Nguyên Tổng Bí thư Lê Khả Phiêu và nhà báo Hồ Quang Lợi. |
Sau những biến động chính trị ở Liên Xô, Đông Âu đưa tới sự sụp đổ của chế độ XHCN tại các nước này, phong trào cộng sản và công nhân quốc tế nói chung và các đảng cộng sản ở các nước Tây Âu nói riêng lâm vào một tình thế rất khó khăn. Không ít người đã khẳng định rằng “chủ nghĩa cộng sản đã chết” và các đảng cộng sản Tây Âu khó mà tránh khỏi nguy cơ tan rã.
Từ trước đến nay, Đảng Cộng sản Pháp và Đảng Cộng sản Italia là hai đảng Cộng sản có lực lượng và vị trí chính trị - xã hội vào loại mạnh nhất ở các nước Tây Âu. Trước bối cảnh quốc tế mới, dư luận rất quan tâm diễn biến đại hội của hai đảng này diễn ra trong những ngày đầu năm 1994.
Tấm ảnh Hồ Chí Minh trong túi ngực một đảng viên PCIR lão thành
Do tác động mạnh mẽ của tình hình quốc tế mà trực tiếp là các sự biến chính trị ở Liên Xô và Đông Âu, Đảng Cộng sản (ĐCS) Italia tách thành hai đảng Đảng Dân chủ cánh tả (PDS) và ĐCS Italia tái lập (PCIR). Trước những thử thách mới rất nặng nề, tại đại hội lần thứ nhất, các đảng viên trung kiên của PCIR vẫn khẳng định sẽ đi theo con đường XHCN, giữ vững bản chất cộng sản của Đảng.
Trái với dự đoán bi quan của nhiều người, trong mấy năm qua, PCIR không những không bị tiêu vong mà đã có bước phát triển nhờ biết cách vận động quần chúng và có khả năng liên minh với các đảng cánh tả khác. Tháng 9/1992, PCIR trở thành đảng lớn thứ 4 ở Italia. PCIR đã họp đại hội lần thứ hai từ ngày 20 đến ngày 23/1/1994 tại thủ đô Rô-ma với sự tham gia của hơn 700 đại biểu trong nước, đại diện tất cả các đảng, phong trào chính trị ở Italia và 28 đoàn đại biểu quốc tế, trong đó có đoàn đại điểu Đảng Cộng sản Việt Nam do đồng chí Lê Khả Phiêu, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư T.Ư Đảng, dẫn đầu.
Buổi gặp gỡ trao đổi ý kiến giữa đồng chí Lê Khả Phiêu với đồng chí Cô-xút-ta Chủ tịch Đảng PCIR diễn ra rất sôi nổi, thân tình, tin cậy lẫn nhau. Tán đồng về những phân tích sắc sảo, thuyết phục của đồng chí Lê Khả Phiêu về tình hình thế giới và phong trào cộng sản, đồng chí Cô-xút-ta Chủ tịch Đảng PCIR bày tỏ niềm vui mừng đặc biệt trước những thành tựu quan trọng trong công cuộc đổi mới của Việt Nam, cũng như bản lĩnh vững vàng của Đảng Cộng sản Việt Nam trước những thử thách lịch sử nặng nề.
Khi đồng chí Cô-xút-ta nói: “Đảng PCIR chúng tôi còn rất trẻ…”, thì đồng chí Lê Khả Phiêu tiếp lời: “nhưng truyền thống của Đảng các đồng chí lại rất dày”. Đồng chí Cô-xút-ta nắm tay đồng chí Lê Khả Phiêu rất chặt, tỏ ý tán thành: “Vài năm trước đây, nhiều người không tin là PCIR có thể tồn tại. Bây giờ Nhân dân đặt niềm tin mà ĐCS bảo vệ quyền lợi cho người lao động”.
Trong những ngày dự Đại hội Đảng PCIR, các đại biểu Đảng ta đã được sống trong tình đoàn kết quốc tế nồng ấm của những người Cộng sản và tình hữu nghị của Nhân dân Italia. Có một chi bộ Đảng Cộng sản Italia tái lập đã lấy tên là chi bộ Hồ Chí Minh. Một đảng viên 74 tuổi, trong một bữa cơm thân mật với Đoàn ta, đã nói: “Tôi rất khâm phục sự kiên định của những người Cộng sản Việt Nam. Các đồng chí Việt Nam tiếp tục con đường của Hồ Chí Minh cũng là tiếp tục con đường của Mác”. Vừa nói, người Cộng sản Italia lão thành ấy vừa lấy từ túi áo ngực ra một bức ảnh Chủ tịch Hồ Chí Minh cắt từ một tờ báo. Đồng chí này cho biết: “Bức ảnh này, tôi giữ đã 15 năm nay, luôn luôn để trong túi áo ngực. Đi dự Đại hội Đảng thì tất nhiên là phải mang theo…”.
“Đừng cất Cộng sản vào túi mà phải thể hiện ra ngoài”
Đoàn đại biểu Đảng ta đã tới thăm một chi bộ thuộc đảng bộ Vơ-ni-dơ. Trong phòng họp của chi bộ, có treo ảnh Các Mác, ảnh Chê-ghê-va-ra. Đồng chí Pao-lô, một họa sĩ nổi tiếng có cảm tình đặc biệt với Việt Nam. Vợ chồng người họa sĩ rất hân hạnh được đón đồng chí Lê Khả Phiêu đến thăm nhà.
