Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Nguyên Thứ trưởng Bộ Nội vụ, TS Thang Văn Phúc: Công tác cán bộ, trọng yếu trong xây dựng chính quyền đô thị

Linh Nguyễn (ghi)
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Tại tọa đàm “Góp ý vào Dự thảo Văn kiện Đại hội đại biểu Đảng bộ TP lần thứ XVII” do báo Kinh tế & Đô thị tổ chức ngày 30/6, TS Thang Văn Phúc - nguyên Thứ trưởng Bộ Nội vụ khẳng định, đang có nhiều vấn đề rất mới đặt ra cho TP Hà Nội trong công tác cán bộ và xây dựng chính quyền cần cập nhật vào Dự thảo Văn kiện Đại hội.

 TS Thang Văn Phúc - nguyên Thứ trưởng Bộ Nội vụ 
Khẳng định được những bước chuyển vượt bậc
Đánh giá về những kết quả nổi bật trong việc nâng cao năng lực, hiệu quả hoạt động của hệ chống chính trị TP trong những năm qua của Đảng bộ TP, TS Thang Văn Phúc nhận định, Dự thảo có nêu nhận định nhiệm kỳ 2015 - 2020, “hiệu lực hiệu quả quản lý của chính quyền các cấp tại TP đã được nâng lên” là rất xác đáng.
Nhìn lại những khóa trước, kết quả cải cách hành chính của Hà Nội chưa bao giờ được xếp ở những vị trí đầu của cả nước, đây là điều rất đáng băn khoăn trong quá trình chỉ đạo vấn đề này của TP. Nhưng điều rất vui mừng trong nhiệm kỳ này, TP Hà Nội đã đi đầu trong thực hiện các chủ trương lớn về cải cách hành chính, nhất là trong thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng lần thứ XII và các Chương trình 01, Chương trình 08 của Thành ủy.
Đặc biệt, công tác tinh giản bộ máy của TP qua từng năm đều đạt những kết quả rất tích cực, với bước tiến rất đáng ghi nhận, nhất là nâng cao được vai trò của hệ thống chính quyền các cấp và thể hiện được vai trò trực tiếp của các cơ quan Đảng trong xây dựng phát triển đất nước. Nếu không có được điều đó, Hà Nội đã không đạt được thành công trong thời gian phòng chống dịch Covid-19 vừa qua.
Đáng chú ý, TS Thang Văn Phúc cho rằng, việc sắp xếp, tổ chức lại bộ máy tại TP nhiệm kỳ này, những kết quả tích cực được thể hiện ở cả hệ thống tổ chức cơ sở đảng, chứ không chỉ trong hệ thống chính quyền, trên tinh thần chấp hành nghiêm túc các chủ trương nghị quyết của T.Ư. Trong đó, việc tinh giản biên chế đã đạt hơn 10.000 cán bộ, hơn 200 phòng ban, đó là những con số thực tế rất có giá trị, bởi đưa một cán bộ công chức ra khỏi cơ quan nhà nước là việc không hề đơn giản.
Cùng đó, cách đánh giá cán bộ công chức của TP cũng thể hiện đang đi sâu vào đánh giá từng công việc của họ gắn với vị trí việc làm, thông qua những con số cụ thể, có sức thuyết phục cao. “Hà Nội đang đi vào chiều sâu của quá trình sắp xếp và tinh giản biên chế - là kết quả nổi trội của TP trong khóa này. Đồng thời, vai trò làm chủ của HĐND cũng được thể hiện mạnh hơn” - TS Thang Văn Phúc nhận định.
Hơn nữa, theo nguyên Thứ trưởng Bộ Nội vụ, vai trò của UBND các cấp tại TP, chất lượng của chính quyền địa phương trong nhiệm kỳ này cũng đã được nâng lên, thể hiện ở việc chuyển từ mục tiêu quản lý, “xin - cho” sang mục tiêu phục vụ; chính quyền ngày càng biết “nhận lỗi” về mình trước dân, không còn việc “chính quyền luôn đúng”. Nhận thức của đội ngũ lãnh đạo TP cũng có chuyển biến tích cực, thể hiện trách nhiệm, cầu thị, với những bước tiến sâu sắc, cụ thể hơn.
