tuổi trở lên đều được ứng cử (bao gồm cả được đề cử và tự ứng cử). Điều đó thể hiện tính dân chủ của chế độ ta. Ngay từ cuộc Tổng tuyển cử đầu tiên vào ngày 6/1/1946, đã có nhiều người tự ứng cử được trúng cử. Có 2 ĐB  ở tuổi 22 trúng cử ĐB Quốc hội là ông Nguyễn Đình Thi và ông Đào Thiện Thi. Họ đều là ĐB trẻ nhưng có tài năng và uy tín. Việc công dân tự ứng cử, nhất là người ngoài Đảng là cần thiết và chúng ta nên khuyến khích điều đó.

Nhưng nhìn ở một khía cạnh khác, tôi thấy có mấy vấn đề cần lưu ý là điều kiện của người tự ứng cử còn dễ dãi quá, không có một điều kiện ràng buộc nào. Như các nước, người muốn tự ứng cử thì phải có một số điều kiện như, phải lấy được đủ chữ ký của 100 người hoặc 1.000 người ủng hộ. Hoặc như người tự ứng cử phải có một khoản tiền đặt cọc, sau khi trúng cử thì được lấy lại khoản tiền đó, còn nếu không trúng cử thì không được lấy lại. Nhưng trong Luật Bầu cử của chúng ta không có những điều đó. Tôi nghĩ, sau này phải có điều kiện đó để sàng lọc tốt hơn.

Từ trước đến nay, bao giờ ta cũng mong đợi số người tự ứng cử, số người ngoài Đảng có một tỷ lệ trúng cử hợp lý, ít nhất là 10% có nghĩa là có 500 ĐB Quốc hội thì phải có ít nhất 50 là người ngoài Đảng hoặc là 50 người tự ứng cử được trúng cử. Thực tiễn các cuộc bầu cử trước đây, lần đạt cao nhất là 4 ĐB trúng cử. Như vậy, chưa đạt tới 1%.

Theo quy trình thủ tục, hiện cuộc bầu cử đã đi qua bước hiệp thương thứ 3 và danh sách ứng cử viên chính thức đã được công bố. Cá nhân ông có đánh giá gì về chất lượng ứng cử viên lần này?

- Tôi thấy chất lượng ứng cử viên ngày càng cao, đặc biệt là trình độ học vấn, nhiều người có trình độ tiến sĩ, thạc sĩ. Các ứng cử viên ĐB Quốc hội đều tốt nghiệp ĐH. Đó là điều rất quý, nhưng theo tôi đó không phải là điều cơ bản nhất mà quan trọng nhất là phải có năng lực thực chất. Năm tiêu chuẩn của ĐB mà Luật đã quy định như: Trung thành với Tổ quốc; có đạo đức, cụ thể là không tham nhũng; có trình độ để thực hiện được nhiệm vụ của mình; có mối liên hệ rộng rãi với quần chúng, trước hết là ở nơi mình cư trú và nơi mình ứng cử; có điều kiện để thực hiện nhiệm vụ ĐB. Cái tiêu chuẩn “có điều kiện” này nghe rất chung chung, nhưng ĐB  dù làm việc gì phải dành ít nhất 1/3 thời gian để làm nhiệm vụ ĐB. Nhưng trên thực tế thì không ít ĐB họp Quốc hội còn vắng mặt nhiều buổi. Cho nên ĐB Quốc hội và ĐB HĐND các cấp phải là những người đạt tiêu chuẩn ấy ở mức cao hơn nhiều người khác. Các ứng cử viên lần này đều là những người tiêu biểu. Đấy là tiền đề tốt để cuộc bầu cử chọn được những ĐB xứng đáng.

Ứng cử viên phải được đến gần hơn với cử tri

Giai đoạn tiếp xúc cử tri để vận động bầu cử được nhiều người rất quan tâm, từ kinh nghiệm của mình, theo ông có những vấn đề gì cần lưu ý để ứng viên giới thiệu chương trình hành động của mình đến cử tri một cách tốt nhất?

