Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Nhà báo Xuân Thuỷ: Người để lại di sản báo chí to lớn

An Nhiên
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Kỷ niệm 98 năm ngày Báo chí Cách mạng Việt Nam (21/6/1925 – 21/6/2023), ngày 14/6, Hội Nhà báo Việt Nam phối hợp với Học viện Báo chí và Tuyên truyền tổ chức Toạ đàm khoa học và trưng bày chuyên đề “Nhà báo Xuân Thuỷ” (1912 – 1985).

Toạ đàm nhằm làm rõ những đóng góp to lớn của nhà báo Xuân Thuỷ với những di sản báo chí quý giá, có giá trị lý luận thực tiễn sâu sắc trong lịch sử báo chí cách mạng Việt Nam, trong hoạt động đào tạo báo chí cũng như hoạt động của Hội Nhà báo.

Trưởng đoàn đàm phán Việt Nam Dân chủ Cộng hoà Xuân Thuỷ trả lời phỏng vấn các nhà báo quốc tế, Paris, năm 1968. Ảnh tư liệu
Trưởng đoàn đàm phán Việt Nam Dân chủ Cộng hoà Xuân Thuỷ trả lời phỏng vấn các nhà báo quốc tế, Paris, năm 1968. Ảnh tư liệu

Nhà báo cách mạng ưu tú

90 năm trước, người thanh niên Xuân Thuỷ đã khởi đầu chặng đường hoạt động cách mạng bằng nghề báo. Ông từng là cộng tác viên một số tờ báo nổi tiếng ở Hà Nội như “Trung Bắc Tân văn”, “Hà thành Ngọ báo”… Từ Hà Nội lên Phúc Yên, ông vừa làm tuyên truyền giác ngộ cách mạng và tập hợp thanh niên, vừa thu thập tin tức viết bài. Từng bước, báo chí trong tay ông như thanh gươm được mài sắc trên hành trình là cách mạng.

Lý lịch Nhà báo Xuân Thuỷ.
Lý lịch Nhà báo Xuân Thuỷ.

Phát biểu tại buổi toạ đàm, Chủ tịch Hội Nhà báo Việt Nam Lê Quốc Minh chia sẻ, nhà báo Xuân Thuỷ là người để lại di sản báo chí to lớn cho hậu thế. Trong đó, Chủ tịch Hội Nhà báo Việt Nam nhấn mạnh 4 nội dung: Xuân Thuỷ - ngọn bút tiên phong và xuất sắc của báo chí cách mạng Việt Nam; Người dày công xây dựng tổ chức, đội ngũ báo chí cách mạng; Nhà báo có tầm ảnh hưởng quốc tế và vũ khí báo chí trong đấu tranh ngoại giao; Xuân Thuỷ với cơ sở đào tạo báo chí đầu tiên và duy nhất trong kháng chiến. 

Chủ tịch Hội Nhà báo Việt Nam Lê Quốc Minh phát biểu. Ảnh: Lại Tấn
Chủ tịch Hội Nhà báo Việt Nam Lê Quốc Minh phát biểu. Ảnh: Lại Tấn
 

Suốt cuộc đời mình, nhà báo Xuân Thuỷ đã giữ nhiều trọng trách trong Đảng, Quốc hội, Chính phủ, Mặt trận… và luôn có những cống hiến xuất sắc trong các công tác ngoại giao, báo chí cũng như phong trào bảo vệ hoà bình, đoàn kết, hữu nghị quốc tế… Ông đã được Đảng và Nhà nước ta tặng thưởng Huân chương Sao Vàng và nhiều phần thưởng cao quý khác.

Chủ tịch Hội Nhà báo Việt Nam Lê Quốc Minh

Là ngọn bút tiên phong của báo chí cách mạng Việt Nam, năm 1941, khi bị Pháp cầm tù, nhà báo Xuân Thuỷ vẫn tạo được một dấu son của báo chí trong tù với tờ báo mang tên “Suối Reo”. Viện Mác Lê-nin đã đánh giá rất cao từ báo này trong cuốn “Ngục Sơn La”: “Việc xuất bản và lưu hành tờ “Suối Reo” trong một thời gian dài chứng tỏ trình độ tổ chức và hoạt động của những người cộng sản trong tù rất vững vàng, dày dặn kinh nghiệm. “Suối Reo” là một di sản đặt biệt giá của báo chí cách mạng Việt Nam”.

