Nguyễn Du với Thăng Long

Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Tháng 11/2013, UNESCO đã chính thức tôn vinh đại thi hào Nguyễn Du là Danh...

Kinhtedothi - Tháng 11/2013, UNESCO đã chính thức tôn vinh đại thi hào Nguyễn Du là Danh nhân văn hóa thế giới và kêu gọi các nước tổ chức kỷ niệm tác giả kiệt tác “Truyện Kiều” trong năm 2015. Trong kho tác phẩm giàu có của đại thi hào này có khá nhiều bài thơ viết về cảnh và người đất Thăng Long đầu thế kỷ XIX.

Quê ông ở làng Tiên Điền, huyện Nghi Xuân, tỉnh Hà Tĩnh, nhưng ông sinh ra ở phường Bích Câu (nay thuộc phường Cát Linh, quận Đống Đa, Hà Nội) và thời niên thiếu chủ yếu ở Thăng Long, xuất thân trong một gia đình đại quý tộc, nhiều đời làm quan nhà Lê, nổi tiếng về văn học. Tuổi hoa niên được văn hóa Thăng Long nuôi dưỡng. Thân sinh của ông là tiến sĩ Nguyễn Nhiễm (1707 – 1775) làm Tể tướng thời Lê – Trịnh. Mẹ Nguyễn Du là bà Trần Thị Tần (1740 – 1778), người huyện Đông Ngàn, trấn Kinh Bắc (nay thuộc thị xã Từ Sơn, Bắc Ninh). Năm ông 10 tuổi cha chết, năm 12 tuổi mẹ mất. Nguyễn Du sống với Nguyễn Khản, người anh cùng cha khác mẹ, đỗ tiến sĩ làm quan tới chức Thượng thư bộ Lại, sống rất giàu sang ở Thăng Long. Năm 1783, lúc 18 tuổi Nguyễn Du thi hương đỗ tam trường, sau không rõ vì sao không thi tiếp.

Nguyễn Du sống vào cuối thời Lê đầu thời Nguyễn. Trong giai đoạn lịch sử này, chế độ phong kiến nước ta khủng hoảng trầm trọng: Giai cấp thống trị thối nát, đời sống xã hội đen tối, nông dân khởi nghĩa khắp nơi. Cuộc khởi nghĩa Tây Sơn thắng lợi đã đánh bại các tập đoàn phong kiến Nguyễn ở Đàng Trong và Trịnh ở Đàng Ngoài vào năm 1786.
Nguyễn Du với Thăng Long - Ảnh 1

Vốn trung thành với nhà Lê, Nguyễn Du từng sống lưu lạc chìm nổi 10 năm trên đất Bắc (1786 – 1796) rồi về ở ẩn tại quê hương Hà Tĩnh (1796 – 1802) nếm đủ mùi gian khổ. Trong suốt thời gian này, ông đã thông cảm với nhiều nỗi đau thương, khổ cực của nhân dân. Nguyễn Ánh sau khi đánh bại Tây Sơn đã triệu ông ra làm quan. Từ chối mãi không được, cuối cùng bất đắc dĩ ông phải làm quan nhà Nguyễn (1802).

Đối với Thăng Long, ông có nhiều kỷ niệm vủa một thời sống trong lầu vàng, gác tía. Nguyễn Du có nhiều bài thơ chữ Hán nói về Thăng Long và con người nơi đó như: “Thăng Long” (Thành Thăng Long), “Đại nhân hí bút” (Viết đùa giùm người) và “Long thành cầm giả ca” (Bài ca người gảy đàn ở thành Thăng Long). Trong bài đầu, nhà thơ nói lên những thay đổi đáng buồn của một nơi đế đô. Sau khi chiếm được Bắc thành từ tay triều Tây Sơn, Gia Long đã không định đô ở đây mà chọn Phú Xuân (Huế) làm kinh đô của cả nước. Từ đây Thăng Long phải chịu một sự chuyển đổi lớn: Từ kinh thành hơn 800 năm trước trở thành trấn thành rồi dần dần trở thành tỉnh thành. Sau mấy chục năm mới trở lại Thăng Long, Nguyễn Du viết:

Thành mới, trăng xưa bóng tỏ mờ

Thăng Long đô cũ dấu còn trơ

Phố phường rộng mở quên đường cũ

Đàn sao rầy pha khác điệu xưa

Phú quý nghìn năm sinh cướp đoạt

Bạn bè thuở trước đã lưa thưa

Việc đời chìm nổi than chi nữa

Mái tóc mình nay cũng bạc phơ

(Bài thơ “Thăng Long” bằng chữ Hán, Vũ Mộng Hùng dịch)

Đối với nhà thơ, tuy “Trăng xưa rày chiếu bên thành mới” nhưng Thăng Long “Đây vẫn kinh đô, vẫn nước non”.   

