Nguyên Chủ tịch TP Đà Nẵng Hồ Việt: Cần thay đổi về quy định quản lý đất đai công sản

Sỹ Linh-Doãn Thành
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Xoay quanh sự việc Bộ Công an vào cuộc điều tra về những sai phạm trong mua bán 9 dự án và 31 nhà đất công sản tại TP Đà Nẵng mới đây, Nguyên Chủ tịch UBND TP Đà Nẵng (Quảng Nam & Đà Nẵng cũ) cho rằng: “Cần phải có nhưng thay đổi về quy định quản lý tài sản đất đai công sản”.

Từ năm 2006, TP Đà Nẵng đẩy mạnh chiến dịch “đổi đất lấy hạ tầng” và cũng trong giai đoạn này các dự án, nhà đất công sản thuộc quyền sở hữu Nhà nước tại Đà Nẵng được UBND TP Đà Nẵng đưa ra giao dịch mua bán, chuyển nhượng cho các cá nhân, doanh nghiệp.
Nguyên Chủ tịch UBND TP Đà Nẵng Hồ Việt cho rằng, toàn bộ phần tài chính bán chênh lệch đều rơi vào tay các cá nhân, còn lại Nhà nước thì bị thất thu một khoản ngân sách lớn. Việc Cơ quan an ninh của Bộ Công an tiến hành điều tra vì có dấu hiệu bất minh đó là những hợp đồng góp vốn của những cá nhân có tầm ảnh hưởng và những doanh nghiệp là đại gia trong giới BĐS tại Đà Nẵng, thông qua những giao dịch mua bán mà không qua đấu giá.
Dự án đất công sản số 57 Lê Duẩn xây khách sạn cao tầng là vị trí đắc địa nằm ở Trung tâm TP Đà Nẵng (Ảnh: Internet)
Điều đáng chú ý là hầu hết khối tài sản công sản này sau khi được TP Đà Nẵng thanh lý đến nay đã được mua bán, chuyển nhượng sang tay nhiều lần với giá bán cao hơn mức ban đầu gấp nhiều lần. Cũng chính vì lẽ đó mà dư luận đang rất quan tâm những cá nhân, doanh nghiệp nào đã tham gia góp vốn và đang là chủ sở hữu của những dự án nhà đất công sản này.

Vấn đề về tài sản công sản được hiểu là “tài sản chung” không của riêng ai, vì thế đã dẫn đến tình trạng “lộn xộn” trong quản lý các tài sản công sản, khi có sự thay đổi về người quản lý, điều hành thì mỗi người lại có cách làm riêng không nhất quán.

“Cần phải có quy định rõ ràng ai là người có quyền sở hữu tài sản đất đai công sản đó và nếu như người sở hữu không còn thì có quyền giao lại cho con cháu sử dụng. Về vấn đề này Nhà nước cần phải có những thay đổi về quy định quản lý đất đai công sản, đất đai là của Nhà nước nhưng cuối cùng lại bị các cá nhân xâm phạm, hình thành lên các nhóm lợi ích riêng về khối tài sản này” - Nguyên Chủ tịch UBND TP Đà Nẵng Hồ Việt phân tích.

Tháng 1/2013, Thanh tra Chính phủ đã từng công bố kết luận thanh tra trách nhiệm của Chủ tịch UBND TP. Đà Nẵng trong việc chấp hành pháp luật về thanh tra, khiếu nại, tố cáo và phòng chống tham nhũng; đặc biệt là một số dự án đầu tư có liên quan đến việc quản lý, sử dụng đất.
 Lô đất công sản số 20 Bạch Đằng diện tích 1.300 m2 (Ảnh: Internet)
Theo đó, những sai phạm về quản lý sử dụng đất tại Đà Nẵng chủ yếu diễn ra trong giai đoạn 2003 - 2011. Qua kiểm tra 46/1.061 dự án (4,3% tổng số dự án) UBND TP. Đà Nẵng đã giao cho các ban quản lý dự án và một số công ty thực hiện chức năng quản lý quỹ đất, ký hợp đồng chuyển nhượng quyền sử dụng đất (QSDĐ) cho các tổ chức, cá nhân để đầu tư xây dựng cơ sở sản xuất kinh doanh và xây dựng nhà để bán và cho thuê không tuân thủ các quy định của pháp luật về đất đai.