- Cũng như những kỳ bầu cử trước, việc vận động bầu cử được tiến hành dưới các hình thức như tiếp xúc với cử tri thông qua hội nghị trên địa bàn; trả lời phỏng vấn trên báo chí địa phương để cử tri hiểu rõ hơn về những ứng cử viên, trên cơ sở đó cân nhắc, lựa chọn người đủ tiêu chuẩn để bầu là ĐB. Điều này đã quy định trong Luật. Nhưng tôi thấy còn thiếu cụ thể, phải tạo điều kiện cho ứng cử viên tiếp xúc cử tri nhiều hơn. Ví dụ, ở một đơn vị bầu cử thì ứng cử viên phải tiếp xúc với tỷ lệ bao nhiêu cử tri lại chưa có quy định. Những cuộc tiếp xúc ở các cuộc bầu cử vừa qua mới chỉ đạt từ 5 - 10%. Nếu quy định cụ thể việc tiếp xúc phải đạt tới 50 - 60% số lượng cử tri thì vấn đề sẽ khác. Phải có thời gian để ứng cử viên trình bày chương trình hành động, cử tri phải có thời gian để trao đổi, thảo luận và góp ý. Có thể cử tri nói chương trình hành động còn chung chung quá, hoặc vấn đề này không có khả năng thực hiện được… Với những hạn chế nêu trên nên chưa tạo ra bầu không khí sôi nổi.

Mặt khác, công tác tuyên truyền để người dân hiểu và tham gia vào các cuộc tiếp xúc cũng chưa đạt yêu cầu. Trên thực tế, không ít gia đình gồm nhiều cử tri nhưng thường chỉ “cử” một người đi dự hội nghị tiếp xúc cử tri; sau đó, người đi dự lại không truyền đạt lại hết nội dung cuộc tiếp xúc cho các thành viên khác trong gia đình, thậm chí có khi không truyền đạt, nên nhiều người chưa hiểu rõ tầm quan trọng và chưa quyết tâm tham gia bầu cử. Chiều sâu của hoạt động tuyên truyền bầu cử chưa đạt yêu cầu, chưa tạo thành một sự quan tâm đặc biệt.

Còn về chương trình hành động của các ứng viên, có ý kiến cho rằng, vẫn tồn tại không ít những “lời hứa” suông, chỉ nói để lấy lòng cử tri. Ông có ý kiến gì về nhận định này?

- Theo tôi, chương trình hành động của ứng cử viên phải xây dựng cụ thể, công phu và tính tới khả năng có thể thực hiện được. Như tôi đã nói, cử tri phải được thảo luận về chương trình hành động của các ứng cử viên. Sau khi nghe góp ý, chương trình hành động ấy phải được quản lý. Đặc biệt, điều quan trọng hơn, khi đã được bầu là ĐB, phải thường xuyên báo cáo với cử tri về lời hứa của mình. Họ phải báo cáo việc thực hiện chương trình hành động của mình đến đâu, những việc làm được và chưa làm được… Người dân được quyền chất vấn ĐB về những vấn đề còn bức xúc. Đoàn ĐB Quốc hội và MTTQ phải là cơ quan quản lý, theo dõi và giám sát công việc này. Quá trình giám sát này cũng sẽ giúp ĐB thực sự trở thành chiếc cầu nối giữa Quốc hội với cử tri.

Chất lượng ĐB không ở “chuyên trách” hay “kiêm nhiệm”

Trước nhiệm kỳ mới, nhìn lại nhiệm kỳ Quốc hội vừa qua, nhiều ĐB đã chia sẻ, ngoài những điều đã làm được, Quốc hội và ĐB Quốc hội vẫn còn những “món nợ” với cử tri. Ông nghĩ sao về những tâm tư này?

- Tôi thấy các đại biểu phát biểu rất chân thực, phản ánh đúng những điều được và chưa được trong hoạt động của Quốc hội. Đúng là trong 5 năm qua, Quốc hội đã làm được nhiều việc, đây là một nhiệm kỳ có nhiều hoạt động sôi nổi với nhiều sáng kiến, đạt kết quả tốt. Nó cũng phản ánh tiến trình tiếp tục đổi mới ở Quốc hội theo tinh thần khóa sau kế thừa những thành quả khóa trước đã làm được. Với tinh thần làm việc hăng say, nhiệt tình, hết lòng với công việc đã được Nhân dân đánh giá cao. Tuy nhiên, vẫn còn một số “khoảng trống” trong hoạt động của cơ quan lập pháp cần phải rút kinh nghiệm để bổ sung trong Khóa XIV. Trong đó có những tồn tại “kinh niên” như nhiều việc chưa được đi đến cùng. Khách quan mà nói, trong nhiều vấn đề các đại biểu Quốc hội đã nêu được các hiện tượng, nhưng quy trách nhiệm thì chưa rõ ràng, chưa đi đến cùng. Ví dụ, vấn đề tiêu thụ nông sản bức xúc lắm. Chúng ta đang có mô hình rất hay là mô hình 4 nhà: Nhà nước – DN – nhà khoa học và nông dân. Nhưng vẫn chưa thực hiện được. Đã nêu ở Quốc hội nhiều lần, chất vấn nhiều lần nhưng chưa đi đến cùng. Ngay trong các phiên họp của Quốc hội gần đây, cuộc tranh luận về vấn đề này vẫn chưa dứt và Quốc hội cũng không có nghị quyết về vấn đề này.

