2 tập thơ của nhà văn, nhà báo Nguyễn Tiến Thanh |
Có thể nói với tập thơ này, thơ anh đã bước sang một trường thi ngôn và thi tứ mới với những sáng tạo bất ngờ về mặt ngôn ngữ và có những phát hiện mới lạ về mặt hình tượng thơ mà bài thơ “Loạn bút hành” viết năm 1990 (theo thể hành của thơ Trung Hoa cổ) đã mở đầu cho giai đoạn này:
Ta chẳng dại gì như Kinh Kha
Nhưng cũng điêu linh lúc nhớ nhà
Người xưa chống kiếm qua sông Dịch
Ta vung bút loạn bến Thương hà
Dẫu có một đi không trở lại
Thì ta, hề, uống mắt môi xưa
Ngàn lau đã trắng trời quan ải
Em ở đâu, hề, không tiễn đưa
Em ở đâu trời mưa đã thưa
Ly biệt vô ngôn thi nhất tự
Lê minh đoạn trường, tà dương du tử
Ta qua mùa nhớ ném thi cầm
Thì em cứ hát lời đơn bạc
Người đi chí lớn vẫn cơ hàn
Ta vốn chẳng thèm kiêng gió cát
Đầu trần đi giữa nắng nhân gian
Th ì sông cứ chảy như ngày ấy
Có một người đi chẳng trở về
Gió bấc thổi, hề, sông Dịch lạnh tê
Tráng sĩ một đi, ta ngoảnh lại:
Môi chiều
Tóc mộng
Mắt sơn khê.
(Thơ Nguyễn Tiến Thanh- Loạn bút hành-1990)
Ở bài thơ trên, vẫn phong thái hào hoa trong câu chữ ở thể trữ tình nhưng vẻ lãng tử, đậm chất thi sĩ của anh đã có những lập ngôn ban đầu về mặt tư tưởng. Bài thơ này đã ghi dấu sự bứt phá để làm nên một diện mạo mới khi anh thoát khỏi trường thi hứng là một “truyền nhân xuất sắc của thơ Hoàng Nhuận Cầm” ở giai đoạn trước. Có thể nhận ra, Nguyễn Tiến Thanh đã từng bước hóa giải sự ảnh hưởng này bằng chính những bài thơ lục bát với cách lập tứ thơ khá độc đáo như bài “Đưa” dưới đây:
Đưa Quen về cuối con đường
Nghe hun hút gió vô thường trong tim
Đưa Thương về cuối cô miên
Tóc mưa thăm thẳm rủ trên siêu hình
Đưa Yêu về cuối yên bình
Một ngây thơ, vỡ muôn tình thanh tân
Đưa Đau về cuối bâng khuâng
Tháng hoang mang đợi, ngày phân vân chờ
Đưa Quên về cuối con đò
Gặp mây trắng chở câu hò sang ngang
Đưa Thơ về cuối mênh mang
Lục bình ơi, có nhớ tràng giang xưa...
Đưa Em về cuối cơn mưa
Cỏ hoang lối cũ đã thưa vắng rồi
Đưa Tôi về cuối chân trời
Dòng sông tuổi dại đã vời vợi xa...
(Thơ Nguyễn Tiến Thanh- Đưa – 2012)
Thơ Nguyễn Tiến Thanh vốn giầu nhạc điệu và anh luôn hướng đến những khám phá vẻ đẹp mới của thi ca về mặt âm nhạc, âm điệu và thơ lục bát của anh thường tạo ra ấn tượng mới lạ về mặt nhịp điệu thơ và ý tưởng thơ:
Ta chôn vực thẳm ven đời
Gieo thơ lục bát ngang trời thị phi
Nhớ là quên, đến là đi
Chắc mây vẫn trắng bởi vì mây bay
Đã nghe gió bấc lưu đày
Hanh hao tóc úa dọc ngày chớm đông
Tỉnh là mê, sắc là không
Chốn nhân gian có nâu sồng cõi tu?
Trĩu vai một gánh sương mù
Nát tim từng giọt mưa phù vân rơi
Thấy ngày mai lững thững trôi...
