Báo Kinh tế & Đô thị trân trọng trích bài viết về nguyên Tổng Bí thư Đỗ Mười của đồng chí Phan Trọng Kính - Trợ lý nguyên Tổng Bí thư Đỗ Mười. Bài viết được trích từ cuốn sách “Đồng chí Đỗ Mười - Dấu ấn qua những chặng đường lịch sử” (Nhà xuất bản Chính trị Quốc gia - 2012).
Năm 1972, sau khi tốt nghiệp Trường Đại học Xây dựng Mátxcơva về nước, tôi được phân công về Bộ Хây dựng - nơi trước đây tôi đã từng công tác. Hồi ấy, tôi là một cán bộ kỹ thuật phụ trách thi công một số công trình tại Hà Nội.
Trở về Bộ Xây dựng (trước đây gọi là Bộ Kiến trúc), tôi được bộ phân công về Cục Quản lý thi công, chuyên theo dõi và kiểm tra thi công các công trình đang Xây dựng. Ít tháng sau, tôi lại được bộ điều động lên giúp việc cho đồng chí Đỗ Mười - Phó Thủ tướng Chính phủ kiêm Bộ trưởng, với danh nghĩa là thư ký riêng. Thư ký riêng mà bộ giao trách nhiệm là không những quán xuyến công việc chung ở bộ mà còn quản lý các tài liệu mật của Đảng, Chính phủ thuộc chức trách của đồng chí Đỗ Mười đảm nhiệm lúc bấy giờ.
Có thể nói, từ ngày được phục vụ đồng chí Bộ trưởng, tôi thấy đồng chí có cường độ làm việc rất phi thường: Một ngày làm việc của đồng chí không phải là 10 tiếng mà thường xuyên là 16 - 17 tiếng. 4 giờ sáng đồng chí đã dậy ngồi vào bàn đọc sách; đến 6 giờ nghe tin tức các đài trong và ngoài nước; 7 giờ sáng tập thể dục; ăn sáng xong là lên xe đến công sở làm việc.
Nhiều hôm, đồng chí làm việc đến quá 12 giờ trưa mới nghỉ. Trưa về, ăn cơm xong là đồng chí ngồi vào ghế tựa nghe tin tức trong nước và thế giới qua băng cátxét mà Thông tấn xã Việt Nam thu để phục vụ các đồng chí lãnh đạo. Buổi chiều không những về muộn mà nhiều hôm đồng chí còn nói với Văn phòng triệu tập các cuộc họp tối, có khi mãi đến quá 11 giờ mới nghỉ. Hầu như tuần nào cũng có hai, ba cuộc họp như vậy.
Trải qua năm tháng, kể từ ngày được bộ điều động lên giúp việc cho đồng chí Đỗ Mười đến nay đã gần 40 năm, tôi đã đi theo đồng chí không biết bao nhiêu cơ quan, công trường, nhà máy, các địa phương trong và ngoài nước; dự không biết bao nhiêu cuộc họp từ cơ sở cho đến các bộ, các ngành và Trung ương; thấu hiểu hoàn cảnh và sinh hoạt gia đình cũng như cuộc đời hoạt động cách mạng đầy sóng gió của đồng chí. Tôi nhận thấy một điều là đồng chí làm việc hết sức mình vì Đảng, vì dân, không quản ngày đêm, giờ giấc, không bao giờ mảy may nghĩ đến cá nhân mình, dù là một việc nhỏ. Những nơi nào nóng bỏng nhất, những công việc nào khó khăn nhất là đồng chí đều có mặt.
Sau Cách mạng Tháng Tám năm 1945, đồng chí đã được Đảng giao nhiệm vụ Bí thư Tỉnh ủy các tỉnh Hà Đông, Hà Nam, Ninh Bình, phụ trách Hòa Bình, Bí thư kiêm Chủ tịch Ủy ban Kháng chiến tỉnh Nam Định, Phó Bí thư Liên khu ủy III, Phó Chủ tịch ủy ban kháng chiến hành chính Liên khu III, Tư lệnh Liên khu III, Bí thư kiêm Chủ tịch ủy ban Kháng chiến hành chính và Chính ủy Bộ Tư lệnh Khu Tả Ngạn sông Hồng, Bí thư Thành ủy kiêm Chủ tịch ủy ban quân quản TP Hải Phòng.
Sau hòa bình lập lại, năm 1955, đồng chí được Đảng phân công phụ trách Bộ Nội thương, ủy ban Vật giá Nhà nước, Trưởng phái đoàn Thanh tra Chính phủ, ủy ban Kiến thiết cơ bản Nhà nước, Phó Chủ tịch Hội đồng Chi viện tiền tuyến Trung ương, Trưởng Ban chống phong tỏa cảng Hải Phòng, Phó Thủ tướng phụ trách các bộ: Xây dựng, Công nghiệp, Vật tư... Công việc nào được Đảng phân công, đồng chí đều ngày đêm đem hết sức mình để hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao.
Ông Phan Trọng Kính đọc báo cho nguyên Tổng Bí thư Đỗ Mười nghe. Ảnh chụp tháng 2/2016. Ảnh: Phạm Hải/VNN |
Là một vị Tư lệnh và Chính ủy các quân khu vùng đồng bằng Bắc Bộ, đồng chí đã chỉ huy đập tan các cuộc càn quét lớn của thực dân Pháp hồi năm 1949 - 1950 tại các tỉnh Thái Bình, Hưng Yên, Hải Dương,...; chỉ huy trận tập kích vào sân bay Cát Bi đốt cháy hàng chục máy bay địch.
Là Phó Thủ tướng suốt 20 năm, đồng chí được giao giải quyết nhiều công việc quan trọng: Chống chiến tranh phá hoại của đế quốc Mỹ, giải tỏa cảng Hải Phòng, chi viện cho miền Nam... rồi chỉ huy chống bão lụt và thường xuyên lăn lộn trên các công trường trọng điểm của Nhà nước.
