Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Nguyên Phó Chủ tịch UBND TP Phí Thái Bình: Tôi đã làm việc với tinh thần trách nhiệm cao nhất

Minh Tường (thực hiện)
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Những ngày qua, dư luận dấy lên thông tin về việc Bộ Công an ra quyết định khởi tố điều tra đối với ông Phí Thái Bình - nguyên Phó Chủ tịch UBND TP Hà Nội, nguyên Chủ tịch HĐQT Tổng Công ty Vinaconex liên quan đến sự cố đường ống nước sông Đà.

Nguyên Phó Chủ tịch UBND TP Hà Nội, nguyên Chủ tịch HĐQT Tổng Công ty Vinaconex Phí Thái Bình.

Để làm rõ thông tin nêu trên và những vấn đề liên quan, Kinh tế & Đô thị đã có cuộc trao đổi trực tiếp với ông Phí Thái Bình.
Có phải Cơ quan cảnh sát điều tra, Bộ Công an có đề xuất khởi tố để điều tra đối với ông?
- Cho đến thời điểm này bản thân tôi vẫn chưa nhận được bất cứ văn bản hay quyết định nào như thông tin dư luận đã nêu.
Khi tham gia thực hiện Dự án xây dựng đường ống dẫn nước sông Đà giai đoạn 1, ông đang giữ vị trí nào?
- Năm 2004, do tình trạng thiếu nước sạch tại Hà Nội ngày trở nên trầm trọng, Tổng Công ty Vinaconex đã có đề xuất với Chính phủ và TP cho thực hiện dự án khai thác, truyền tải nước mặt sông Đà về Hà Nội, phục vụ sinh hoạt của Nhân dân. Thời điểm đó tôi là Chủ tịch HĐQT, Bí thư Đảng ủy Tổng Công ty Vinaconex.
Ông có tham gia đầy đủ toàn bộ quá trình thực hiện Dự án?
- Chính phủ đã cho phép Vinaconex đầu tư thực hiện Dự án khai thác, truyền tải nước mặt sông Đà về Hà Nội với phương châm tự chủ về vốn, không sử dụng ngân sách. Năm 2005, khi Dự án bắt tay vào thực hiện, tôi vẫn là Chủ tịch HĐQT, Bí thư Đảng ủy Tổng Công ty Vinaconex; nhưng từ ngày 15/9/2006, tôi đã bàn giao lại toàn bộ công việc tại Vinaconex cho lãnh đạo mới để chuyển sang làm Phó Chủ tịch UBND TP Hà Nội. Trên thực tế, Dự án thực hiện trong 4 năm, đến tháng 8/2008 đã tiến hành cấp nước cho người dân, nhưng bản thân tôi chỉ tham gia vào quãng 1/2 thời gian đầu tiên.
Có phải đường ống dẫn nước sạch sông Đà bục vỡ nhiều là do chất liệu cốt sợi thủy tinh?
- Bộ Xây dựng đã có kết luận giám định tư pháp, khẳng định: “Nếu sản xuất ống cốt sợi thủy tinh có chiều dày, các thông số đúng như thiết kế kỹ thuật, thiết kế bản vẽ thi công; quá trình sản xuất, thử nghiệm, vận hành và khai thác, sử dụng tuân thủ chặt chẽ các tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật, yêu cầu thiết kế và các quy định liên quan thì không thể gây ra sự cố vỡ ống”.
Trên thực tế, chỉ có 20/5.000 đoạn ống được lắp đặt trên toàn tuyến bị bục vỡ, chiếm tỷ lệ chỉ 0,4%. Qua đó có thể khẳng định, ống cốt sợi thủy tinh hoàn toàn đảm bảo chất lượng kỹ thuật, đáp ứng yêu cầu của Dự án. Hơn nữa, ống cốt sợi thủy tinh trước đó đã được ứng dụng ở khắp các nước phát triển trên thế giới; sau lại được chính Vinaconex sản xuất để lắp đặt cho 54 dự án khác trên toàn quốc, trong đó có 4 dự án thủy điện với yêu cầu kỹ thuật cao hơn hẳn; và tất cả vẫn an toàn, bền vững cho đến ngày hôm nay.
Theo ông có nguyên nhân nào khác nữa?
- Theo tìm hiểu của tôi, hiện tượng 14 lần bục vỡ trên tuyến ống thời gian qua còn có nguyên nhân khác. Tôi được biết những vị trí ống xảy ra sự cố đã không được thử nghiệm áp lực thủy tĩnh trước khi đưa vào khai thác sử dụng; chất lượng của một số ống trong lô hàng sản xuất sau khi tôi chuyển công tác có thể không đồng đều.
Ngoài ra, dù Dự án đã đưa vào khai thác 9 năm nay nhưng các hạng mục: bể chứa dung tích 30.000m3, trạm bơm tăng áp; với công năng: dự trữ, điều tiết áp lực, hỗ trợ an toàn tuyến ống… vẫn chưa được thực hiện đầu tư. Điều này ảnh hưởng không nhỏ đến năng lực vận hành, khai thác của tuyến ống.
Tại sao Dự án lại sử dụng ống cốt sợi thủy tinh thay vì ống gang dẻo, thưa ông?
