Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Nguyên Tổng Bí thư Đỗ Mười và những dấu ấn đặc biệt

Trần Hà
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - “Nguyên Tổng Bí thư Đỗ Mười là một người quyết đoán, mạnh mẽ. Trong suốt quá trình công tác, ông đã để lại rất nhiều dấu ấn sâu đậm, đặc biệt là thời kỳ đổi mới của đất nước” - PGS.TS Nguyễn Trọng Phúc (nguyên Viện trưởng Viện Lịch sử Đảng) khẳng định trong cuộc trò chuyện với phóng viên báo Kinh tế & Đô thị.

Đưa đất nước vượt khủng hoảng

“Tôi rất xúc động khi nghe tin nguyên Tổng Bí thư Đỗ Mười, một người cán bộ ưu tú của Đảng và Nhà nước đã từ trần. Ngoài việc nghiên cứu chuyên sâu về cuộc đời và sự nghiệp các lĩnh tụ của Đảng, tôi cũng đã được tham gia nhiều cuộc làm việc với nguyên Tổng Bí thư Đỗ Mười. Ông trưởng thành từ một công nhân, nhưng với nhiệt huyết cách mạng sục sôi, lại say mê tự học, nghiên cứu lý luận, tổng kết thực tiễn đã tôi luyện cho ông sự hiểu biết sâu sắc về nhiều lĩnh vực”- PGS.TS Nguyễn Trọng Phúc mở đầu cuộc trò chuyện.

 Tổng Bí thư Đỗ Mười với các đại biểu dự Đại hội VII Đảng Cộng sản Việt Nam (tháng 6-1991).

Nói về những dấu ấn trong sự nghiệp cách mạng của nguyên Tổng Bí thư Đỗ Mười, PGS.TS Nguyễn Trọng Phúc khẳng định: Trước hết phải nói đến lĩnh vực kinh tế. Trước khi trở thành nhà lãnh đạo đứng đầu Đảng, nguyên Tổng Bí thư Đỗ Mười đã kinh qua nhiều nhiệm vụ quan trọng, góp phần đưa đất nước thoát ra khỏi tình trạng khủng hoảng. Vào cuối thập niên 70 của thế kỷ trước, nền kinh tế nước ta lâm vào tình trạng khủng hoảng kéo dài, lạm phát tăng cao, sản xuất đình đốn. Với trách nhiệm là Phó Chủ tịch rồi Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng, ông đã cùng với các cán bộ đi sâu đi sát cơ sở, nghiên cứu tìm tòi từ thực tiễn, đề xuất với Đảng và Chính phủ nhiều giải pháp sáng tạo trong lãnh đạo điều hành để thực hiện những bước quan trọng về phát huy dân chủ trong kinh tế, đổi mới kế hoạch hóa và hạch toán kinh doanh, khai thác mặt tích cực của thị trường, tạo điều kiện giải phóng sức sản xuất. Nhờ đó nền kinh tế từng bước được tháo gỡ khó khăn, sản xuất và đời sống dần được cải thiện. Điểm mốc đặc biệt vẫn được nhắc đến là nước ta đã kiềm chế được lạm phát phi mã từ 774% năm 1986 xuống 34% năm 1989, 14% năm 1992 mà không có sự trợ giúp nào từ bên ngoài. Đặc biệt từ năm 1991 - 1995, tăng trưởng GDP đạt đến 8,2%, đó là mức cao nhất trong những năm đổi mới.

“Trong thời kỳ ông là Tổng Bí thư, đã định hình ra được quan niệm về công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước. Nội dung này được bàn kỹ tại Hội nghị T.Ư 7 khóa VII, cho đến nay khi đọc lại tôi thấy nhiều quan điểm vẫn nguyên giá trị. Nói thế để thấy tầm nhìn của Hội nghị T.Ư đó và vai trò của Tổng Bí thư Đỗ Mười”- PGS.TS Nguyễn Trọng Phúc nói.

