Nguyễn Du trong không gian văn hóa Thăng Long - Hà Nội

Nhà văn Bùi Việt Thắng
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - “Chẳng thơm cùng thể hoa nhài/ Dẫu không thanh lịch cũng người Tràng An” (Ca dao cổ). Nguyễn Du (1765 - 1820) cất tiếng khóc chào đời trên đất Thăng Long (tại Bích Câu /nghĩa: Con ngòi màu biếc). Ông sống trọn tuổi thơ và tuổi hoa niên trên đất Kinh kỳ.

Ông cũng đã từng in gót chân của mình trên nhiều vùng đất nước và cả ở nước ngoài. Không ít người băn khoăn khi khó tìm thấy dấu tích sáng tác thơ của Nguyễn Du về Thăng Long trước năm 1786. Năm 1813, ông được triều đình thăng chức Cần Chánh điện đại học sĩ và được cử làm Chánh sứ sang nhà Thanh.
Thời điểm này, với Bắc hành tạp lục (sứ trình bằng thơ), thì không gian văn hóa/văn chương Thăng Long mới thực sự hiện diện bằng 4 bài thơ: Long thành cầm giả ca (Bài ca người gảy đàn đất Thăng Long), 2 bài Thăng Long (I,II) và Ngộ gia đệ cựu ca cơ (Gặp người hát cũ của em).
 
