Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Nguyên Tổng Bí thư Đỗ Mười và câu chuyện quyết liệt, nhạy bén trên mặt trận chống lạm phát

Kinhtedothi.vn
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - “… ghế tôi đây là ghế nóng 220V, đúng, cực nóng, anh nào muốn vào ngồi tôi đứng dậy ngay. Nghe anh trình bày, tôi thấy đề án của anh có nhiều điểm cũng như trong suy nghĩ của tôi, tôi ủng hộ. Tôi sẽ cho thí điểm ở Hải Phòng”.

Báo Kinh tế & Đô thị trân trọng trích bài viết về nguyên Tổng Bí thư Đỗ Mười của đồng chí Võ Đại Lược, nguyên Viện trưởng Viện Kinh tế thế giới. Bài viết trích từ cuốn sách “Đồng chí Đỗ Mười - Dấu ấn qua những chặng đường lịch sử” (Nhà xuất bản Chính trị Quốc gia - 2012).
Đồng chí Đỗ Mười thăm HTX Cơ khí Đồng Tâm, quận Gò Vấp, TP Hồ Chí Minh năm 1989

Năm 1988, khi ông Đỗ Mười làm Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng, tình hình lạm phát rất nguy kịch, lên tới ba con số một năm. Đời sống nhân dân khó khăn, giá cả tăng liên tục, kinh tế đình đốn, hàng hóa khan hiếm. Nếu không cương quyết kiểm soát lạm phát chắc sẽ rất khó tiếp tục công cuộc đổi mới, ông phải vào cuộc đương đầu với cơn sốt lạm phát.
Trên bàn của ông lúc đó có hơn 40 đề án chống lạm phát, thậm chí cả đoàn chuyên gia kinh tế Liên Xô sang giúp đỡ cũng có một đề án.
Tôi còn nhớ, người khởi xướng đổi mới là ông Trường Chinh (1986), nhưng sự đổi mới vẫn vướng khuôn khổ kinh tế kế hoạch, chế độ bao cấp, dù bước đầu đã chuyển sang kinh tế hàng hóa.
Năm 1989, tôi là Viện trưởng Viện Kinh tế thế giới, được phân công làm Tổ trưởng Tổ Nghiên cứu chống lạm phát của Ủy ban Khoa học xã hội. Tổ cũng đã có dự án chống lạm phát. Nhưng tôi đã không tán thành quan điểm của bản dự án đó và viết riêng một dự án khác.
Tôi được anh Lê Đức Thúy, thư ký của ông Đỗ Mười, thông báo là ông muốn nghe tôi trình bày đề án chống lạm phát.
Nhận được tin này, thực lòng tôi hơi ngại, vì nghĩ khó thuyết phục được ông Mười. Trước đó ông đã có những báo cáo viết theo tinh thần kinh tế bao cấp, tôi có cảm giác ông sẽ khó đồng ý với dự án của tôi.
Đây là lần đầu tiên tôi được làm việc riêng với ông Đỗ Mười. Khi tôi đến Văn phòng Chính phủ, ông đã ngồi chờ tôi, trông ông rất bình dị, gần gũi. Hôm đó trời nóng, không có máy điều hòa, ông vẫn mặc bộ quần áo bộ đội.
Ông đứng lên và chỉ chỗ cho tôi ngồi, rồi ân cần mời tôi uống nước. Tôi có ấn tượng ban đầu rất tốt về ông. Ông Mười bắt vào câu chuyện luôn:
- Tôi được biết anh mới hoàn thành đề án về vấn đề chống lạm phát ở Việt Nam, tôi muốn nghe anh trình bày.
Lúc đó tôi cũng hơi hồi hộp, vì tôi biết ông đã được nghe trình bày quá nhiều đề án rồi, nhưng tôi vẫn sẵn sàng:
- Tôi hết sức vui mừng, vinh dự được trình bày với Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng đề án này, vì đây là vấn đề hết sức bức xúc, mức lạm phát đã lên 9% một tháng.
Ông khích lệ: - Anh cứ nói thoải mái, hôm nay chỉ có một mình tôi làm việc với anh.
Ông lấy cuốn sổ và cái bút sẵn sàng chăm chú nghe tôi trình bày. Khi tôi trình bày ông tỏ ra rất hào hứng lắng nghe, chỉ ghi chép rất ít vì ông có trí nhớ rất tuyệt vời. Ông cho phép tôi trình bày từ đầu đến cuối không hề hỏi lại.
Sau khi tôi trình bày xong, ông nói:
- Tôi đồng ý, giải pháp của anh có những ý tưởng tốt, cần được xem xét.
Sau đó, ông cho gọi ngay đồng chí Hồ Tế, Thứ trưởng Bộ Tài chính, ủy viên Thường trực Tiểu ban chống lạm phát của Chính phủ lên làm việc.
Một lát, đồng chí Hồ Tế đã có mặt. Ông Đỗ Mười nói dứt khoát:
- Tôi đã nghe đề án chống lạm phát của đồng chí Võ Đại Lược. Yêu cầu anh tổ chức hội nghị thảo luận đề án này. Thành phần mời là các bộ, các ngành có liên quan đến vấn đề chống lạm phát.
Ông Võ Đại Lược nhớ lại những kỷ niệm tư vấn cho Nguyên Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng Đỗ Mười.