Dẫn đến nhiều sai phạm như: không đủ căn cứ, cơ sở để xác định giá thu tiền sử dụng đất; Một số dự án xác định giá thấp hơn bảng giá đất TP ban hành hằng năm, một số dự án UBND TP quyết định giá thu tiền sử dụng đất thấp hơn giá của Hội đồng thẩm định giá, gây thất thu ngân sách, tạo điều kiện cho một số nhà đầu tư chuyển nhượng thu lời bất chính với số tiền lớn.

Cũng theo Nguyên Chủ tịch UBND TP Đà Nẵng Hồ Việt, qua câu chuyện về quản lý đất đai công sản của TP Đà Nẵng cũng gióng lên một hồi chuông cho câu chuyện quản lý tài sản công sản của tất cả các địa phương trên cả nước.

“Việc Ban Bí thư có chỉ đạo trực tiếp đến vấn đề điều tra sai phạm của TP Đà Nẵng trong đó vấn đề về đất đai công sản có tác động tích cực đối với Đà Nẵng, giúp cho TP tìm ra một cách làm mới, rõ ràng hơn trong các quy định về tài sản công. Mà vấn đề này chỉ có Đảng và Nhà nước mới có thể làm được, còn ở các địa phương thì không ai có thể giải quyết được những vấn đề như thế” - ông Hồ Việt nói.

Danh sách 9 dự án 31 nhà đất công sản Đà Nẵng bị điều tra

9 Dự án: Dự án Công viên An Đồn (năm 2010); Dự án Khu đô thị Harbour Ville của Công ty Đầu tư Mega (năm 2008); Khu đất tại đường 2/9 Phan Thành Tài đường quy hoạch (năm 2012); Dự án Phú Gia Compoud (năm 2007); Khu dịch vụ du lịch nhà hàng Café-Bar và bến du thuyền khu vực trước Trung tâm Truyền hình Việt Nam tại TP Đà Nẵng phía tây Cầu Rồng (năm 2015); Dự án Khu đô thị quốc tế Đa Phước (giai đoạn 1: 181ha năm 2008); Lô 12 Khu B4.1, Khu dân cư An Cư mở rộng (năm 2009); Khu đô thị sinh thái Phú Gia ven sông (năm 2010); Khu Du lịch ven biển đường Trường Sa của Công ty IVC (năm 2007).

31 nhà công sản gồm: Số 16 Bạch Đằng (2015); số 20 Bạch Đằng (2009); số 158 Bạch Đằng (2006); số 07 Bạch Đằng (2009); số 100 Bạch Đằng (2010); số 86 Bạch Đằng (2007); số 318 Lê Duẩn (2014); số 57 Lê Duẩn (2010); số 17 Lê Duẩn (2006); số 354 Hùng Vương (2004); số 81 Hùng Vương (2004); số 89 Hùng Vương (2004); số 45 Nguyễn Thái Học (2007); số 47 Nguyễn Thái Học (2010); số 49 Nguyễn Thái Học (2007); số 73 Nguyễn Thái Học (2011); số 106 Trần Phú (2008); số 37 Pasteur (2010); số 39 Pasteur (2011); số 02 Hải Phòng (2010); số 82 Trần Quốc Toản (2004); số 107 Hoàng Hoa Thám (2016); số 22 Cô Giang (2007); số 32 Lê Hồng Phong (2004); số 34 Hoàng Văn Thụ (2009); số 11 Phạm Hồng Thái (25) (2001); số 121 Phan Châu Trinh (2012); số 319 Lê Duẩn (2010); số 36 Bạch Đằng (2007); số 38 Bạch Đằng (2008) và số 38 Bạch Đằng mở rộng (2009).

Tin đọc nhiều

Kinh tế đô thị cuối tuần