Tiếp cận Nguyễn Du với tư cách một thiên tài văn chương Việt Nam (đã được UNESCO vinh danh Danh nhân Văn hóa Thế giới, năm 2015), không thể không đặt nhà văn trong không gian văn hóa Thăng Long - Hà Nội (dẫu địa danh Hà Nội chỉ được triều đình nhà Nguyễn đặt danh xưng từ năm 1831, dưới thời Minh Mạng thứ 12).
*
Quê cha Hà Tĩnh, quê mẹ Bắc Ninh, sinh hạ ở Thăng Long, vì thế có thể nói, căn cốt văn hóa Nguyễn Du là sự hòa quyện văn hóa vùng miền và thủ đô: Kinh Bắc, Xứ Nghệ, Thăng Long. Mỗi vùng, miền văn hóa đều tích tụ, phát tích, phát tỏa bên một dòng sông, ở đây là sông Cầu, sông Hồng và sông Lam (nên có thuật ngữ “không gian văn hóa Hồng Lam”). Nhưng có lẽ quan trong hơn cả, vì nó là khởi đầu, nên văn hóa Thăng Long có vai trò chiến lược, kiến tạo, dẫn dắt. Một sự kiện khác trong đời sống của Nguyễn Du ở đất Thăng Long, theo chúng tôi, cũng rất đáng quan tâm, đó là quan hệ tình cảm của Nguyễn Du với nữ sĩ Hồ Xuân Hương.
Thời trai trẻ, Nguyễn Du rất yêu thích thắng cảnh Tây Hồ (hồ còn được gọi là Dâm Đàm/ Sương Mù, một trong tám cảnh đẹp của Thăng Long). Tình cảm của Nguyễn Du với Hồ Xuân Hương theo lối “giai nhân tài tử” (Nguyễn Du cũng như Nguyễn Công Trứ là type “nhà nho tài tử” thời trung đại). Khoa học liên ngành đã cho thấy thời kỳ từ lúc sinh ra, qua tuổi thiếu niên và hoa niên là quãng thời gian quan trọng nhất trong sự hình thành nhân cách mỗi người.
Chúng ta thử hình dung, thứ nhất, nếu Nguyễn Du được sinh ra ở một không gian khác thì sự tình sẽ như thế nào? Thứ hai, con người được sinh ra trong một gia đình nào cũng là yếu tố cực kỳ quan trọng cho sự phát triển toàn diện của một nhân cách, hơn thế là một thiên tài. Bố và anh cả của Nguyễn Du là những chứng nhân một thời của Kinh kỳ Thăng Long, những người gắn bó mật thiết với Văn Miếu - Quốc Tử Giám. Hổ phụ sinh hổ tử là quy luật tự nhiên. Con nhà tông không giống lông cũng giống cánh.
 Phố Nguyễn Du, Hà Nội.
Khía cạnh thứ hai của vấn đề “Nguyễn Du trong không gian văn hóa Thăng Long”, thiết nghĩ lại phải bàn thảo xa hơn, rộng hơn khi gắn không gian văn hóa Thăng Long với không gian văn hóa Kinh Bắc, không gian văn hóa xứ Nghệ (hẹp hơn là không gian văn hóa Hồng Lam). Nhận định sau là toàn diện, thuyết phục: “Nguyễn Du là nhân cách văn hóa hiếm hoi của Việt Nam, tích hợp, vượt gộp tinh hoa văn hóa của quê hương Hà Tĩnh rất trọng nghĩa tình, nơi hình thành những dòng văn học, dòng họ văn hóa lớn nhất nước, tích hợp được trong mình cả quê ngoại những làn điệu dân ca quan họ đậm chất trữ tình, với sự tích tụ truyền thống quan huấn và kinh nghiệm làm quan của người cha và người anh cùng cha khác mẹ. Đồng thời, ở Nguyễn Du còn có sự tích hợp tinh hoa văn hóa của Thăng Long, văn hóa Trung Hoa. Những biến cố lớn, những cuộc bể dâu của triều đại, đặc biệt là phẩm tính thiên tài của ông đã tác động, nhào nặn và tạo nên một nhân cách văn hóa Nguyễn Du vừa sâu như biển vừa cao như núi non và ôm trọn mọi kiếp người” (Nhiều tác giả - Nguyễn Du tiếp cận từ góc độ văn hóa, Nxb ĐHQG Hà Nội, 2014, trang 13-14).
*
Khi Nguyễn Ánh diệt Tây Sơn, lập ra triều Nguyễn, thống nhất giang sơn, lấy Phú Xuân làm kinh đô, Thăng Long từ đó trở thành cố đô trong tâm khảm của Nguyễn Du. Theo tôi, đó là sử liệu đáng gợi nghĩ. Một lần nữa giúp khẳng định: Thăng Long chính là cội nguồn, cội rễ, căn đế, căn cốt, nền tảng văn hóa sinh ra thiên tài Nguyễn Du - Danh nhân Văn hóa Thế giới, Nguyễn Du - tác giả kiệt tác Truyện Kiều như là “linh kinh” (nhận xét của nhà văn Đặng Thai Mai) của người Việt.
Năm 1813, Nguyễn Du được triều đình thăng chức Cần Chánh điện đại học sĩ và được cử làm Chánh sứ sang nhà Thanh, Trung Quốc. Trong Niên biểu Nguyễn Du, ghi rõ từ năm 1783 (18 tuổi) Nguyễn Du đã lấy vợ (kết hôn với con gái Đoàn Nguyễn Thục), và năm 1784 (19 tuổi), bắt đầu về quê vợ ở xã Hải An, huyện Quỳnh Côi, tỉnh Thái Bình. Vậy là ngót 20 năm xa kinh đô Thăng Long (nhưng là cố đô trong tâm cảm), Nguyễn Du trở lại Thăng Long, mở đầu cho chuyến hành trình phương Bắc trong vai Đại sứ Việt Nam tại Trung Hoa.
