Nhà thơ, nhà báo Nguyễn Tiến Thanh |
Tôi nhớ lại những đêm thơ sinh viên (cuối những năm 80 đầu những năm 90 ở Hà Nội) thời đổi mới với sự tham gia của các nhà thơ và sinh viên các trường Đại học Sư Phạm, Đại học Tổng hợp văn (nay là Đại học KHXH&NV Hà Nội), Đại học Ngoại ngữ, Đại học Bách Khoa, Đại học Kinh tế Kế hoạch (nay là Đại học Kinh tế quốc dân), Đại học Kiến trúc, Đại học Xây dựng, Đại học Mỏ Địa chất... đã làm cho đời sống văn chương những năm ấy trở nên sôi động, thú vị hơn bao giờ hết. Trên diễn đàn các đêm thơ ấy, ngoài sự xuất hiện của những nhà thơ trận mạc nổi tiếng như: Phạm Tiến Duật, Thanh Thảo, Nguyễn Duy, Hoàng Nhuận Cầm, Bế Kiến Quốc, Nguyễn Trọng Tạo, Nguyễn Thụy Kha... là lớp nhà thơ hậu chiến chúng tôi như: Nguyễn Quang Thiều, Nguyễn Lương Ngọc, Nguyễn Việt Chiến, Trần Hòa Bình, Dương Kiều Minh, Nguyễn Linh Khiếu, Trương Nhân Huyền... rồi đến lớp nhà thơ sinh viên như: Nguyễn Tiến Thanh, Trần Quang Dũng, Nguyễn Hồng Hải, Nguyễn Đức Hạnh, Phạm Tường Vân, Đặng Thị Thanh Hương, Nguyễn Vĩnh Tiến, Đỗ Huy Chí, Lã Thanh Tùng, Ngọc Lê Ninh, Hoàng Liên Sơn, Trần Hưng... cùng nhiều gương mặt thơ trẻ. Trong những đêm thơ sinh viên ngày ấy, thơ và hoa và cả rượu đã làm nên chất men say thi hứng sáng tạo cho các nhà thơ trẻ hội nhập vào dòng thơ đương đại.
Có thể nói, với Nguyễn Tiến Thanh, cuộc đời cầm bút bắt đầu từ thi ca khi bài thơ đầu tiên anh viết năm 17 tuổi “Lục bát tuổi trăng tròn” với những câu thơ tình trong sáng, bịn rịn thuở mới yêu:
Em muời sáu tuổi hay chưa
Mà qua ngõ ấy ta ngơ ngẩn buồn
Chẳng còn ăn vụng phải đòn
Chắc là yêu vụng, phải lòng em đây
Thời gian trĩu nặng vai gầy
Ngửa bàn tay cứ tím đầy tương tư
Bây giờ em đã ngày xưa
Ai đi xa, biết có chừa làm thơ?
Nghe heo may khẽ sang mùa
Bờ sông nước cạn đò thưa mái chèo
Nghe lòng nắng chếch mưa xiêu
Hoang vu gió thổi nghiêng chiều, vắng em.
(Thơ Nguyễn Tiến Thanh-Lục bát tuổi trăng tròn-1985)
Ở tuổi sinh viên, thơ tình là một trường cảm xúc đầy ấn tượng và ám ảnh. Khi người ta yêu, với người thơ, cái để thở có lẽ không chỉ là không khí mà còn là cái đẹp. Và, dưới cái đẹp của đôi mắt huyền mùa thu, người thơ tự thấy mình chỉ là ngọn cỏ phiêu lãng trên cánh đồng tình yêu:
Đôi mắt huyền thăm thẳm những mùa thu
Ngọn cỏ úa như âm thầm chỉ lối
Anh ngoái lại - cả một mùa gió thổi
Một mùa mây trôi qua tuổi học trò
Em ngước nhìn sao mắt đã âu lo
Màu bão tố thay sắc huyền yên ả
Em có biết rằng em là gió lạ
Thổi rạp đời anh - ngọn cỏ mùa thu.