Khi đồng chí Lê Khả Phiêu tới, hai người phấn khởi chạy đi mời những người hàng xóm gần gũi sang chơi. Chị Ni-va, 45 tuổi, vợ của họa sĩ Pao-lô nói: “Tôi là đảng viên Cộng sản, tuy chưa nhận thẻ, nhưng tôi làm việc hết mình cho Đảng”.
Anh Pao-lô tâm sự với đồng chí Lê Khả Phiêu: “Mấy năm qua, trước thời cuộc khó khăn, nhiều người “cất Cộng sản vào túi”. Thế mà ở Việt Nam, tôi thấy không có “Cộng sản đút túi”, mà những người Cộng sản lại tiếp tục tranh đấu đem lại những điều tốt lành cho nhân dân, làm sống lại niềm tin Cộng sản. Tôi rất đồng tình với các đồng chí Việt Nam. Hơn lúc nào hết, bây giờ là lúc cần phải thể hiện bản sắc Cộng sản ra bên ngoài”.
“Việt Nam: Tinh thần dũng cảm, sự năng động đáng khâm phục”
Từ Rô-ma, đoàn đại biểu Đảng ta do đồng chí Lê Khả Phiêu dẫn đầu tới Xanh U-ăng dự Đại hội lần thứ 28 đến ngày 29/1/1994 với sự tham gia của 1.581 đại biểu trong nước, 120 đoàn đại biểu quốc tế từ 95 nước và 20 nhân vật nổi tiếng của một số nước.
Nét nổi bật nhất ở Đại hội ĐCS Pháp là bầu không khí tranh luận dân chủ, thẳng thắn và cởi mở. Trong khi chủ trương đẩy mạnh sinh hoạt dân chủ, công khai hóa trong nội bộ, Đảng kiên quyết chống việc hình thành các khuynh hướng trong Đảng, chống việc chuyển hóa Đảng thành đảng Dân chủ - xã hội. Đại hội khẳng định “đổi mới để có nhiều tính chất Cộng sản hơn”.
Về quan hệ quốc tế, bài diễn văn của đồng chí F.Uốc-dơ, Ủy viên Bộ Chính trị, Trưởng ban đối ngoại, khi đề cập đến Việt Nam, đồng chí nhấn mạnh: “Việc từ chối khuất phục trật tự của các cường quốc đang diễn ra ở châu Á là nơi - xin chỉ nêu một ví dụ, hết sức thân thiết với những người cộng sản Pháp - nhân dân Việt Nam trong một bối cảnh hết sức phức tạp, tiếp tục thể hiện tinh thần dũng cảm và sự năng động đáng khâm phục và được khâm phục”. Trong các cuộc trao đổi ý kiến gặp gỡ với đồng chí Lê Khả Phiêu, trưởng đoàn đại biểu Đảng ta, các đồng chí lãnh đạo ĐCS Pháp khẳng định: “Việt Nam là một biểu tượng.
Trong tình hình thế giới đầy biến động, Việt Nam đã kiên định một cách quả cảm và đã vượt qua nhiều thử thách. Những người Cộng sản Pháp và Việt Nam có quan hệ lịch sử truyền thống. Tất cả mọi đảng viên Cộng sản Pháp đều biết rõ đồng chí Hồ Chí Minh là người tham gia thành lập ĐCS Pháp. Chúng tôi đánh giá rất cao Việt Nam”.
Đồng chí Lê Khả Phiêu đã có cuộc trò chuyện thân mật với đồng chí Luých, người đã làm thị trưởng thành phố Soa-di Lơ Roa từ 20 năm nay. Khi đồng chí Lê Khả Phiêu hỏi “Theo đồng chí, làm thị trưởng Cộng sản có gì khác thị trưởng không Cộng sản?”. Đồng chí Luých trả lời: “Làm thị trưởng thì trước hết phải làm đúng pháp luật. Tuy nhiên, trong lúc các thị trưởng không Cộng sản lo trước hết cho tầng lớp trung lưu, thì thị trưởng Cộng sản phải chú ý lo cho người lao động”.
Có một đảng viên Cộng sản lão thành 88 tuổi, vừa là thị trưởng danh dự của thành phố Soa-di Lơ Roa, vừa là phó chủ tịch ủy ban quản trị của nhà máy nước. Cụ nói với đồng chí Lê Khả Phiêu: “Chúng tôi đã từng tổ chức vận động ủng hộ Việt Nam. Mỗi người chỉ cần ủng hộ 1 phrăng, đã có thể thu hàng triệu phrăng. Tôi làm việc ở nhà máy nước thành phố Soa-di Lơ Roa. Chúng tôi có kế hoạch giúp quận Đống Đa, Hà Nội lắp đặt một hệ thống dẫn nước cho phía nam quận này. Chúng tôi đang chờ đón một đại diện phi chính phủ của quận tới nhận tiền cho kế hoạch nói trên”.
Tham dự Đại hội lần thứ 2 ĐCS tái lập Italia, Đại hội lần thứ 28 ĐCS Pháp, đoàn đại biểu Đảng ta đã được sống những ngày thắm thiết tinh thần quốc tế cộng sản. Giữa bao biến động thời cuộc gay go, hình ảnh đất nước Việt Nam kiên cường vượt khó và niềm tin Cộng sản vẫn luôn tỏa sáng trong trái tim những người Cộng sản Pháp và Italia.