Xây dựng đội ngũ cán bộ, công chức chuyên nghiệp và tinh thông
Đề cập đến việc chuẩn bị triển khai thí điểm quản lý theo mô hình chính quyền đô thị tại Hà Nội, TS Thang Văn Phúc nhận định, trong bối cảnh TP mấy năm gần đây luôn đặt mục tiêu tạo chuyển biến mạnh mẽ, tích cực trong công tác quản lý, điều hành của hệ chống chính quyền các cấp và nâng cao chất lượng phục vụ của đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức và người đứng đầu cơ quan hành chính nhà nước, đồng thời Quốc hội đã thông qua đề án về thí điểm xây dựng chính quyền đô thị cho Hà Nội, vấn đề cán bộ vẫn phải được coi là cốt lõi và quan trọng nhất.
Trong các giải pháp cho nhiệm kỳ tới, cần xác định rõ công tác xây dựng chính quyền và phát huy vai trò của Thủ đô đúng với sứ mệnh của nó, để Hà Nội xứng tầm là một TP có vị trí đặc biệt. Thực tế, nhiều nhiệm kỳ qua, TP rất chú trọng khẳng định vị trí của mình đối với sự phát triển của đất nước.
Từ đó, TS Thang Văn Phúc đề nghị, trong nhiệm kỳ tới của Đảng bộ TP Hà Nội, cần tiếp tục xác định công tác xây dựng chính quyền và cải cách hành chính là nhiệm vụ trọng tâm. Để chấm dứt cơ chế “xin-cho”, khắc phục những kẽ hở của chính sách, rất cần có một đội ngũ quản trị tinh thông và chuyên nghiệp.
Đặc biệt, Hà Nội hoàn toàn có cơ sở để xây dựng mô hình chính quyền đô thị. Muốn vậy, trước tiên cần thay đổi ngay từ phương thức lãnh đạo của tổ chức Đảng, cần “mài sắc” hơn và gần gũi với Nhân dân hơn.
Cùng đó, khi sang thời kỳ phát triển mới, TP cần chuyển phương thức quản lý từ trực tiếp sang gián tiếp, hướng dẫn bằng pháp luật, bằng công nghệ cao, thay vì “cầm tay chỉ việc” như trước. Muốn vậy, cần chuẩn bị có được đội ngũ cán bộ quản trị ở các cấp có trình độ cho tương xứng với chức năng nhiệm vụ mới, kể từ chuyên môn nghiệp vụ cho đến trình độ tiếng Anh, công nghệ thông tin…
“Phải đặt trình độ cán bộ làm tiêu chí ngay từ khi bổ nhiệm, đào tạo trước chứ không bổ nhiệm vào vị trí đó rồi mới cử cán bộ đi học. Đã là công chức ở lĩnh vực nào thì phải chuyên nghiệp ở lĩnh vực đó, nhất là với những ngành có tính chuyên môn kỹ thuật. Không thể tiếp tục như hiện nay, nhiều cán bộ biết rất nhiều việc nhưng không biết sâu việc gì. Thành ủy nên rà soát lại để TP có đội ngũ thực sự chuyên nghiệp và tinh thông, thể hiện đúng vai trò của Thủ đô. Ngoài ra, HĐND TP cũng cần có tư duy mới về cách làm nghị quyết” - TS Thang Văn Phúc thẳng thắn góp ý.

"Trong nhiệm kỳ tới, việc xây dựng một chính quyền mạnh cần được Hà Nội xác định là nhiệm vụ trọng tâm. Muốn vậy, TP cần xây dựng được đội ngũ cán bộ, công chức vừa chuyên nghiệp vừa tinh thông, đáp ứng yêu cầu phát triển mới của Thủ đô. Ban Chấp hành Đảng bộ TP Hà Nội nên quan tâm, đưa vấn đề này vào Dự thảo Văn kiện." - Nguyên Thứ trưởng Bộ Nội vụ, TS Thang Văn Phúc