Sự kiện nhằm kỷ niệm 97 năm Ngày Báo chí cách mạng Việt Nam (21/6/1925 - 21/6/2022) và tròn nửa thế kỷ làm báo của nhà báo Phạm Quốc Toàn kể từ khi ông nhận nhiệm vụ phóng viên báo Quân đội Nhân dân.
Tại buổi tọa đàm, Phó Chủ tịch Thường trực Hội Nhà báo Việt Nam Nguyễn Đức Lợi cho biết, tháng 6 có nhiều dấu mốc đáng nhớ với những người làm báo, đó là kỷ niệm Ngày truyền thống báo chí cách mạng Việt Nam, ngày Bác Hồ xuất bản Báo Thanh Niên, 21/6/1925. Tháng 6 cũng có dấu mốc đáng nhớ với nhà báo Phạm Quốc Toàn, khi ông bắt đầu làm báo chuyên nghiệp tròn nửa thế kỷ, kể từ khi nhận nhiệm vụ phóng viên báo Quân đội Nhân dân.
“Với bút pháp tân văn mà rất nhuần nhuyễn tính văn học, nhà báo Phạm Quốc Toàn luận bàn, bằng những câu chuyện sống động của đời sống thường ngày về tình thầy trò, thủy chung chồng vợ, tình yêu gia đình, nghĩa tình đồng đội, đồng nghiệp, đồng chí, tình bằng hữu. Đọc “Chuyện tình phố cổ”, người ta cảm nhận cuộc sống này thật đẹp, sáng trong, đáng yêu vô cùng,” dịch giả Dương Thanh Hoài nhận xét.
Từ cậu bé rất mê toán học, ông đi bộ đội, rồi thành người viết báo, viết văn có uy tín với chặng đường nửa thế kỷ. Ông ví quá trình đó như là một cuộc “vượt Vũ Môn” trên núi Giăng Màn ở Hà Tĩnh quê ông. “Tôi thích rong ruổi vạn nẻo đường xa, một ngày không viết là không chịu nổi. Từ báo chuyển qua văn, báo và văn là hai thứ nhuần nhuyễn quyện vào nhau” – Nhà báo Phạm Quốc Toàn bộc bạch.
"Tôi thích rong ruổi vạn nẻo đường xa, một ngày không viết là không chịu nổi. Từ báo chuyển qua văn, báo và văn là hai thứ nhuần nhuyễn quyện vào nhau".
Nhà báo Phạm Quốc Toàn
Đánh giá về sự nghiệp làm báo của nhà báo Phạm Quốc Toàn, nhà báo Phan Quang, nguyên Chủ tịch Hội Nhà báo Việt Nam chia sẻ: “Nhà báo Phạm Quốc Toàn viết khỏe, viết nhanh, đủ thể loại: Bút ký, tiểu luận, tiểu phẩm, tạp văn, chân dung đồng nghiệp, bút ký lữ hành, truyện ký… Ngót nửa thế kỷ làm nghề, anh là một nhà báo tài năng, yêu nghề, luôn tận tụy với công việc, có nhiều cống hiến cho báo chí nước nhà”.
Đánh giá về tác phẩm của nhà báo Phạm Quốc Toàn, nhà thơ Trần Gia Thái, Chủ tịch Hội Nhà văn Hà Nội cảm nhận: “Ở ông, văn và báo không phải hai trong một. Chúng là hai thực tế cá tính độc đáo, lạ lẫm, với sức ẩn dụ, cuốn hút khác nhau đến lạ lùng. Ông gõ cửa văn chương muộn hơn nhưng cái mầm văn chương, cái cây văn chương ấp ủ và sinh trưởng trong ông từ rất lâu đến giờ bung ra thì đã sum suê, đã là quả ngọt”.
Năm 1987, nhà báo Phạm Quốc Toàn rời Báo Quân đội Nhân dân, nhận nhiệm vụ mới làm Tổng Biên tập Báo Vũng Tàu - Côn Đảo (sau này là Báo Bà Rịa - Vũng Tàu). Hơn 20 năm ở cương vị này, ông đã cùng tập thể cán bộ, phóng viên, biên tập viên phát triển Báo Bà Rịa - Vũng Tàu từ một tờ báo địa phương phía Nam trở thành ấn phẩm được độc giả cả nước quan tâm.
Với năng lực, uy tín và tinh thần say mê nghề nghiệp, nhà báo Phạm Quốc Toàn được bầu vào Ban Chấp hành Hội Nhà báo Việt Nam 5 nhiệm kỳ liên tiếp (từ năm 2005 - 2015). Ông là Phó Chủ tịch Hội Nhà báo Việt Nam phụ trách phía Nam, kiêm Tổng Biên tập Tạp chí Người làm báo, một tạp chí lý luận nghiệp vụ uy tín của Hội Nhà báo Việt Nam.
Trong cuộc đời, sự nghiệp, ông đã cho ra mắt nhiều cuốn sách, phát hành rộng rãi trong hệ thống các nhà sách cả nước, trong đó có nhiều cuốn ông bàn sâu vào nghề báo như: "Đời và nghề", "Tôi nói bằng mồm tôi", "Đi một ngày đàng", "Lốc xoáy thời cuộc", “Con voi chui lọt lỗ kim”, “Ký giả”… Đầu năm 2019, ông ra mắt bạn đọc tiểu thuyết “Từ bến sông Nhùng”, 400 trang (Nhà Xuất bản Văn hóa văn nghệ), được bạn đọc và giới chuyên môn đánh giá là cuốn sách hay, sinh động về nghề báo.
Tại buổi tọa đàm, Hội Nhà báo Việt Nam cũng giới thiệu tác phẩm mới nhất của nhà báo Phạm Quốc Toàn mang tên “Chuyện tình phố cổ”. Đây là cuốn sách thứ 20 trong sự nghiệp cầm bút của ông, tập hợp 10 bút ký được viết trong khoảng từ tháng 1 đến tháng 5/2022. Ngoài ra, Hội Nhà báo Việt Nam và Bảo tàng Báo chí Việt Nam trưng bày, giới thiệu nhiều cuốn sách của ông từ bút ký, truyện ký, tiểu phẩm, truyện ngắn và cả tiểu thuyết.