Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Nguyên do Trung Quốc thận trọng trước vấn đề Ukraine-Nga

Cẩm Anh
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Trong phần lớn 3 thập kỷ kể từ khi Ukraine giành độc lập, Trung Quốc vẫn giữ mối giao hảo với quốc gia này.

Trong một động thái khiến nhiều nhà quan sát phương Tây ngạc nhiên, Mỹ đã công khai tranh thủ sự giúp đỡ của Trung Quốc trong việc xoa dịu mối quan hệ bất ổn hiện nay giữa Nga và phương Tây về vấn đề Ukraine.

Mỹ vừa qua kêu gọi Trung Quốc có động thái trong vấn đề Ukraine. 
Mỹ vừa qua kêu gọi Trung Quốc có động thái trong vấn đề Ukraine. 

"Chúng tôi đang kêu gọi Bắc Kinh sử dụng ảnh hưởng của mình với Moscow để thúc giục ngoại giao, xung đột ở Ukraine, nếu xảy ra cũng không có lợi với Trung Quốc", Ngoại trưởng Mỹ Victoria Nuland phát biểu trong một cuộc họp báo ở Washington hồi cuối tháng 1.

Tuy nhiên, mặc dù một số nhà phân tích Trung Quốc đón nhận lời kêu gọi của Mỹ như bằng chứng cho thấy tầm ảnh hưởng ngày càng tăng của Trung Quốc trên toàn cầu, các nhà chức trách ở Bắc Kinh vẫn kiên quyết giữ im lặng trong cuộc đối đầu Mỹ-Nga hiện nay.

Trong phần lớn 3 thập kỷ kể từ khi Ukraine giành độc lập, Trung Quốc vẫn giữ mối giao hảo với quốc gia này.

Ukraine là một trong những bạn hàng tiềm năng đối với quân đội Trung Quốc. Hàng không mẫu hạm đầu tiên của Trung Quốc, Liêu Ninh, được mua vào cuối những năm 1990 từ các nhà máy đóng tàu của Ukraine.

Các DN Trung Quốc cũng đã tìm cách mua Motor Sich, một trong những nhà sản xuất động cơ máy bay và máy bay trực thăng lớn nhất thế giới, đồng thời là "viên ngọc quý" hàng đầu trong lĩnh vực công nghiệp của Ukraine.

Do những lợi ích kinh tế và quân sự này, Bắc Kinh đã từ chối công nhận việc Nga sáp nhập bán đảo Crimea từ Ukraine vào năm 2014.

Khi căng thẳng giữa Nga và Ukraine leo thang, các nhà đầu tư Trung Quốc háo hức mở rộng sự can dự của họ vào Ukraine, thường là vì các cơ hội của Nga.

Mọi thứ bắt đầu thay đổi vào đầu năm ngoái khi Ukraine, dưới áp lực của Mỹ, đã cấm đầu tư của Trung Quốc vào công ty Motor Sich.  Sau đó Trung Quốc đã cử một phái đoàn các nhà đầu tư đến Crimea vào tháng 5 năm ngoái như một gợi ý rằng, nếu Ukraine tiếp tục áp dụng cách tiếp cận thù địch với Trung Quốc, Bắc Kinh có thể tiến tới việc công nhận hoàn toàn việc Crimea sáp nhập bởi Nga.

Do mối quan hệ không mấy suôn sẻ của Bắc Kinh với cả Ukraine và Mỹ, không ngạc nhiên khi cuộc đối đầu mới nhất về tương lai của Ukraine nổ ra giữa Nga và Mỹ, theo bản năng, Trung Quốc sẽ thông cảm với Moscow.

Tuy nhiên, các quan chức Trung Quốc có xu hướng tránh tham gia trực tiếp vào cuộc xung đột. Tất cả những gì Bộ trưởng Ngoại giao Trung Quốc Vương Nghị chia sẻ trong cuộc điện đàm mới nhất với Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken vừa qua là Bắc Kinh muốn cả Nga và Mỹ giữ bình tĩnh và "tránh gây căng thẳng, và thổi phồng cuộc khủng hoảng ”.

Một lý do khiến Trung Quốc không muốn đứng về phía nào có lẽ là còn hoài nghi về ý định cuối cùng của Tổng thống Nga Vladimir Putin. Ngoài sự thiếu chắc chắn về diễn biến của cuộc khủng hoảng, người Trung Quốc còn thực sự mâu thuẫn về kết quả nào phục vụ tốt nhất cho lợi ích Bắc Kinh. Một mặt, bất cứ điều gì khiến Mỹ lôi kéo vào các tranh chấp an ninh ở xa châu Á rõ ràng là vì lợi ích của Trung Quốc.

Tuy nhiên, đồng thời, bất kỳ sự ủng hộ công khai nào của Trung Quốc đối với Nga đều khiến người châu Âu xa lánh và đẩy họ xích lại gần Washington khi đối phó với Trung Quốc, chính xác là điều mà Bắc Kinh tìm cách tránh.