(Thơ Nguyễn Tiến Thanh- Đôi mắt huyền và ngọn cỏ mùa thu-1987)
Với 2 tập thơ vừa in, ta có thể thấy rõ thơ Nguyễn Tiến Thanh chia làm hai chặng thơ khá rõ rệt. Chặng thứ nhất 1985-1989 là những bài thơ viết về những kỷ niệm, những mối tình thuở sinh viên với giọng thơ đầy ắp cảm xúc trữ tình và thi điệu trong sáng, ngọt ngào
Ở chặng thơ đầu, trong tập thơ “Chiều không tên như vết mực giữa đời” có một số bài thơ tình tuổi sinh viên của Nguyễn Tiến Thanh hiện lên lấp lánh và thấp thoáng giai điệu, hình ảnh cùng cách lập tứ mang phong cách của nhà thơ Hoàng Nhuận Cầm “Vua thơ tình sinh viên” với những câu thơ mê đắm, giầu tính mỹ cảm:
Ngày tìm em mây tím cuối chân trời
Nên có lẽ mùa thu đừng đến nữa
Trong giông bão tim một lần hóa lửa
Anh một lần xưng tội với mình thôi...
Với cỏ cây xao xác một thời
Thơ ấu khóc cánh diều rơi cuối bãi
Thưong nhớ cũ đứt ngang chiều tuổi dại
Mây trắng trời, khôn lớn trắng bàn tay
Nghe thầm thì hơi gió trở heo may
Em chợt đến trong đời không hẹn trước
Bông cúc trắng - mặt trời thu phiêu bạt
Anh yêu em - điều đó dĩ nhiên rồi
Số phận chát chua, số phận ngọt ngào
Anh đã nếm trong tận cùng cơn khát
Anh đã xây những lâu đài trên cát
Vỡ tan tành hạnh phúc vẫn từng mong
Anh đã trông bảy sắc cầu vồng
Rơi trên đất trong một chiều không nắng
Trong mỗi cơn mơ phút - giờ - năm - tháng
Anh yêu em - điều đó dĩ nhiên rồi
(Thơ Nguyễn Tiến Thanh- Điều đó dĩ nhiên rồi)
Chỉ với bài thơ tình nói trên, Nguyễn Tiến Thanh xứng đáng là một trong số những “Truyền nhân xuất sắc của thơ Hoàng Nhuận Cầm”. Cái nhịp thơ 8 chữ huyền ảo với những rung động tinh tế về mặt cảm xúc và khắc họa ấn tượng về mặt hình ảnh chính là một điệu du ca của các “nhà thơ quảng trường” cách đây mấy chục năm với những bài thơ khiến cho nhiều độc giả lên cơn “sốt thơ” say đắm trong các đêm thơ sinh viên ngày ấy:
Giờ còn gì trong ngôi nhà mùa thu?
Em đi vắng, ta thì không đến kịp
Nốt nhạc trầm như lá du cư
Thổi tắt nến một chiều sinh nhật.
Có thể bởi ngôi nhà mùa thu chật
Làm sao nguôi cơn đói chân trời ?
Quả đất rộng - tha hồ em cứ hát
Một ngàn lời nông nổi gió mây trôi
Một ngàn lời mê mải bước rong chơi
Em cứ hát mênh mang đầy tuổi dại
Nốt nhạc tròn lăn qua lòng tay
Hương đọng mật trên môi hồng mười bảy
Thì ta sợ một ngày em trở lại
Con chim xanh tha hạt bay rồi
Cả hạnh phúc ngọt đường dễ dãi
Vỡ trong đời như một giấc mơ thôi
Khi ấy, cuối một mùa nắng rớt
Ngày đi qua - chiều thăm thẳm chân trời
Quả đất rộng - tha hồ em cứ khóc
Ngôi nhà mùa thu khép cửa lâu rồi....