Năm 1844, nhà báo Xuân Thuỷ là chủ nhiệm, chủ bút báo “Cứu quốc” của Việt Minh. Trong thời điểm then chốt của cách mạng, báo “Cứu quốc” đã tỏ rõ tính dự báo chính xác, tính chiến đấu cao với sức hô gọi, lôi cuốn quần chúng mạnh mẽ. Dưới sự lãnh đạo của nhà báo Xuân Thuỷ, “Cứu quốc” trở thành tờ báo lớn nhất, có ảnh hưởng nhất trong cả nước lúc bấy giờ.

Trong đó có thể kể đến một số tác phẩm báo chí như: “Tại sao ta đề ra nhiệm vụ Tổng phản công” – báo Cứu quốc, số 1.161, ngày 8/2/1949; “Chúng ta tích cực đấu tranh cho độc lập dân chủ để bảo vệ hoà bình”, “Đế quốc Mỹ mưu mô một cuộc đánh đổ Pháp để thế chân Pháp ở Việt Nam – báo Cứu quốc, số 1.536, ngày 1/5/1950…

Nhà báo Xuân Thuỷ tại cuộc họp báo ở Budapest, Hungary, ngày 27/10/1970. 
Nhà báo Xuân Thuỷ tại cuộc họp báo ở Budapest, Hungary, ngày 27/10/1970. 

Bên cạnh đó, Xuân Thuỷ là nhà báo có tầm ảnh hưởng quốc tế. Đầu tháng 6/1968, Xuân Thuỷ được quyết định đi Paris vơi tư cách Bộ trưởng, Trưởng đoàn đàm phám của Chính phủ Việt Nam Dân chủ Cộng hoà. Tại các phiên họp ông đã thể hiện bản lĩnh, tài năng ngoại giao.

Tại phiên họp đầu tiên của Hội nghị hai bên (13/5/1968), nhà báo Xuân Thuỷ mạnh mẽ lên án: “Mỹ vi phạm Hiệp định Giơ-ne-vơ 1954, xâm lược, gây chiến tranh ở hai miền Việt Nam”.

Nguyên Trưởng ban Tư tưởng Văn hoá T.Ư Hà Đăng chia sẻ: Trong 5 năm Hội nghị Paris, Việt Nam chỉ có duy nhất một trưởng đoàn đàm phán là Xuân Thuỷ. Trong khi đó, phía Mỹ liên tiếp bốn lần thay đổi trưởng đoàn, bát đầu là Harriman, đến Cabot Lodge, rồi David Buce và William Porter. Qua quá trình đàm phán, báo giới Pháp và các nước thời bấy giờ đều cho rằng Xuân Thuỷ đã lần lượt “hạ nốc ao” cả bốn “đối thủ” Mỹ.

“Nói cho công bằng, ngoài việc đấu lý cực kỳ quyết liệt giữa hai bên, Xuân Thuỷ, với phong cách đặc biệt Việt Nam đã tỏ rõ là một con người rất lịch sự, biết tôn trọng người đối thoại với mình và ngược lại được đối thủ nể trọng” – ông Hà Đăng chia sẻ.

Dày công xây dựng đội ngũ báo chí

Trên cương vị là người đứng đầu công tác tuyên truyền của Tổng bộ Việt Minh, phụ trách tờ “Cứu quốc”, Xuân Thuỷ là người tổ chức chính lớp đào tạo cán bộ báo chí đầu tiên ở nước ta - Trường dạy làm báo Huỳnh Thúc Kháng.

Chủ tịch Hồ Chí Minh và Hội trưởng Xuân Thuỷ tiếp các nhà báo Campuchia, khoảng năm 1958. Ảnh tư liệu.
Chủ tịch Hồ Chí Minh và Hội trưởng Xuân Thuỷ tiếp các nhà báo Campuchia, khoảng năm 1958. Ảnh tư liệu.

PGS.TS Nguyễn Thị Trường Giang – Phó Giám đốc Học viện Báo chí và Tuyên truyền chia sẻ: Trong vòng 3 tháng (4/4 – 6/7/1949), tại xã Tân Thái, huyện Đại Từ, tỉnh Thái Nguyên, lớp đào tạo báo chí của Trường Huỳnh Thúc Kháng đã diễn ra lễ khai giảng khoá đầu tiên.