- Có 2 lý do mà thời điểm đó chúng tôi quyết định sử dụng ống cốt sợi thủy tinh thay vì ống gang dẻo. Thứ nhất, cho đến tận bây giờ, toàn quốc không có đơn vị nào sản xuất được ống gang dẻo đường kính trên 800mm, mà tuyến truyền dẫn nước sông Đà yêu cầu loại ống có đường kính từ 1.500 - 1.800mm.
Thứ 2, ống cốt sợi thủy tinh có thể đảm bảo tất cả các yếu tố quan trọng của Dự án như chất lượng, tiến độ và tiết kiệm chi phí. Ống cốt sợi thủy tinh chỉ nhẹ bằng 1/3 trọng lượng ống gang dẻo cùng đường kính; độ dài có thể sản xuất lớn hơn, khi lắp đặt sẽ ít mối nối hơn. Mặt khác, ống cốt sợi thủy tinh có bề mặt bên trong rất nhẵn, giúp tăng tốc độ bơm chuyển nước thêm 10%.
Do vậy chúng tôi đã chuyển hướng sang sử dụng ống cốt sợi thủy tinh. Hơn nữa, để chủ động thời gian và tiết giảm chi phí, cũng như tính đến việc bảo trì, sửa chữa, thay thế về lâu dài, chúng tôi đã quyết định mua dây chuyền sản xuất ống cốt sợi thủy tinh về để chủ động nguồn cung. Cuối cùng, theo thực tế quyết toán năm 2009, việc sử dụng ống cốt sợi thủy tinh đã giúp tiết kiệm hơn 5 triệu USD so với ống gang dẻo.
Đơn vị sản xuất ống cốt sợi thủy tinh Vinaconex có đủ năng lực sản xuất, cung cấp cho Dự án hay không?
- Vật liệu ống cốt sợi thủy tinh là vật liệu mới đã được sử dụng ở nhiều nước trên thế giới từ những năm 1970 đến nay (Tây Ban Nha, Áo, Úc, Mỹ…) nhưng Việt Nam chưa có. Đứng trước cơ hội mở ra một chuyên ngành sản xuất vật tư, thiết bị ngành nước, không phải nhập khẩu, tiết kiệm ngoại tệ cho quốc gia, chúng tôi đã quyết định mạnh dạn đầu tư.
Vinaconex và 3 đơn vị thành viên (do Vinaconex nắm cổ phần chi phối) đã thành lập Công ty CP Ống sợi thủy tinh Vinaconex, được tập trung mọi nguồn lực về vốn, nhân sự quản lý điều hành. Đặc biệt, Công ty đã ký hợp đồng nhập khẩu dây chuyền công nghệ sản xuất từ nước ngoài theo tiêu chuẩn Mỹ. Quá trình lắp đặt, vận hành dây chuyền thiết bị, đào tạo công nhân và sản xuất toàn bộ tuyến ống đều có hướng dẫn, hỗ trợ kỹ thuật của chuyên gia nước ngoài. Tôi khẳng định, thời điểm đó Công ty CP Ống sợi thủy tinh Vinaconex có đầy đủ năng lực, thiết bị để sản xuất ống cung cấp cho Dự án.
Ông nhìn nhận thế nào về trách nhiệm của mình đối với Dự án?
Trên thực tế, thời kỳ tôi điều hành Vinaconex và Dự án này, từ tháng 9/2006 trở về trước, không hề xảy ra sự cố đáng tiếc nào. Gần 2.000 đoạn ống được sản xuất và thi công dưới sự giám sát chặt chẽ khi tôi còn là Chủ tịch HĐQT Vinaconex, đến nay vẫn bền vững, an toàn. Sau khi tôi chuyển công tác, rất nhiều lãnh đạo từ trên xuống dưới, từ Tổng Công ty đến Dự án đã được phân công lại chức năng, nhiệm vụ. Và tất cả đoạn tuyến ống bục vỡ thời gian qua đều được sản xuất, lắp đặt trong thời gian này.
Tôi không có gì hối tiếc, vì bản thân đã làm việc với tinh thần trách nhiệm cao nhất. Tuyến ống không chỉ là một Dự án đơn thuần mà còn là tâm huyết của tôi và tập thể anh em Vinaconex. Cái chúng tôi được là đưa nước sạch sông Đà về cho Hà Nội. Cái chúng tôi mất là những thiếu sót của một số cá nhân trong sản xuất, thi công, lắp đặt, nghiệm thu công trình đã khiến công sức, tâm huyết của cả tập thể phần nào bị phủ nhận và đánh giá không khách quan.
Xin cảm ơn ông!
Khi tôi còn công tác tại Vinaconex, từ tháng 1/2006 - tháng 3/2007, đã có 2.000 đoạn ống được sản xuất, lắp đặt trên chiều dài 23,3km; được thử nghiệm áp lực thủy tĩnh trước khi vận hành theo đúng yêu cầu quy phạm thiết kế. Cho đến nay, 2.000 đoạn ống đó vẫn hoạt động tốt, không xảy ra sự cố nào. Trong khi đó, 20 đoạn ống vỡ trong các sự cố đều được sản xuất và lắp đặt trong khoảng thời gian từ tháng 3/2007 - tháng 8/2008, khi tôi đã chuyển công tác.
Nguyên Phó Chủ tịch UBND TP, nguyên Chủ tịch HĐQT Tổng Công ty Vinaconex - Phí Thái Bình