Thi phẩm Bắc hành tạp lục (gồm 131 bài thơ chữ Hán), được mở đầu bằng bốn bài thơ có liên đới đến Kinh đô: Long thành cầm giả ca (Bài ca người gảy đàn đất Thăng Long), hai bài Thăng Long (I, II) và Ngộ gia đệ cựu ca cơ (Gặp người hát cũ của em). Giới nghiên cứu cho rằng, bình thường khi trở lại Thăng Long sau nhiều năm, chắc hẳn Nguyễn Du phải phục dựng lại trạng thái cảm xúc được sống giữa các văn nhân/nhà nho tài tử với bầu rượu túi thơ, giữa những trung tâm nghệ thuật quý tộc chốn kinh kỳ đông đảo những tao nhân mặc khách, chí ít là giữa những mỹ nhân hay thắng cảnh kinh thành,...
Trái lại, ông nhìn sâu và thấu cảm với những sinh linh bé nhỏ, yếu hèn, tội nghiệp, cơ hàn. Đó là những “xướng ca vô loài” như định kiến thủ cựu xưa (phải chăng vì thế sau này Đại thi hào viết Độc tiểu thanh ký trên đất Trung Quốc?).
*
Có thể so sánh Thăng Long thành hoài cổ của Bà huyện Thanh Quan (thế kỷ XIX) và Long Thành cầm giả ca của Nguyễn Du để thấy rõ hơn không gian văn hóa Thăng Long đã đi vào văn chương như một động hướng tinh thần, tâm lý, tình cảm của những nghệ sỹ lớn trong quá khứ cũng như hiện tại. Tất nhiên, Long Thành cầm giả ca của Đại thi hào ra đời sớm (1813), còn Thăng Long thành hoài cổ của Bà huyện Thanh Quan thì chưa rõ niên đại chính xác. Bài thơ của Nguyễn Du dài 48 dòng (của Bà huyện Thanh Quan chỉ có 8 dòng). Nhưng thơ hay không tính dài, ngắn.
Bài thơ của Bà huyện Thanh Quan, đẫm hơi hướng hoài cổ: “Tạo hóa gây chi cuộc hý trường/ Đến nay thấm thoắt mấy tinh sương/Lối xưa xe ngựa hồn thu thảo/Nền cũ lâu đài bóng tịch dương/ Đá vẫn trơ gan cùng tuế nguyệt/ Nước còn chau mặt với tang thương/ Nghìn năm gương cũ soi kim cổ/ Cảnh đấy người đây luống đoạn trường”. Bài thơ này được nữ sỹ viết chỉ có thể sau sự biến 1802, khi Nguyễn Ánh lên ngôi, lấy hiệu Gia Long, định đô ở Huế. Từ đó Thăng Long mất địa vị trung tâm của đất bước về chính trị, văn hóa; thể hiện cảm tác về cảnh hoang tàn của cố đô đất Bắc.
Bài thơ Long Thành cầm giả ca của Nguyễn Du viết năm 1813 (trong mấy đêm đầu ở Thăng Long, trước khi Bắc hành). Bài thơ gồm 48 dòng, thể hiện cái tâm trạng hoài cổ, nhớ thương dĩ vãng, cảm thán cảnh phế hoang tàn của kinh thành nhìn từ nhân tình thế thái, từ sự suy vi của những người mang nghiệp nghệ thuật/ cầm ca: “Khúc xưa từng tiếng bồi hồi/ Ta nghe tê tái, lệ rơi đáy lòng/ Chuyện xưa, hai chục năm ròng/Người đêm hồ Giám tiệc tùng là đây/ Thời gian: thành chuyển, người thay/Nương dâu, bãi bể ai hay chuyện đời/ Tây Sơn cơ nghiệp tan rồi/ Chỉ còn sót lại một người kỹ ca”. Đây chỉ là một đoạn trong bài thơ Long Thành cầm giả ca của Đại thi hào Nguyễn Du.
Đọc thơ của Bà huyện Thanh Quan, Nguyễn Du chúng ta càng thấm thía hơn câu thơ “Chữ tâm kia mới bằng ba chữ tài” trong kiệt tác Truyện Kiều. Văn hóa và đạo đức vốn dĩ là hai phạm trù khác nhau. Tất nhiên. Nhưng trong trường hợp cụ thể nào đó, trong một ý nghĩa nào đó, cả hai phạm trù này giao thoa, tựa như hai vòng tròn đồng tâm.
*
Vào hạ tuần tháng 9/2020, tại Hà Tĩnh, UBND tỉnh và Hội Kiều học Viêt Nam phối hợp tổ chức lễ Kỷ niệm 200 năm ngày mất Đại thi hào - Danh nhân Văn hóa thế giới, với nhiều chương trình quy mô và hấp dẫn tại quê hương Nguyễn Du. Truyện Kiều đã được dịch ra 21 thứ tiếng (trong gần 70 bản dịch khác nhau). Giáo sư AHN KYONG- HWAN, cựu Chủ tịch Hội nghiên cứu Việt Nam học tại Hàn Quốc, cựu Giáo sư Trường Đại học CHOSUN, dịch giả bản dịch Truyện Kiều tiếng Hàn Quốc đã khẳng định: “Việt Nam là một đất nước văn hiến mãi mãi vì có tác phẩm Truyện Kiều bất hủ”.
Hà Nội - Hà Tĩnh, tháng 9/2020

Tin đọc nhiều

Kinh tế đô thị cuối tuần