Rồi trong công tác lập pháp, về số lượng luật thì tương đối khá, còn chất lượng mới đạt được phần nào. Vẫn còn “luật khung, luật ống”. Luật phải chờ các Nghị định của Chính phủ, các Thông tư hướng dẫn của các bộ, hoặc Thông tư hướng dẫn của liên bộ thì luật mới vào cuộc sống. Hay trong giám sát dù tiến bộ nhưng vẫn chưa tốt. Ví dụ như vấn đề nợ công, tham nhũng, an toàn thực phẩm, nông sản hàng hóa, công bằng xã hội… vẫn còn rất nhiều nhức nhối. Tôi nghĩ các phát biểu của ĐB là tâm huyết, chân thực và những bài học kinh nghiệm đó đòi hỏi Quốc hội Khóa XIV phải giải quyết bằng được.

Có ý kiến cho rằng, chất lượng ĐB là điều kiện cần và đủ để làm nên một cơ quan lập pháp hoạt động thực sự hiệu quả. Việc tăng số lượng ĐB chuyên trách có làm tăng chất lượng hoạt động của Quốc hội, thưa ông?

- Như tôi đã nói, ĐB phải đảm bảo xuất sắc 5 tiêu chuẩn. Nhưng nhìn rộng ra, để có chất lượng ĐB tốt, thì vấn đề chất lượng và cơ cấu phải giải quyết cho hợp lý. Hiện có tình trạng một ứng cử viên gánh nhiều cơ cấu, từ nữ, trẻ, đến các yếu tố khác. Thực ra cơ cấu cũng làm nên chất lượng, nhưng vấn đề ở đây là liều lượng là mức hợp lý và sự hài hòa. Cho nên, Hội đồng Bầu cử Quốc gia và những người có trách nhiệm phải thấu hiểu vấn đề này để tìm cách tháo gỡ. Đương nhiên, chất lượng ĐB phải đặt lên hàng đầu. Cùng với chất lượng ĐB, để Quốc hội hoạt động có hiệu quả thì cần đổi mới hơn nữa về nội dung và phương thức hoạt động, nghĩa là phải thể hiện tốt hơn tinh thần dân chủ, công khai, minh bạch. Cần cải tiến cách thức sinh hoạt của Quốc hội, thảo luận sâu và đi đến cùng của vấn đề.

Còn về khái niệm “ĐB Quốc hội chuyên trách”, hoặc “ĐB Quốc hội kiêm nhiệm” cũng nên thảo luận thêm để làm cho rõ. Khái niệm này có ở ta, còn các nước thì người ta không đặt ra khái niệm như vậy. Tôi nhớ một lần sang thăm Pháp vào năm 1989, tôi cùng bà Nguyễn Thị Bình khi ấy là Chủ nhiệm Ủy ban Đối ngoại của Quốc hội được một Nghị sĩ Cộng sản mời về thăm một TP vệ tinh của Thủ đô Paris - nơi mà ông làm Thị trưởng. Lần ấy, ông cùng chúng tôi ra thăm chợ và ông cùng cử tri trò chuyện rất cởi mở. Họ nói với nhau những việc rất thiết thân của đời sống, như chị em tiểu thương có bán được hàng không, thuế má ra sao? Tôi hỏi ông: Ông là ĐB chuyên trách hay ĐB kiêm nhiệm? Ông ấy trả lời: “Chúng tôi không có khái niệm đó, chỉ biết rằng là Nghị sĩ thì phải làm tròn tất cả các nghĩa vụ của mình, đồng thời phải làm tròn nhiệm vụ của một Thị trưởng của TP”. Ở Việt Nam, việc có ĐB chuyên trách và ĐB kiêm nghiệm cũng là phù hợp với thực tế của chúng ta, nhưng tôi cảm thấy quan niệm còn hơi “cứng”, có vẻ như hơi cực đoan.