Đồng chí Hồ Tế chấp hành lệnh của ông Đỗ Mười. Sau một tuần đã tổ chức được hội nghị có cả trăm đại biểu thuộc nhiều cơ quan khác nhau đến dự, đó là các nhà kinh tế nổi tiếng trong nước và đại diện nhiều bộ ngành liên quan.
Hai bản đề án để hội thảo là đề án chống lạm phát của Bộ Tài chính và bản đề án của tôi.
Đề án của tôi không được ủng hộ vì nó mang nhiều yếu tố đổi mới, đó là ủng hộ chủ trương lãi suất dương, đẩy mạnh tự do hóa thương mại, xóa bao cấp, độc quyền nhà nước và động viên mở cửa cho xuất, nhập khẩu,...
Sau buổi hội thảo tôi cũng hơi buồn, vì những điều mình ấp ủ sẽ không được thực hiện. Nhưng ngay hôm sau tôi nhận được điện thoại của đồng chí Phan Trọng Kính, thư ký riêng của ông Đỗ Mười, yêu cầu tôi lên làm việc riêng với Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng.
Sáng hôm đó trời cũng nắng gay gắt. Khi tôi bước vào văn phòng, ông Đỗ Mười hỏi ngay:
- Kết quả cuộc hội thảo thế nào?
Tôi không e ngại, báo cáo luôn:
- Báo cáo Chủ tịch, căn cứ vào kết quả hội thảo có khoảng 90% đại biểu phản đối, đề án của tôi hoàn toàn thất bại. Không ai dám ủng hộ ra mặt.
Ông Mười nhìn tôi bằng ánh mắt thông cảm, đầy khích lệ:
- Không sợ, anh nên nhớ ghế tôi đây là ghế nóng 220V, đúng, cực nóng, anh nào muốn vào ngồi tôi đứng dậy ngay. Nghe anh trình bày, tôi thấy đề án của anh có nhiều điểm cũng như trong suy nghĩ của tôi, tôi ủng hộ. Tôi sẽ cho thí điểm ở Hải Phòng.
Nghe ông Mười khẳng định như vậy, tôi thực sự ngạc nhiên, hết sức vui mừng, quá bất ngờ.

