Không được giao phụ trách, vẫn ký quyết định chấp thuận!
Ngày 9/12, TAND TP Hồ Chí Minh tiếp tục xét xử 19 bị cáo trong vụ án “Vi phạm quy định về quản lý, sử dụng tài sản Nhà nước gây thất thoát, lãng phí”, “Thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng”, “Tham ô tài sản”, “Che giấu tội phạm” xảy ra tại SAGRI, gây thiệt hại cho Nhà nước hơn 672 tỷ đồng.
Bị cáo Trần Vĩnh Tuyến, nguyên Phó Chủ tịch UBND TP Hồ Chí Minh (Bên phải) và Trần Trọng Tuấn, nguyên Giám đốc Sở Xây dựng tại tòa sơ thẩm. |
Trong phần xét hỏi, bị cáo Trần Vĩnh Tuyến (SN 1965, nguyên Phó Chủ tịch UBND TP Hồ Chí Minh), bị xét xử tội “Vi phạm quy định về quản lý, sử dụng tài sản Nhà nước gây thất thoát, lãng phí”, thừa nhận được phân công phụ trách lĩnh vực kinh tế - tài chính, năm 2017 được phân công phụ trách thêm lĩnh vực xây dựng, quản lý đô thị, nhưng chưa bao giờ được phân công phụ trách SAGRI.
Sau khi nhận được tờ trình số 17223/TTr-SXD-PTN&TTBĐS ngày 3/11/2017 do bị cáo Trần Trọng Tuấn (SN 1969, nguyên Giám đốc Sở Xây dựng) ký kèm theo dự thảo quyết định chấp thuận chuyển nhượng toàn bộ Dự án Khu nhà ở (Diện tích 36.676,10m2), tại khu phố 4, phường Phước Long B, quận 9 (Nay là TP Thủ Đức - TP Hồ Chí Minh) cho Tổng Công ty Phong Phú với giá 168.212.003.347 đồng.
Đến ngày 17/11/20217, bị cáo ký quyết định 6077/QĐ-UBND (Quyết định 6077 - PV) chấp thuận chuyển nhượng dự án. Căn cứ để ký quyết định 6077 nêu trên là do có chủ trương đồng ý của UBND thành phố.
Trả lời câu hỏi của HĐXX, bị cáo Trần Trọng Tuấn, nguyên Giám đốc Sở Xây dựng, nguyên Chủ tịch Hội đồng thẩm định chuyển nhượng Dự án của TP Hồ Chí Minh, cho rằng bị cáo… không phạm tội “Vi phạm quy định về quản lý, sử dụng tài sản Nhà nước gây thất thoát, lãng phí” như cáo trạng truy tố, vì bị cáo có những chứng cứ pháp lý. Bị cáo cho rằng Dự án Khu nhà ở nêu trên thuộc thẩm quyền thẩm định của Sở Xây dựng. Sau khi nhận hồ sơ xin chuyển nhượng dự án của SAGRI cho Tổng Công ty Phong Phú, Văn phòng Sở Xây dựng tự động chuyển cho các phòng chuyên môn, tổ thư ký họp rồi trình Hội đồng thẩm định. Từ đó, Chủ tịch hội đồng căn cứ ý kiến của các thành viên trong hội đồng, quy định pháp luật để kết luận dự án có đủ hay không đủ điều kiện chuyển nhượng theo Luật kinh doanh BĐS.
Biết dự án sai phạm nhưng vẫn ký để gây thiệt hại
Tuy nhiên, cáo trạng khẳng định bị cáo Tuấn biết việc chuyển nhượng Dự án của SAGRI phải thực hiện đúng quy định của pháp luật về quản lý, sử dụng vốn Nhà nước đầu tư vào sản xuất, kinh doanh tại doanh nghiệp, phải tiến hành thẩm định giá, xác định giá trị chuyển nhượng theo giá thị trường, tiến hành đấu giá và các quy định pháp luật về đất đai , kinh doanh bất động sản; Dự án chưa hoàn thành nghĩa vụ tài chính đối với Nhà nước, chưa đủ điều kiện và căn cứ pháp lý để chuyển nhượng. SAGRI chưa xây dựng đề án tái cơ cấu, chưa có phương án thoái vốn tại Dự án Khu nhà ở tại phường Phước Long B trình UBND TP Hồ Chí Minh là cơ quan đại diện chủ sở hữu để phê duyệt. Đồng thời, Chi cục Tài chính doanh nghiệp Sở Tài chính đã có ý kiến trả lời về trường hợp chuyển nhượng dự án của SAGRI phải thực hiện theo quy định của pháp luật về quản lý, sử dụng vốn Nhà nước đầu tư vào sản xuất, kinh doanh tại doanh nghiệp, pháp luật về đất đai...