Vừa qua, trong tổng kết hoạt động nhiệm kỳ của Quốc hội có rút ra rằng, một trong những nguyên nhân Quốc hội hoạt động có chất lượng, là số lượng ĐB chuyên trách đã được tăng cường nhiều hơn. Từ kinh nghiệm ấy, Khóa XIV này sẽ tăng thêm ĐB chuyên trách làm việc ở các cơ quan của Quốc hội. Tôi đồng ý tăng thêm ĐB chuyên trách, nhưng nên bố trí ở địa phương và tạo một cơ chế để họ tham gia có hiệu quả vào Hội đồng Dân tộc và các Ủy ban của Quốc hội thì tốt hơn. Tốt hơn ở mấy lẽ sau: Một là, các ĐB ấy rất gần gũi cơ sở nên nắm được thấu đáo tình hình ở địa phương để đóng góp cho Quốc hội. Hai là, do tăng thêm ĐB ở T.Ư thì lại giảm bớt ĐB của địa phương. Đây là vấn đề nan giải mà lâu nay khó giải quyết. Ba là, do số lượng ứng cử viên ở T.Ư giới thiệu về ứng cử ở địa phương nhiều, dẫn đến tình trạng một đơn vị bầu cử có tới 2 ứng cử viên của T.Ư. Vấn đề này rất đáng quan tâm. Ở các cuộc bầu cử vừa qua, số ứng cử viên T.Ư giới thiệu về ứng cử ở địa phương mà không trúng ĐB Quốc hội có xu hướng tăng lên. Đây là vấn đề rất đáng suy nghĩ và cần xem xét một cách nghiêm túc về công tác chỉ đạo của Hội đồng bầu cử Quốc gia.

 Ngày 22/5 tới sẽ là ngày cử tri đi bỏ lá phiếu của mình để chọn ra người ĐB của dân. Bầu cử vừa thể hiện quyền công dân, vừa thể hiện trách nhiệm của mỗi cử tri. Theo ông, làm thế nào để phát huy trách nhiệm của mỗi cử tri trước lá phiếu khi bầu cử?

- Trước hết phải tìm nguyên nhân vì sao có hiện tượng cử tri đi bầu thay, bầu hộ. Như tôi đã nói, việc tiếp xúc cử tri để giới thiệu về công tác bầu cử, về ứng cử viên vẫn chỉ là cử tri đại diện. Rồi việc cử tri không biết mặt ứng cử viên, chỉ nghe loáng thoáng nên không quan tâm lắm. Rồi nữa, việc đi bầu 4 cấp, số lượng lớn, làm sao họ cân nhắc bầu người này không bầu người kia trong một thời gian ngắn. Tuy không vui, nhưng phải nói thật là không ít cử tri có khi cứ gạch đại cho xong.

Tôi nghĩ, để ngày bầu cử thực sự là ngày hội toàn dân, phải tạo điều kiện cho cử tri tiếp xúc, hiểu ứng cử viên nhiều hơn, sâu sắc hơn. Và phải tăng tuyên truyền trực quan, qua phương tiện thông tin đại chúng, để có sự khích lệ người dân quan tâm.

Về phía cử tri, cũng nên thấy rõ quyền và nghĩa vụ công dân của mình, không nên hời hợt quá. Nên dành thời gian nghiên cứu nhân sự sâu hơn, có sự thảo luận và cân nhắc kỹ. Bởi nếu mình chọn trúng sẽ tạo nên chất lượng tốt cho cơ quan dân cử. Nhìn lại cuộc tổng tuyển cử đầu tiên năm 1946, tôi thấy đó vẫn là một bài học sâu sắc về nhiều khía cạnh. Với lòng tôn kính Bác Hồ, chúng ta hiểu sức mạnh của lá phiếu. Mỗi cử tri cần nhận thức sâu hơn về quyền công dân của mình để bỏ những lá phiếu thực chất, để cuộc bầu cử thực sự là ngày hội toàn dân.

Xin cảm ơn ông!