(Thơ Nguyễn Tiến Thanh- Bởi vì mây bay)
Trong bài thơ trên, câu thơ ngạo nghễ “Ta chôn vực thẳm ven đời/Gieo thơ lục bát ngang trời thị phi” cho thấy nhịp điệu phóng túng của tâm hồn thi sĩ đã mở ra trường thi cảm mới để gọi mời gọi những câu thơ ám ảnh tiếp theo: “Trĩu vai một gánh sương mù/ Nát tim từng giọt mưa phù vân rơi”. Tưởng chừng, có nhiều lúc với lục bát thơ, Nguyễn Tiến Thanh đã tung hoành ngang dọc như một hiệp sĩ trong phim chưởng với những câu thơ kiểu “hoa bay, tuyết rụng” ngay cả khi anh viết về một đề tài hiện đại như bài thơ “Facebook (1)” dưới đây:
Người về chém gió trên “phây”
Th ì ta tóc xoã ngang mây cuối đèo
Tháng năm trôi, lá bay vèo
Post lên mực tím ngập chiều phố xưa...
Người về nắng tắt, mưa thưa
Những comment cắt qua mùa không tên
Nhớ nhiều thêm, để mà quên
Tuổi hoa niên héo trên thềm heo may...
Người về úa tóc, run tay
Th ì ta áo trắng cũng phai bụi đời
Thiên thu lạc lối chân trời
Ngàn năm khất thực những lời trăm năm?
(Thơ Nguyễn Tiến Thanh- Facebook 1)
Với những bài thơ lục bát kiểu trên, chất lãng tử - du tử trong thơ Nguyễn Tiến Thanh đã đưa anh vào một cuộc chơi ngôn ngữ của nghệ thuật thi ca như anh từng trải lòng về cuộc hành hương trong tâm hồn để phụng thờ nghệ thuật trong những lời tự sự sau đây: “Đây là tôi, hòa hợp của đọa đầy và yêu thương. Sự hiện diện của tôi trên cõi nhân thế này là một cố gắng của tạo hóa để bù đắp vào những thiếu hụt bao la của CON NGƯỜI. Cuộc đời tôi nhuộm màu lữ thứ, bởi vì tôi mãi mãi kiếm tìm. Sự kiếm tìm ấy không phải hành trình đến với Chúa, cũng không phải bước đi dò dẫm nhưng điên cuồng của sa ngã kêu gọi, mà đó là cuộc hành hương trong tâm hồn, trong ý tưởng để đến với bản thể chân chính của tôi với sự phụng thờ duy nhất là NGHỆ THUẬT.
Tôi đi tìm hạnh phúc trong nỗi buồn và tôi nhận đau khổ trong niềm vui, để rồi tôi sẽ cào xé cuộc đời này để tự mình phải quằn quại, đớn đau. Bởi kiếp nhân sinh này mới ngắn ngủi làm sao, cũng như đám mây trắng bồng bềnh từ viễn xứ kia phải đâu là tồn tại vĩnh hằng? Sẽ đến ngày nó tan ra thành mưa bụi mà thôi. Chỉ có thời gian là vĩnh cửu, và thời gian là nguyên nhân dẫn đến sự không vĩnh viễn của thế giới. Và ước nguyện duy nhất của tôi là được hòa nhập vào thời gian, để cuối cùng không thể nhận biết được tôi là ai. Có chăng chỉ có thể nhận biết được dấu vết của tôi, như chỉ có thể nhận biết được dấu vết của thời gian vậy”.
Đáng chú ý, trong tập thơ “Loạn bút hành” của Nguyễn Tiến Thanh có 5 bài thơ viết theo thể thơ văn xuôi, từ Đoản khúc 1 tới Đoản khúc 5 với các tựa đề: “Ngủ quên trên vai áo hoàng hôn”; “Giác ngộ trong cơn đói chân trời”; “Vu vơ”; “Chốn cũ”; “Mưa bụi”. Theo tôi, khi viết những Đoản khúc này, anh đã dấn thân vào cuộc đời làm báo với những thăng trầm, từng trải, thành công cũng nhiều mà dằn vặt trong tâm hồn cũng không ít. Ở Đoản khúc 1 có tựa đề “Ngủ quên trên vai áo hoàng hôn”, anh chợt nhận ra sau những trải nghiệm, phiêu bạt của cuộc đời, các rung động thi sĩ trong tâm hồn mình như cánh đồng sau mùa gặt với những cuống rạ cảm xúc bị cắt sát gốc. Đây là một thử thách lớn đối với các nhà thơ-nhà báo trong thời đại “Bão lốc thông tin của các loại hình thời Internet”, nếu như họ không nuôi dưỡng được tình yêu cuộc sống, tình yêu con người, tình yêu thiên nhiên trong tâm hồn mình thì e rằng thiên chức thi sĩ và khát vọng phụng sự nghệ thuật của họ chỉ còn là những tiếng kêu lạc lõng trên các trang thơ:sinh này mới ngắn ngủi làm sao, cũng như đám mây trắng bồng bềnh từ viễn xứ kia phải đâu là tồn tại vĩnh hằng? Sẽ đến ngày nó tan ra thành mưa bụi mà thôi. Chỉ có thời gian là vĩnh cửu, và thời gian là nguyên nhân dẫn đến sự không vĩnh viễn của thế giới. Và ước nguyện duy nhất của tôi là được hòa nhập vào thời gian, để cuối cùng không thể nhận biết được tôi là ai. Có chăng chỉ có thể nhận biết được dấu vết của tôi, như chỉ có thể nhận biết được dấu vết của thời gian vậy”.
