Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Nguyên Tổng Giám đốc Bảo hiểm Xã hội Việt Nam lĩnh 6 năm tù

Nguyên Bảo
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Chiều 25/9, sau 3 ngày nghị án, Hội đồng xét xử (HĐXX) TAND TP Hà Nội đã tuyên án đối với 6 bị cáo trong vụ án “Cố ý làm trái quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng” và “Thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng” xảy ra tại Bảo hiểm xã hội Việt Nam (BHXH) và Công ty cho thuê tài chính II (ALCII thuộc Ngân hàng Agribank).

 Các bị cáo nghe tuyên án tại phiên toà.
Theo nhận định của HĐXX, BHXH Việt Nam chỉ được cho phép các ngân hàng của Nhà nước vay vốn. Nhưng trong hai năm (2008 và 2009), BHXH Việt Nam đã ký 14 hợp đồng với ALCII với tổng số tiền hơn 1.000 tỷ đồng. Đến giữa năm 2009, ALCII bắt đầu không thanh toán lãi hàng tháng và gốc khi đến hạn của các hợp đồng vay vốn nêu trên. Cuối năm 2015, BHXH Việt Nam chưa thu hồi được nợ gốc và lãi của ALC II với tổng số tiền hơn 1.700 tỷ đồng (gồm cả gốc và lãi). Tháng 12/2016, TAND TP Hồ Chí Minh có quyết định phá sản đối với ALCII.
Cụ thể, bị cáo Lê Bạch Hồng – nguyên Thứ trưởng Bộ LĐTB&XH, Tổng Giám đốc BHXH Việt Nam được Nhà nước giao trách nhiệm quản lý, sử dụng quỹ bảo hiểm theo đúng quy định. Tuy nhiên, quá trình giữ chức vụ Tổng giám đốc BHXH Việt Nam, bị cáo Hồng đã cố ý cùng các thuộc cấp làm thủ tục, ký và chỉ đạo thực hiện 3 hợp đồng cho ALC II vay 380 tỷ đồng không đúng nguyên tắc đầu tư, sai đối tượng. Hành vi này đã gây thiệt hại cho Nhà nước hơn 430 tỷ đồng (gồm cả tiền gốc và lãi). 
Đối với bị cáo Nguyễn Huy Ban - nguyên Tổng Giám đốc BHXH Việt Nam được Nhà nước giao quản lý quỹ BHXH. Tuy nhiên, bị cáo Ban đã chỉ đạo nhân viên dưới quyền ký 11 hợp đồng cho ALC II vay 630 tỷ đồng không đúng đối tượng, không đảm bảo nguyên tắc. Đối với 4 bị cáo còn lại (gồm: Nguyễn Phước Tường - nguyên Trưởng ban Kế hoạch - Tài chính của BHXH Việt Nam; Trần Tiến Vỹ và Hoàng Hà đều là cựu nhân viên BHXH Việt Nam; Trần Thanh Thủy - chuyên viên Phòng Kế hoạch - Tổng hợp, Ban Kế hoạch - Tài chính, BHXH Việt Nam) được xác định đã tích cực thực hiện chỉ đạo của bị cáo Hồng và Nguyễn Huy Ban trong việc ký hợp đồng cho ALC II vay tiền không đúng đối tượng, trái quy định của Luật Bảo hiểm xã hội. Hành vi của 6 bị cáo đã gây thiệt hại cho BHXH Việt Nam số tiền gần 1.700 tỷ đồng.
Từ những nhận định trên, HĐXX quyết định tuyên phạt bị cáo Nguyễn Huy Ban 14 năm tù, Lê Bạch Hồng 6 năm tù, Nguyễn Phước Tường 14 năm tù, Hoàng Hà 7 năm tù và Trần Tiến Vỹ 3 năm tù cùng về tội “Cố ý làm trái quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng”. Riêng bị cáo Trần Thị Thanh Thủy bị xử phạt 24 tháng tù nhưng cho hưởng án treo về tội “Thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng”.
Về trách nhiệm dân sự, tại phiên tòa, nguyên đơn dân sự là BHXH Việt Nam yêu cầu Agribank bồi thường toàn bộ số tiền thiệt hại trong tổng số gần 1.700 tỷ đồng. HĐXX cho rằng, ALCII là công ty con trực thuộc Agribank và đã phá sản. TAND TP Hồ Chí Minh trước đó đã xác định BHXH là chủ nợ đối với khoản nợ gần 1.700 tỷ đồng. Trong đó, nợ có bảo đảm là 862,639 tỷ đồng và nợ không có đảm bảo là 788,482 tỷ đồng. 
Từ đó, HĐXX buộc Ngân hàng Agribank phải bồi thường cho BHXH Việt Nam hơn 860 tỷ đồng. Số tiền còn lại hơn 835 tỷ, các bị cáo phải bồi thường cho BHXH Việt Nam. Trong đó, bị cáo Lê Bạch Hồng phải bồi thường hơn 150 tỷ; bị cáo Nguyễn Huy Ban phải bồi thường hơn 292 tỷ đồng; bị cáo Nguyễn Phước Tường phải bồi thường 292 tỷ đồng; bị cáo Hoàng Hà 60 tỷ đồng và bị cáo Trần Tiến Vỹ 40 tỷ đồng. Ngoài ra, HĐXX cũng kiến nghị xem xét trách nhiệm của Agribank trong việc ký bảo lãnh để BHXH Việt Nam cho ALCII vay vốn.