Buổi làm việc hôm đó tôi nhớ mãi. Tôi hết sức tôn trọng vốn kiến thức kinh tế phong phú, sâu sắc của ông Đỗ Mười, ông đã rất quyết liệt, nhạy bén trên mặt trận chống lạm phát.
Tôi được biết ông đã cử và đích thân chỉ đạo một đoàn cán bộ về Hải Phòng làm thí điểm. Chỉ sau một tháng, kinh tế Hải Phòng sôi động hẳn lên. Chính phủ cho phép tăng lãi suất tiền gửi của dân lên 1 một tháng. Người dân Hải Phòng đem bán hết các hàng đầu cơ tích trữ để lấy tiền gửi tiết kiệm. Hàng hóa tràn ngập, giá cả hạ thấp, đời sống dần dần ổn định.
Tổng Bí thư Đỗ Mười thăm cảng Quy Nhơn (Bình Định) ngày 7/2/1996. (Ảnh: Xuân Lâm/TTXVN)
Khoảng tháng 2/1989, ông bắt đầu cho làm thí điểm ở Hà Nội, cho dân được tự do buôn bán, hàng hóa lương thực, thực phẩm được tự do đưa vào Hà Nội, không bị "ngăn sông, cấm chợ". Chẳng bao lâu sau, những cái chợ ở Hà Nội tràn ngập hàng hóa, dân tự do mua bán hả hê. Những cửa hàng bán theo tem phiếu ít người vào mua. Như vậy bắt đầu từ năm 1989 đã vô hiệu hóa tem phiếu.
Từ điển hình thắng lợi ở Hà Nội đã được nhân rộng ra toàn quốc. Cho đến đầu năm 1989, ông Đỗ Mười vẫn còn yêu cầu cho nhập gạo. Nhưng đến quý III năm 1989 Việt Nam bắt đầu xuất khẩu gạo. Ông Đỗ Mười hết sức vui mừng tâm sự:
- Quý I năm 1989, tôi còn yêu cầu nhập gạo nhưng sang quý III dân thừa gạo ăn, phải xuất khẩu, hết sức bất ngờ. Như vậy, tôi không phải in thêm tiền mà còn có thêm nguồn tiền dự trữ. Lúc đầu ngân sách dự trữ của cả nước chỉ có khoảng hơn 20 triệu đôla Mỹ, nhờ xuất khẩu gạo đã nâng lên dự trữ cả trăm triệu đôla.
Sau này, tôi thường được ông Đỗ Mười gọi lên làm việc. Tôi còn nhớ khi đó tình hình lạm phát đã xuống một con số, việc chống lạm phát ở Việt Nam coi như thành công và được thế giới ca ngợi là một thành tựu kỳ diệu.
Tôi rất kính trọng ông Đỗ Mười về tinh thần chịu đọc, chịu học. Có một lần tôi đi Nhật về khoe với ông Mười là tôi mới đem về cuốn sách Kinh tế chính trị học Nhật Bản, tôi sẽ cho dịch từ tiếng Anh sang tiếng Việt. Ông Mười nói ngay: "Dịch xong chương nào, anh đưa tôi đọc ngay". Thấy ông nói như vậy, tôi rất mừng, vì đất nước có người lãnh đạo chịu đọc, chịu nghe và luôn luôn suy nghĩ lựa chọn để áp dụng vào kinh tế Việt Nam.
Ông Đỗ Mười đã lắng nghe, lựa chọn những giải pháp khả thi và có tác dụng thúc đẩy nền kinh tế Việt Nam phát triển, điều đó không thể phủ nhận...
Sau này khi làm Tổng Bí thư của Đảng, ông đã đưa nền kinh tế Việt Nam hội nhập với khu vực và quốc tế, nối lại quan hệ hữu hảo với Trung Quốc, bình thường hóa quan hệ với Mỹ và quyết định Việt Nam gia nhập ASEAN. Ông đã nói một câu nổi tiếng: "Việt Nam sẵn sàng là bạn với tất cả các nước". Những đường lối cởi mở đó làm bộ mặt đất nước khởi sắc...
*(Tiêu đề do báo Kinh tế & Đô thị đặt lại)