Dấu ấn xây dựng Đảng

Theo PGS.TS Nguyễn Trọng Phúc, dấu ấn tiếp theo khi nhắc đến nguyên Tổng Bí thư Đỗ Mười là hoàn thiện xây dựng hệ thống chính trị vững mạnh mà trước hết là chỉnh đốn Đảng. Trong lần phát biểu khai mạc Hội nghị T.Ư 3 khoá VII (ngày 18/6/1992), Tổng Bí thư Đỗ Mười đã đưa ra một luận điểm rất quan trọng: “Tất cả phải được tiến hành một cách đồng bộ, trong đó nhiệm vụ kinh tế là trung tâm và nhiệm vụ xây dựng Đảng giữ vai trò then chốt”. “Tổng Bí thư Đỗ Mười cũng rất nhạy cảm về chính trị. Khi đó, Đảng ta đã chỉ ra bốn nguy cơ đang đặt ra, đó là: Nguy cơ tụt hậu xa hơn về kinh tế so với nhiều nước trong khu vực và trên thế giới do điểm xuất phát thấp, nhịp độ tăng trưởng chưa cao và chưa vững chắc, lại phải đi lên trong môi trường cạnh tranh gay gắt; nguy cơ chệch hướng xã hội chủ nghĩa nếu không khắc phục được những lệch lạc trong chỉ đạo thực hiện; nạn tham nhũng, các tệ nạn xã hội khác; âm mưu và hành động diễn biến hoà bình của các thế lực thù địch” – PGS.TS Nguyễn Trọng Phúc cho biết.

Dấu ấn tiếp theo PGS.TS Nguyễn Trọng Phúc nhắc đến là chính sách đại đoàn kết dân tộc do Tổng Bí thư Đỗ Mười đề xuất. Vì vậy Nghị quyết 07 ngày 17/11/1993 của Bộ Chính trị (khóa VII) “Về đại đoàn kết dân tộc và tăng cường Mặt trận Dân tộc thống nhất” đã ra đời. Nghị quyết này nêu rõ nguyên tắc sẵn sàng khép lại quá khứ, xóa hận thù, mặc cảm, định kiến đoàn kết rộng rãi các tầng lớp lưc lượng trong xã hội và cả những người Việt Nam ở nước ngoài để thúc đẩy đất nước phát triển. Nhờ chính sách này mới phát huy hơn nữa vai trò làm chủ của Nhân dân, là tiền đề để đến năm 1998 xây dựng quy chế dân chủ cơ sở.

Mở ra chương mới trong đối ngoại

PGS.TS Nguyễn Trọng Phúc nhận định: “Đặc biệt trong lĩnh vực ngoại giao, nhiều lãnh đạo các nước đã nhận định, Tổng Bí thư Đỗ Mười đứng đầu một Đảng Cộng sản nhưng tư duy lại rất phù hợp với biến đổi của tình hình thế giới, của hội nhập, không cứng nhắc”.

Trong Đại hội VII của Đảng (6/1991) cũng đã thể hiện rõ quan điểm Việt Nam sẵn sàng làm bạn, hợp tác với tất cả các nước trên thế giới. Ngay trong những ngày đầu của nhiệm kỳ Tổng Bí thư, đồng chí Đỗ Mười đã cùng lãnh đạo Đảng, Nhà nước chỉ đạo thực hiện chủ trương khôi phục và mở rộng quan hệ hữu nghị, hợp tác nhiều mặt với Trung Quốc; xóa bỏ thế bao vây, cấm vận và bình thường hóa quan hệ với Mỹ; gia nhập ASEAN; khai thông quan hệ với các định chế tài chính quốc tế… “Nhờ những điều này đã góp phần mở ra chương mới cho đối ngoại Việt Nam, giúp nước ta mở rộng các quan hệ kinh tế và hợp tác nhiều mặt với các nước, tạo tiền đề để chúng ta chủ động tích cực hội nhập khu vực và thế giới tạo môi trường và điều kiện thuận lợi cho xây dựng và bảo vệ Tố quốc” – PGS.TS Nguyễn Trọng Phúc chia sẻ.

"Nhiều lần may mắn được làm việc với nguyên Tổng Bí thư Đỗ Mười, tôi rất ấn tượng với phong cách lãnh đạo rất đặc trưng của ông. Ông là một nhà lãnh đạo luôn thể hiện bản lĩnh, tinh thần vì dân, vì nước; một người mẫu mực, liêm chính. Ông luôn không ngừng sáng tạo, không bằng lòng với những gì đã có và truyền lửa nhiệt tình, sự năng động đó cho người khác. Nguyên Tổng Bí thư rất hay tranh luận để làm rõ các vấn đề, thống nhất quan điểm, dù đó là những vấn đề mới." - Nguyên Viện trưởng Viện Lịch sử Đảng Nguyễn Trọng Phúc