(Thơ Nguyễn Tiến Thanh- Ngôi nhà mùa thu)
Nhìn lại những trang thơ thời tuổi trẻ của mình, nhà thơ Nguyễn Tiến Thanh cũng rất khiêm tốn khi giãi bày: “Đôi khi, mình vẫn nằm mơ về thời đi học ở khoa Văn, rượu say chất ngất, vĩ cuồng trên mây, cả ngày không làm gì, chỉ làm mỗi... thơ và bàn toàn những chuyện viển vông, xa rời thế sự. Và cũng vì những giấc mơ đong đầy niềm nhớ ấy, được sự động viên của bạn bè, tôi ấp ủ ý định tập hợp những bài thơ viết và đọc trong những đêm thơ ở rất nhiều trường đại học và những sân khấu lớn nhỏ của “thời đại thơ quảng trường” trong giới sinh viên Hà Nội thập niên 80 - 90 thế kỷ trước, để xuất bản thành tập thơ tái hiện một quãng đời.
Hầu hết những bài thơ còn đôi chỗ vụng dại nhưng tinh khôi với rất nhiều đại ngôn ngày ấy ra đời trong những cuộc rượu “luận anh hùng” bất tận ở ký túc xá Mễ Trì - “tuyệt tình cốc” của sinh viên khoa Văn Đại học Tổng hợp Hà Nội. Chính vì vậy, “Chiều không tên như vết mực giữa đời” là sản phẩm của một cuộc lục tìm trong ký ức và sổ tay, với rất nhiều lần sửa chữa, nhiều dị bản khác nhau”.
Ở chặng đường thơ đầu tiên này của Nguyễn Tiến Thanh, thật thú vị có một số bài thơ đã ghi dấu sự chuyển đổi của dòng thơ trữ tình ký ức sang dòng thơ trữ tình thế sự mà bài thơ “Sân ga chiều đừng mưa” là một điểm nhấn:
Sân ga chiều đừng mưa nữa mưa ơi
Cho ướt áo run vai gầy của mẹ
Đường mấy ngả qua thời gian dài thế
Nẻo thời gian mẹ đợi những con tàu
Nước chè xanh đây, ai thuốc lá nào
Mẹ khan giọng sân ga chiều rộng quá
Ta đứng đó hóa người không xa lạ
Đường ray dài trong tít tắp niềm đau
Sẽ chẳng bao giờ ai hiểu hết được đâu
Giọt nước mắt mẹ rơi giữa ngày chiến thắng
Mây đã trắng khăn tang chồng chết trận
Trăm cuộc đời chung một hướng Vọng phu
Sẽ chẳng bao giờ sân ga nhỏ hết mưa
Như đời mẹ bao giờ vơi nỗi khổ
Con của mẹ lớn lên từ bão gió
Muôn đèn đường đốt đỏ tuổi 20
Hạnh phúc chắt chiu từng giọt mưa rơi
Mẹ khao khát tim gầy không đủ chứa
Con giờ ở cách xa ngàn hải lý
Ngóng hoàng hôn hun hút bóng chân trời
Chiều sân ga mẹ khan tiếng rao mời
Ta như kẻ vô tình ta đứng đó
Chợt thấu hiểu nỗi đau mình bé nhỏ
Dẫu ngày mai em hát lý qua cầu..,
Nước chè xanh đây, ai thuốc lá nào
Thương bóng mẹ nhạt nhòa chiều ga lẻ
Cuối ngọn gió - thơ tình - ta đã xé
Cho một thời tuổi dại gấp tàu bay.
Sân ga chiều đừng mưa nữa mưa ơi...
(Thơ Nguyễn Tiến Thanh- Sân ga chiều đừng mua- 1988)
Trong bài thơ trên, Nguyễn Tiến Thanh đã xác định thơ của mình sẽ phải lật sang trang mới với tư cách “Nhà thơ công dân”, “Nhà thơ thế sự” sau những bài thơ tình hồn nhiên, trong sáng của tuổi sinh viên. Và, chặng đường thơ thứ hai của anh với tập thơ “Loạn bút hành” ra đời.