Là Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng, đồng chí đã giải quyết nhanh chóng nạn lạm phát phi mã hồi năm 1988 - 1989; xóa bỏ bao cấp, xóa bỏ nạn ngăn sông, cấm chợ, đưa hai giá về một giá; góp phần quan trọng xây dựng Cương lĩnh năm 1991 và Chiến lược kinh tế - xã hội 10 năm (1991 - 2000). Đồng chí đã đề xuất với Bộ Chính trị và Quốc hội nhiều ý kiến quan trọng trong việc xây dựng các chính sách lớn của đất nước.
Là Thường trực Ban Bí thư, đồng chí đã nhanh chóng chỉ đạo kịp thời việc quản lý khu vực biển đảo Trường Sa, Hoàng Sa của Tổ quốc sau ngày giải phóng đất nước năm 1975.
Khi đồng chí được bầu làm Tổng Bí thư cũng là lúc Liên Xô và các nước xã hội chủ nghĩa Đông Âu sụp đổ, tình hình kinh tế - xã hội của đất nước lúc này đầy rẫy những khó khăn. Điều đầu tiên, đồng chí đã cùng Bộ Chính trị lãnh đạo ổn định tình hình chính trị và tư tưởng của cán bộ, đảng viên và nhân dân, kiên quyết giữ vững con đường xã hội chủ nghĩa mà Đảng và Bác Hồ đã lựa chọn, tiếp tục công cuộc đổi mới, mở rộng quan hệ với các nước, bình thường hóa quan hệ với Trung Quốc, với Hoa Kỳ, chủ động gia nhập ASEAN và thu được nhiều thắng lợi trong xây dựng và phát triển kinh tế, củng cố quốc phòng, giữ vững an ninh và trật tự xã hội cũng như trong sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa nước nhà.
Những đề xuất như xây dựng Quy chế dân chủ ở cơ sở, phong tặng danh hiệu vinh dự Nhà nước Bà mẹ Việt Nam anh hùng...; những câu nói nổi tiếng như: "Đổi mới không đổi màu”, "Hội nhập không hòa tan" hoặc "xóa bỏ mặc cảm, xóa bỏ hận thù, khép lại quá khứ, nhìn về tương lai" hoặc "Việt Nam là bạn, là đối tác tin cậy với tất cả các nước trên thế giới",v.v. đều xuất phát từ thực tế khi đồng chí tiếp xúc với đồng bào, đồng chí hoặc các nhà lãnh đạo, chính khách nước ngoài.
…
Về công tác đối ngoại, tiếp xúc với các nhà ngoại giao, các nguyên thủ, các chính khách nước ngoài... đồng chí luôn giữ một thái độ thẳng thắn, cởi mở, chân tình, tự tôn dân tộc; một tư thế đĩnh đạc, đàng hoàng, chủ động, có sức thuyết phục, gây được cảm tình đối với bạn bè quốc tế.
…
Cũng như vấn đề công nghiệp hóa, hiện đại hóa, vấn đề giáo dục - đào tạo là vấn đề mà đồng chí luôn quan tâm. Đồng chí coi phát triển giáo dục và đào tạo là quốc sách hàng đầu, là động lực quan trọng thúc đẩy công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước, là điều kiện để phát huy nguồn lực con người - yếu tố cơ bản để phát triển xã hội, tăng trưởng kinh tế nhanh và bền vững.
Khi còn đương chức, đồng chí thường dành thời gian về thăm các trường từ mầm non, tiểu học, trung học, cao đẳng và đại học, đặc biệt là trường sư phạm. Dạo ấy, sinh viên Trường Đại học Sư phạm thường kháo nhau: "Ăn như sư, ở như phạm", nghĩa là ăn uống thì kham khổ, đạm bạc như sư, còn nơi ở thì cũ nát, chật hẹp như nhà tù. Nghe thấy vậy, đồng chí liền đến thăm Trường Đại học Sư phạm Hà Nội. Quả thực là sau chiến tranh, các nhà trường của chúng ta nói chung và Trường Đại học Sư phạm Hà Nội nói riêng ở trong tình trạng thiếu thốn mọi bề: trường lớp chật hẹp, cơ sở vật chất và trang bị kỹ thuật nghèo nàn. Lúc bấy giờ đang là Phó Thủ tướng, đồng chí về báo cáo với Thủ tướng Phạm Văn Đồng là nên đầu tư thích đáng cho ngành giáo dục.
Chính sự quan tâm đúng mức đó mà ít lâu sau trường Đại học Sư phạm Hà Nội đã được mở mang thêm. Từ trường học cho đến ký túc xá của sinh viên đều được cải thiện đáng kể. Sau Trường Đại học Sư phạm là Trường Đại học Y khoa Hà Nội và một số trường khác cũng được đồng chí quan tâm như vậy.
Trên đây là một vài nét về đạo đức cách mạng cần, kiệm, liêm, chính, chí công vô tư và tấm lòng vì Đảng, vì dân của Thủ trưởng tôi. Nếu kể cho hết cả quá trình 70 năm hoạt động cách mạng, cả những việc mà đồng chí đã làm, đã kinh qua thì nhiều lắm, không sao kể hết.
Gần 40 năm được vinh dự phục vụ đồng chí Đỗ Mười, tôi đã học tập ở đồng chí rất nhiều. Điều đầu tiên là đức tính cần, kiệm, liêm, chính, chí công vô tư và tấm lòng trong sáng, đầy nhiệt huyết đối với nhân dân, với đất nước ở đồng chí.
* (Tiêu đề bài viết do báo Kinh tế & Đô thị đặt lại)