Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Nguyên TGĐ Oceanbank khai chi 19 tỉ đồng cho các "sếp" Lọc hoá dầu Bình Sơn

Đạt Lê - Trần Long
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi – Ngày 9/9, phiên tòa xét xử Hà Văn Thắm cùng các đồng phạm tiếp tục diễn ra với phần xét hỏi về khoản chi lãi ngoài. Nữ bị cáo Nguyễn Minh Thu (nguyên Tổng Giám đốc OceanBank) đã khai chi ra 19 tỷ đồng để “chăm sóc” các lãnh đạo ở Công ty Lọc hóa dầu Bình Sơn.

Mỗi lần chi hàng tỷ đồng “chăm sóc”
Theo lời khai của Thu, từ 2011 khi nhận vị trí Tổng giám đốc bị cáo đã chi trực tiếp cho ba khách hàng Vietsopetro, Lọc hoá dầu Bình Sơn và PVN. Riêng Lọc hoá dầu Bình Sơn từ tháng 7/2012 - 6/2014, tổng số chi cho công ty khoảng gần 19 tỷ đồng. Cụ thể, bị cáo chi chăm sóc khách hàng cho Chủ tịch Hội đồng Quản trị, Tổng Giám đốc, Phó Tổng Giám đốc, Kế toán trưởng.
 Các bị cáo tại phiên tòa sáng 9/9.

Bị cáo Thu cho biết đã gửi "chăm sóc" cho ông Nguyễn Hoài Giang, Chủ tịch HĐQT công ty Lọc hóa dầu Bình Sơn, không nhớ số lần nhưng mỗi lần đưa từ 500 triệu đồng đến 1 tỷ đồng. Còn Tổng giám đốc Lọc hoá dầu Bình Sơn Đinh Văn Ngọc mỗi lần khoảng 500 triệu, khoảng 7 đến 8 lần. Phó Tổng giám đốc Vũ Mạnh Tùng, mỗi lần từ 500 triệu đến 1 tỷ, kế toán trưởng tên Quang từ 300 đến 500 triệu.
Bị cáo Nguyễn Minh Thu còn cho biết, mỗi lần đến Lọc hoá dầu Bình Sơn bị cáo đều nhờ giám đốc chi nhánh Phan Thị Tú Anh liên hệ gặp và đi cùng tới. Ngoài ra bị cáo có nhận từ Nguyễn Thị Minh Phương để chuyển cho các chi nhánh chi chăm sóc khách hàng.
 Bị cáo Nguyễn Minh Thu khai chi 19 tỷ chăm sóc các lãnh đạo Lọc hoá dầu Bình Sơn.