Vì sao thiệt hại 672 tỷ đồng? Ngày 26/12/2019, Hội đồng định giá tài sản trong tố tụng hình sự ở Trung ương ban hành kết luận 01/HĐĐG2383-KL, kết luận: Giá trị quyền sử dụng đất đã có hạ tầng tại thời điểm ký hợp đồng chuyển nhượng dự án ngày 22/12/2017 là 541.264.844.000 đồng, giá trị quyền sử dụng đất đã có hạ tầng tại thời điểm khởi tố vụ án ngày 5/7/2019 là 864.626.197.000 đồng. Hậu quả thiệt hại cho Nhà nước trong vụ án này được xác định tại thời điểm Cơ quan điều tra phát hiện, ngăn chặn và khởi tố vụ án là 672.140.972.741 đồng (864.626.197.000 đồng là giá trị quyền sử dụng đất đã có hạ tầng tại thời điểm khởi tố vụ án - 168.212.003.347 đồng là giá trị chuyển nhượng toàn bộ dự án - 20.000.000.000 đồng là lợi thế thương mại theo thỏa thuận - 4.273.220.912 đồng là tiền thuế GTGT). |
Nhưng bị cáo Trần Trọng Tuấn vẫn ký tờ trình 17223/TTr-SXD-PTN&TTBĐS ngày 3/11/2017, kèm theo dự thảo quyết định chấp thuận chuyển nhượng dự án không theo mẫu, thiếu các mục “Tổng mức đầu tư”, “Nguồn vốn đầu tư”, “Tiến độ thực hiện dự án”, đề xuất Trần Vĩnh Tuyến ký ban hành quyết định 6077/QĐ-UBND chấp thuận cho SAGRI chuyển nhượng toàn bộ dự án cho Tổng Công ty Phong Phú trái quy định pháp luật. Vì bản chất việc chuyển nhượng này là chuyển nhượng Dự án kinh doanh BĐS kèm theo việc chuyển những quyền sử dụng đất. Đồng thời đây cũng là hình thức chuyển nhượng phần vốn góp ra bên ngoài của doanh nghiệp 100% vốn Nhà nước. Do vậy việc chấp nhận cho SAGRI chuyển nhượng toàn bộ dự án cho Tổng Công ty Phong Phú là không đảm bảo nguyên tắc công khai, minh bạch. Đồng thời, việc không giao SAGRI thực hiện xác định giá trị phần tài sản hình thành từ vốn góp theo giá thị trường tại thời điểm chuyển nhượng làm căn cứ xác định giá trị chuyển nhượng vốn đầu tư ra ngoài doanh nghiệp của SAGRI và không đưa ra đấu giá là không đảm bảo nguyên tắc thị trường.
Đối với bị cáo Trần Vĩnh Tuyến là người có trình độ hiểu biết về quản lý Nhà nước trong lĩnh vực kinh tế, xã hội. Với vai trò là Phó Chủ tịch UBND TP Hồ Chí Minh, bị cáo Tuyến biết việc chuyển nhượng Dự án Khu nhà ở nêu trên có nhiều sai phạm. Nhưng sau khi nhận tờ trình của Sở Xây dựng, vẫn ký quyết định 6077 chấp thuận cho SAGRI chuyển nhượng toàn bộ Dự án Khu nhà ở cho Tổng Công ty Phong Phú. Đây là cơ sở để bị cáo Lê Tấn Hùng cùng đồng phạm làm thủ tục chuyển nhượng dự án trái quy định của pháp luật gây thiệt hại cho Nhà nước số tiền 672.140.972.141 đồng.
Đã thu hồi quyết định cho chuyển nhượng dự án Cáo trạng cũng xác định bị cáo Trần Vĩnh Tuyến khi ký quyết định 6077 nêu trên đã không báo cáo, xin ý kiến ông Nguyễn Thành Phong, Chủ tịch UBND TP Hồ Chí Minh và Thường trực UBND thành phố, nên ông Phong và Thường trực UBND thành phố không biết. Ngày 26 và 27/3/2019, UBND TP Hồ Chí Minh tổ chức họp nghe Thanh tra thành phố báo cáo kết luận thanh tra số 05/KL-TTTP-P7 ngày 21/2/2019 “Về thanh tra việc chấp hành các quy định của pháp luật trong công tác quản lý, sử dụng đất đai; Quản lý, sử dụng tài chính; Thực hiện các dự án và chuyển nhượng dự án tại SAGRI” Thường trực UBND và ông Nguyễn Thành Phong mới biết việc chuyển nhượng dự án do SAGRI làm chủ đầu tư có sai phạm. Khi biết được sai phạm tại SAGRI, ngày 12/6/2019, Thường trực UBND TP Hồ Chí Minh tổ chức họp, giao tổ công tác hướng dẫn thực hiện các thủ tục hủy hợp đồng chuyển nhượng Dự án khu nhà ở nêu trên. Ngày 22/6/2019, ông Võ Văn Hoan, Phó Chủ tịch UBND TP Hồ Chí Minh ký quyết định 2649/QĐ-UBND về “Thu hồi và hủy bỏ quyết định 6077/QĐ-UBND ngày 17/11/2017 của UBND TP Hồ Chí Minh về chấp thuận cho chuyển nhượng Dự án phát triển Khu nhà ở tại phường Phước Long B, quận 9”. Vì vậy, không có căn cứ xử lý đối với tập thể Thường trực UBND TP Hồ Chí Minh và cá nhân ông Nguyễn Thành Phong. Nhưng cần phải xem xét, kiểm điểm trách nhiệm chính trị của người đứng đầu. |