Lãi suất ngân hàng và lợi tức trái phiếu cùng tăng
Tuần qua, Ngân hàng Nhà nước không có giao dịch mới phát sinh trên thị trường mở. Cơ quan này cho biết, từ đầu năm đến ngày 15/6, tín dụng toàn nền kinh tế tăng 5,1%, tương đương với các tổ chức tín dụng đã "bơm" ra nền kinh tế khoảng 469.000 tỷ đồng, cao gấp 2,5 lần so với cùng kỳ năm 2020. Điều này cho thấy, tăng trưởng tín dụng đang khá mạnh trong nừa đầu năm 2021. Nếu các ngân hàng thương mại (NHTM) được nới chỉ tiêu tăng trưởng tín dụng trong tuần này, thì dự báo tăng trưởng tín dụng 6 tháng đầu năm 2021 có thể ở mức 6%.
Nhu cầu vay vốn tăng đã khiến lãi suất trên liên ngân hàng nhích nhẹ, chốt tuần ở mức 1,227%/năm, tăng 0,9% so với kỳ hạn qua đêm và 1,366%/năm, tăng 0,3% với kỳ hạn 1 tuần. Các NHTM hạn chế cung nguồn tiền Việt Nam đồng ra thị trường, khi thời điểm cuối quý 2 đang đến gần có thể khiến lãi suất liên ngân hàng tiếp tục nhích lên trong tuần này.
Để thu hút nguồn vốn vào ngân hàng, đáp ứng nhu cầu cho vay một số tổ chức tín dụng tăng lãi suất huy động. Cụ thể, tuần qua Vietcombank đã điều chỉnh tăng 0,2% đối với tiền gửi kỳ hạn dưới 12 tháng lên mức ngang của các NHTM nhà nước khác là BIDV, Vietinbank và Agribank, sau khi duy trì mặt bằng thấp hơn suốt từ đầu năm đến nay.
Môi trường lãi suất thấp như hiện tại khiến chênh lệch tiền gửi – tín dụng sẽ chịu áp lực thu hẹp. Dự báo lãi suất tiền gửi có thể nhích tăng khoảng 0,5% trong thời gian tới đây, còn lãi suất cho vay vẫn sẽ ổn định.
Tuần qua, Kho bạc Nhà nước (KBNN) đã gọi thầu khá thành công với 6.270 tỷ đồng trái phiếu Chính phủ, đạt 90% tổng lượng gọi thầu, lãi suất trúng thầu giảm 0,1-0,3 ở kỳ hạn 5 năm và 10 năm, giữ nguyên ở kỳ hạn 15 và 30 năm.
Tính từ đầu năm đến nay, KBNN đã phát hành tổng cộng 99.300 tỷ đồng, Trong phiên gọi thầu cuối cùng của tháng 6 trong tuần này, KBNN dự kiến gọi thầu 6.000 tỷ đồng. Nếu toàn bộ được phát hành, KBNN đã hoàn thành 105,3% kế hoạch phát hành hai quý đầu năm 2021.
Trên thị trường thứ cấp, lợi tức trái phiếu Chính phủ kỳ hạn 10 và 15 năm đều tăng 0,05%. Nhà đầu tư nước ngoài mua ròng tuần thứ 5 liên tiếp với giá trị mua ròng là 652 tỷ đồng, lũy kế mua ròng 9,8 nghìn tỷ đồng từ đầu năm đến nay.
Ngoại hối biến động mạnh trên thị trường tự do
Tỷ giá USD/VND niêm yết ổn định trong ngân hàng thương mại, nhưng bật tăng mạnh trên thị trường tự do. Cụ thể, tỷ giá USD/VND niêm yết tại các NHTM giữ nguyên ở mức 22.880 - 23.110 đồng (mua – bán). Tuy nhiên, tỷ giá USD/VND đã bật tăng 185 đồng/USD chiều mua vào và tăng 145 đồng/USD chiều bán ra trên thị trường tự do, lên mức 23.280 -23.310 đồng (mua – bán). Cung cầu ngoại tệ trong nước khá cân bằng, dòng kiều hối và FDI vẫn khá tích cực nên tỷ giá USD/VND sẽ vẫn ổn định trong dài hạn.
Nhận định của chuyên gia, tỷ giá USD có thể chịu áp lực tăng trong ngắn hạn do nhu cầu chuyển lợi nhuận về nước của một số doanh nghiệp nước ngoài vào thời điểm cuối quý.
Nhận định về việc tỷ giá USD/VND tăng trên thị trường tự do thời gian qua, một số chuyên gia cho rằng: Tuần qua, Chủ tịch Cục dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) Powell khẳng định: Fed sẽ không tăng lãi suất chỉ bởi nỗi lo lạm phát. Chỉ số lạm phát lõi PCE tháng 5 của Mỹ tăng 0,5% so với tháng trước và tăng 3,4% so với cùng kỳ năm ngoái, cũng nằm trong mức kỳ vọng của thị trường.
Cùng với đó, cán cân vãng lai của Mỹ thâm hụt tới 195,7 tỷ USD trong quý 1/2021 – mức thâm hụt lớn nhất kể từ năm 2007. Đồng USD hạ nhiệt, chỉ số đo lường sức mạnh đồng đô la – Dollar-Index giảm từ mức đỉnh 2 tháng 92,2 điểm xuống quanh mức 91,8 điểm. Hầu hết các đồng tiền chính trong giỏ thanh toán quốc tế hồi phục nhẹ so với USD, ngoại trừ các đồng tiền khu vực Châu Á là Nhân dân tệ giảm 0,05%; đồng Đài tệ giảm 0,45%, đồng Rupee Ấn Độ giảm 0,44%; yên Nhật giảm 0,49%; bạt Thái giảm mạnh nhất mất 1,03%....