Sau khi nghe lời khai của Nguyễn Minh Thu, HĐXX đã quyết định triệu tập 4 lãnh đạo Lọc hoá dầu Bình Sơn vào ngày thứ hai, ngày 11/9 tuần tới. (Trước đó, ngày 8/9, HĐXX cũng đã đề nghị Thư ký phiên tòa kết hợp với C46 Bộ Công an cho triệu tập ngay Trần Thanh Quang, Phó Tổng giám đốc Oceanbank; Lê Thị Thoa, Phó Giám đốc chi nhánh Hà Nội; Trần Thị Kim Chi, quyền Giám đốc chi nhánh Hải Phòng và Vietsovpetro).
Tại phiên toà, đối chất lại lời khai của Thu, đại diện Lọc hoá đầu Bình Sơn cho rằng đây chỉ là lời khai một chiều, qua trao đổi với các lãnh đạo, những người có liên quan này đều phủ nhận việc nhận tiền từ bị cáo Thu.
Oceanbank lãi 1.000 tỷ sau khi mua lại 0 đồng
Cũng trong phiên xử sáng cùng ngày, các luật sư đã tập trung hỏi đoàn giám định Ngân hàng Nhà nước, đại diện Ngân hàng Nhà nước và đại diện OceanBank về căn cứ xác định thiệt hại khoản tiền cố ý làm trái 1.576 tỷ đồng.
Các luật sư đã đặt câu hỏi cho ông Đỗ Anh Quân - Trưởng Đoàn giám định Ngân hàng Nhà nước xoay quanh quyết định thành lập đoàn giám định, mục đích, đối tượng, quá trình giám định, phân công nhiệm vụ, trách nhiệm của các giám định viên…; đồng thời, tập trung hỏi, làm rõ về các nội dung giám định: Số tiền 1.576 tỷ đồng chi lãi ngoài có trái quy định của pháp luật không? Nếu có thiệt hại thì gây thiệt hại cho Oceanbank là bao nhiêu? Trả lời về vấn đề này, ông Đỗ Anh Quân cho biết, toàn bộ nội dung trưng cầu giám định, cơ quan giám định đã trả lời chính xác, đầy đủ theo yêu cầu của cơ quan điều tra.
Sau khi nghe một số câu trả lời của ông Quân tại tòa, luật sư cho rằng chưa thỏa đáng và ông Quân chưa thể là đại diện giám định của Ngân hàng Nhà nước tại phiên tòa. Vì vậy, nếu cần thiết, các luật sư sẽ đề nghị HĐXX triệu tập các giám định viên còn lại trong Đoàn giám định của Ngân hàng Nhà nước.
Các luật sư quay sang hỏi ông Trần Anh Hùng (đại diện Ngân hàng Nhà nước) về quy trình lập tổ giám định của Ngân hàng Nhà nước. Tuy nhiên, ông Hùng không trả lời câu hỏi này và cho biết sẽ thông tin lại sau.
Đối với khoản tiền cố ý làm trái (1.576 tỷ đồng), trả lời câu hỏi của luật sư, bị cáo Hà Văn Thắm cho rằng cần làm rõ tên gọi của các loại tiền. Tiền vốn điều lệ của OceanBank là 4.000 tỷ đồng, để dành cho việc trang bị, đầu tư cơ sở vật chất (40%), đầu tư chứng khoán, mở công ty con (40%) và lập quỹ (20%). Số tiền chi lãi ngoài hoàn toàn không lấy từ vốn điều lệ của Oceanbanh mà được lấy từ tiền ngân hàng kinh doanh được. Nghĩa là từ phần lãi của hoạt động cho vay để chi cho hoạt động huy động vốn. Do đó, không thể nói Oceanbank thiệt hại như vậy. Nếu chỉ nhìn vào số tiền chi lãi để huy động vốn mà không nhìn đến số tiền thu về từ hoạt động cho vay, rồi kết luận là thiệt hại là không chính xác.
Đại diện Oceanbank cho rằng, việc xác định thiệt hại của Oceanbank được căn cứ vào kết luận của cơ quan điều tra và hành vi làm trái của các bị cáo, đồng thời căn cứ vào giám định kết luận cho rằng không có cơ sở thu hồi. Về vấn đề này, luật sư xác định: Oceabank phải có trách nhiệm xác định thiệt hại, chứng minh hậu quả chứ không phải dựa vào cáo trạng hay hành vi làm trái của các bị cáo.
 Bị cáo Nguyễn Thị Nga, nguyên Trưởng ban kế toán Oceanbank.
Trả lời câu hỏi của luật sư, bị cáo Nguyễn Thị Nga (nguyên Trưởng ban kế toán Oceanbank) trình bày: Sau khi Ngân hàng Nhà nước mua lại Ngân hàng Đại Dương với giá 0 đồng. Ngân hàng TMCP Đại Dương là xương máu, là thịt của tất cả cán bộ nhân viên, bây giờ mua 0 đồng rồi thu hồi nợ 1 đồng để hạch toán vào lợi nhuận và đạt doanh thu rất nhiều, vậy thì có thỏa đáng với những gì họ đã làm được không, với những con người như bị cáo đã cố gắng bao nhiêu thời gian để xây dựng một ngân hàng như vậy.
Bị cáo Nga tiếp tục cho biết, sau khi Oceanbank bị mua 0 đồng, thời điểm đó bà vẫn là Giám đốc khối Tài chính - Kế hoạch hơn 1 năm sau đó. Do đó báo cáo lợi nhuận hơn 1 năm sau đó cũng do đích thân bà lập và ký. Lợi nhuận ngay lập tức sau khi ngân hàng bị mua 0 đồng là hơn 1.000 tỷ đồng vào cuối năm đó (2015). Đến bây giờ con số thu hồi nợ có thể đã hơn 5.000 tỷ đồng...
Cắt lời bị cáo Nga, HĐXX cho rằng không xem xét đến việc mua 0 đồng của Ngân hàng Nhà nước đối với OceanBank, có chăng chỉ xem xét ở mối quan hệ khác. Do vậy, HĐXX đề nghị các luật sư không đề cập đến vấn đề này bởi đây là chính sách của nhà nước đối với Ngân hàng Đại Dương tại thời điểm đó...