“Sau rất nhiều phiêu bạt
Mệt mỏi vì rong chơi, vụt hiện và giác ngộ:
Đáy tim mình như cánh đồng sau mùa gặt
Những cuống rạ cảm xúc bị cắt sát gốc
Và giấc ngủ như một niềm cứu rỗi...
(Thơ Nguyễn Tiến Thanh-Ngủ quên trên vai áo hoàng hôn”)
Theo tôi, sau hơn 30 năm cầm bút, với Nguyễn Tiến Thanh, có lẽ “Thơ sẽ là định mệnh, còn Báo chắc là định danh”. Anh đã có thành công với nhiều dấu ấn khá năng động ở các tờ báo thời đổi mới khi đã từng được coi là “Vua báo thị trường”. Và, hơn ai hết, anh cũng đã nhận ra sự “Thoái trào” nghiệt ngã của báo giấy những tháng năm này khi nhận định: “ Với cảm nhận của cá nhân tôi, làm báo thời internet là trải nghiệm một niềm đau dằng dặc khi phải loay hoay thích nghi với những thủ thuật công nghệ xa lạ, hoàn toàn không liên quan gì đến những tri thức về chữ nghĩa được đào tạo và tích lũy qua năm tháng. Còn sự hành hạ nào tàn nhẫn hơn đối với người cầm bút khi thay vì được thăng hoa trong ngôn từ, cách hành văn và lối diễn đạt, kể chuyện để tăng giá trị của bài viết, để đưa thông tin đến bạn đọc một cách hấp dẫn, có quan điểm và góc nhìn riêng thì họ lại phải vùi đầu vào những thao tác kỹ thuật nhàm chán. Và Tượng đài sâm nghiêm, oai hùng trong lòng bạn đọc - vốn được bền bỉ và nhọc nhằn xây dựng qua thời gian bằng đức liêm chính, sự quả cảm, lòng trung thực và tính chuyên nghiệp của báo chí - cơ hồ sụp đổ bởi sự ra đời của internet, và tiếp sau đó là sự ra đời của mạng xã hội”.
Qua sự trải lòng nói trên với tư cách nhà báo, ta thấy những trăn trở, dằn vặt của Nguyễn Tiến Thanh đã phần nào khắc họa được chân dung báo chí những tháng năm này. Và, bài thơ “Suy tưởng” sau đây của anh, phải chăng cũng chính là một sự “giác ngộ” của một trái tim thi sĩ:
Những giấc mơ và các vì sao
Đều mọc lên trong đêm và đều... huyễn hoặc.
Trái đất
Bị truyền nhiễm bởi các nhà thơ và triết gia
Vùi đầu vào những giấc mơ
Ngửa mặt ngắm các vì sao
Quên nhìn xuống đất.
Sớm nay khi tôi thức dậy
Giấc mơ tan biến, và các vì sao đã tắt
Chỉ còn bình minh cô độc trong nỗi đau rớm máu mặt trời
Của những tia nắng đầu tiên
Hôm nay có thể một triệu người sẽ mất đi hy vọng
Bởi những lời nói dối về những giấc mơ và các vì sao
Các vì sao không đủ sang để thắp lên minh giác
Giấc mơ chỉ là một tên gọi khác của hư vô
Thế giới đã hết xanh non, chỉ còn mộ địa
Nhưng tôi biết
Tôi còn tin và tôi còn suy tưởng
Bởi vì
Vẫn có những giấc mơ và vẫn có các vì sao.
(Thơ Nguyễn Tiến Thanh- Suy tưởng-18/4/2020)
Nếu có một góp ý cho 2 tập thơ “Loạn bút hành” và “Chiều không tên như vết mực giữa đời” của Nguyễn Tiến Thanh, tôi cho rằng: Anh nên tránh sự lạm dụng những vốn từ cũ và cần phải “Làm mới” quỹ từ - vựng - thi - ngôn của mình bằng sự phát hiện những từ mới, những con chữ mới, những câu thơ mới, những vần điệu mới, những hình ảnh mới, những nhạc điệu mới, những ý tưởng mới... trong một trường mỹ cảm mới.