Còn “Long thành cầm giả ca” (Bài ca người gảy đàn ở thành Thăng Long) là tác phẩm viết về một người ca nữ nổi tiếng tài hoa một thời, bây giờ nhan sắc tàn phai, tiều tụy, không ai còn chú ý nữa. Nhà thơ tỏ lòng xót thương, ngậm ngùi của mình và nghĩ đến cuộc đời dâu bể. Có một điều đáng chú ý là chính bài thơ này, lần đầu tiên và cũng là lần duy nhất, Nguyễn Du nhắc đến Tây Sơn. Thái độ của ông đối với triều Tây Sơn thật khó hiểu. Bài thơ không có tí gì thù địch với Tây Sơn, mà trái lại trong khi ngậm ngùi cho số phận của người ca nữ, nhà thơ lại có vẻ ngậm ngùi cho sự sụp đổ của nhà Tây Sơn:

Tây Sơn, nghiệp đế vương đã hỏng

Ca vũ còn một mống người đây

Trăm năm thấm thoát bao ngày

Đau lòng chuyện cũ, lệ đầy áo ta…

Năm 2010, nhân kỷ niệm 1000 năm Thăng Long – Hà Nội, các nhà điện ảnh nước ta đã dựa theo nội dung bài thơ này để làm bộ phim “Long thành cầm giả ca”.

Nguyễn Du đã nặng lòng với Thăng Long thì các thế hệ người Thăng Long – Hà Nội mãi mãi ghi nhớ nhà đại thi hào của đất nước. Thủ đô đã nhiều lần cùng cả nước tổ chức kỷ niệm Nguyễn Du. Năm 1929, Hội Khai trí Tiến đức đã tạc bia đá để ghi công Nguyễn Du. Tấm bia vẫn còn dựng ở trong khuôn viên nhà số 79 phố Hàng Trống (nguyên là trụ sở của Hội này). Bia cao 2,2m, rộng 1,2m được tạo tác với 3 tầng mái. Các góc mái được vuốt tròn ở đầu đao. Mái trên cùng có hai đầu được kết bởi vân xoắn chữ triện khiến bia vừa bề thế, vừa thanh thoát. Riềm bia khắc chìm các hình hoa cúc, hoa dây. Đế bia chia làm 3 phần to nhỏ khác nhau, trên các phần đó đều có chạm hình mặt hổ phù, cánh hoa sen cách điệu, các hạt tròn nổi trong khung chữ nhật. Còn thân bia khắc trọn bài ký tiếng Việt của nhà nho tân học Bùi Kỷ (1888 – 1960) ca ngợi sự nghiệp của Nguyễn Du. Đặc biệt, một mặt văn bia khắc chữ Nôm, một mặt khắc bằng chữ quốc ngữ. Trán tâm bia mang dòng chữ “Bài bia kỷ niệm Tiên Điền Nguyễn tiên sinh”.

 Nguyễn Du là nhà thơ nhân đạo lỗi lạc với tấm lòng yêu thương người sâu sắc, bao dung, là ngòi bút phê phán hiện thực mạnh mẽ, sắc bén. Về nghệ thuật, ông là người kết tinh những thành tựu văn học chữ Hán và chữ Nôm của dân tộc, tổng hợp tinh hoa của nhiều thể loại văn học để sáng tác “Truyện Kiều” như một tiểu thuyết bằng thơ với nghệ thuật miêu tả tâm lý thần tình. Nguyễn Du đã đưa ngôn ngữ văn học tiếng Việt lên trình độ điêu luyện, cổ điển. Với những công đó, ông được suy tôn là đại thi hào dân tộc và Danh nhân văn hóa thế giới.