Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Nguyên Chủ tịch Hội đồng tiền lương quốc gia: Lương tối thiểu vùng năm 2019 chỉ tăng ở mức vừa phải

Thủy Trúc (thực hiện)
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Ngày 8/7, trao đổi về việc tăng lương tối thiểu vùng năm 2019, nguyên Chủ tịch Hội đồng tiền lương quốc gia Phạm Minh Huân chia sẻ: Người lao động rất mong mỏi tăng lương. Nếu tăng lương tối thiểu vùng ở mức cao thì ảnh hưởng đến chi phí của DN cho nên chỉ ở mức vừa phải.

Ông Phạm Minh Huân.
Thưa ông, ngày mai (9/7), Hội đồng tiền lương quốc gia sẽ họp bàn thảo phiên đầu tiên về điều chỉnh tăng lương tối thiểu vùng năm 2019. Hiện tại, Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam đang dự tính đề xuất mức tăng 7 - 8%, trong khi Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam không muốn tăng. Ông có ý kiến gì về việc này?

Ông Phạm Minh Huân: Bao giờ cũng có câu chuyện đại diện của người lao động muốn tăng lương nhiều, tăng cao để người lao động có cuộc sống tốt hơn. Đại diện của người sử dụng lao động cho rằng tăng cao thì chi phí tăng sản xuất tăng làm ảnh hưởng đến lợi nhuận, yếu tố cạnh tranh. Cho nên, trong câu chuyện này, vai trò của Nhà nước phải hài hòa được vai trò, lợi ích của các bên.

Theo tôi, điều chỉnh lương tối thiểu vùng năm 2019 mức tăng không thể cao được. Nếu không tăng thì người lao động họ rất mong mỏi nhưng tăng cao lại ảnh hưởng đến chi phí của DN. Cho nên, mình tăng lương tối thiểu ở mức vừa phải, thí dụ trong vòng 5 - 6%. Sở dĩ phải tăng lương tối thiểu vì chỉ số giá vẫn tăng, lương thực tế của người lao động bị giảm. Nếu trong điều kiện tăng trưởng kinh tế tốt, hoạt động sản xuất kinh doanh của DN không quá khó khăn thì cũng phải quan tâm đến người lao động. Trường hợp, DN khó khăn thì ít nhất cũng phải bảo đảm thực tế. Vì thế, tôi nghĩ điều chỉnh mức tăng lương tối thiểu 2019 xoay quanh 5 - 6% là phù hợp.
Dù đầu năm nay, kinh tế phát triển khởi sắc nhưng phía bên chủ sử dụng lao động không muốn tăng để có “dư địa” cạnh tranh. Trong trường hợp này phải làm sao?

Ông Phạm Minh Huân: Lương là yếu tố của chi phí sản xuất sản phẩm. Nếu tăng lương cao quá thì ảnh hưởng đến lợi nhuận, cạnh tranh của DN, cho nên phải hài hòa. Vì thế, tôi nghĩ tăng 5 - 6% thì ít nhất bảo đảm được lương thực tế và có cải thiện một chút cho người lao động. Tôi biết, nhiều DN không muốn tăng lương tối thiểu vùng mà muốn giữ ổn định nhưng để giữ hài hòa chung thì nâng theo mức tôi đưa ra sẽ phù hợp.

Việc bên VCCI đề xuất không tăng, Tổng liên đoàn đề nghị mức 7 - 8% thì tại phiên họp Hội đồng tiền lương quốc gia ngày mai, các bên phải thương lượng, đàm phán, nói rõ vì sao. Từ đó, Nhà nước có vai trò hài hòa thế nào. Bản thân ông chủ sử dụng lao động không muốn tăng. Thực ra, việc tăng lương chỉ ảnh hưởng ở một số nhóm ngành (thủy sản, dệt may, da giày) mà người lao động đang quanh mức lương tối thiểu. Còn những ngành sử dụng lao động kỹ thuật cao, họ chả quan tâm lắm đến tăng lương tối thiểu vùng.

Mới đây, trả lời báo chí, nguyên Viện trưởng Viện Khoa học lao động xã hội Nguyễn Thị Lan Hương cho rằng, lương tối thiểu chỉ áp dụng đối với người lao động không có chuyên môn kỹ thuật. Thực tế lại áp dụng cho tất cả mọi người. Những ai có hệ số lương cao thì càng có lợi. Ông có ý kiến gì về việc này?

Ông Phạm Minh Huân: Lương tối thiểu là mức sàn thấp nhất để người sử dụng lao động, người lao động thỏa thuận không được thấp hơn dưới mức đó. Những ngành trước đây lương tối thiểu còn thấp thì họ không quan tâm lắm. Nhưng bây giờ lương tối thiểu càng ngày càng tăng; các ngành chế biến thủy sản, dệt may, da giầy, chế biến gỗ vốn chỉ có khả năng trả được ở mức này thì những người có bậc lương cao hơn được điều chỉnh theo hướng bậc nọ cách bậc kia ít nhất 5%. Điều này dẫn đến tình trạng người có bậc thâm niên nhiều thì được điều chỉnh mức cao hơn.
Đây là thực tế đối với những DN đang thiết kế bậc lương thâm niên, còn DN thiết kế lương theo vị trí việc làm sẽ không ảnh hưởng khi thực hiện điều chỉnh tăng lương tối thiểu vùng.

Xin cảm ơn ông!