Trong thời gian đào tạo, mặc dù còn một số môn học không thể diễn ra theo đúng trình tự do các thế hệ giảng viên vừa làm công tác giảng dạy vừa lại phải chiến đấu nhưng kết thúc khoá học, lớp thế hệ học viên khoá đào tạo báo chí đầu tiên này đã thực sự để lại ấn tượng sâu sắc trong tâm khảm của tất cả cán bộ, thầy và trò của nhà trường bằng hành động hăng hái “chiến đấu” trên các trận tuyến của mặt trận tư tưởng.

Tuy chỉ đào tạo được một lớp duy nhất nhưng Trường dạy làm báo Huỳnh Thúc Kháng đã đào tạo được nhiều nhà báo, văn nghệ sĩ và nhà hoạt động xã hội nổi tiếng như Trần Kiên, Hải Như, Hữu Mai, Vương Như Chiêm, Từ Bích Hoàng, Trần Vũ, Phương Lâm, Lý Thị Trung, Phạm Thi Mai Cương… và để lại những kinh nghiệm quý báu cho hoạt động đào tạo báo chí sau này. Năm 2018, nhân dịp kỷ niệm 70 năm thành lập, địa điểm Trường dạy làm báo Huỳnh Thúc Kháng tại tỉnh Thái Nguyên đã được cấp Bằng Di tích lịch sử Quốc gia.

Nhà báo Xuân Thuỷ cùng các đồng nghiệp tại Đại hội lần thứ II Hội những người viết báo Việt Nam, Hà Nội, tháng 4/1959.
Nhà báo Xuân Thuỷ cùng các đồng nghiệp tại Đại hội lần thứ II Hội những người viết báo Việt Nam, Hà Nội, tháng 4/1959.

21/4/1950, nhà báo Xuân Thuỷ đứng ra triệu tập đại diện các cơ quan báo chí T.Ư đóng ở chiến khu Việt Bắc, thay mặt báo giới cả nước tổ chức Đại hội thành lập “Hội Những người viết báo Việt Nam”. Đại hội họp tại hội trường báo “Cứu quốc” và bầu Chủ hiệm báo “Cứu quốc” Xuân Thuỷ làm Hội trưởng. Nhà báo Xuân Thuỷ chính thức giữ chức Chủ tịch Hội Nhà báo Việt Nam từ đó đến năm 1962.

Khi đất nước thống nhất, ngày 7/7/1976, với cương vị Bí thư T.Ư Đảng, Xuân Thuỷ đã chủ trì hợp nhất Hội Nhà báo Việt Nam và Hội Nhà báo yêu nước và Dân chủ miền Nam Việt Nam thành một tổ chức báo chí duy nhất, hoạt động trên phạm vi cả nước, lấy tên chính thức là Hội Nhà báo Việt Nam như hiện nay.

Có thể nói, báo chí là lĩnh vực được nhà báo Xuân Thuỷ dành trọn sự say mê và gắn bó nhất cho đến giây phút cuối cùng. Chiều 18/6/1985, ngay trước những trang bản thảo “Những chặng đường báo Cứu quốc” dở dang trên bàn viết tại nhà riêng, nhà báo Xuân Thuỷ đã lặng lẽ bước sang cõi khác trong cơn mưa tầm tã.

Biệt thự 36 Lý Thường Kiệt với khuôn viên hơn 2.000m2 giữa trung tâm Thủ đô Hà Nội, nơi lưu dấu bước chân ông những ngày cuối đời đã được gia đình ông nhường lại cho Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam, để có một cơ ngơi như Bảo tàng Phụ nữ Việt Nam hôm nay.

 

Trưng bày "Nhà báo Xuân Thuỷ (1912 – 1985)" tại tầng 10, nhà A - Học viện Báo chí và Tuyên truyền trưng bày nhiều hình ảnh kể về con đường nhà báo Xuân Thuỷ đến với báo chí cách mạng Việt Nam; Xuân Thuỷ với báo “Cứu quốc”, với Trường dạy làm báo Huỳnh Thúc Kháng; Xuân Thuỷ với Hội những người viết báo Việt Nam (nay là Hội Nhà báo Việt Nam); Xuân Thuỷ và Hội nghị Paris; một số hình ảnh và hiện vật nổi bật của nhà báo Xuân Thuỷ gắn với quá trình hoạt động báo chí sôi nổi của ông.

Bên cạnh đó, trưng bày còn có hơn 10 tài liệu, hiện vật bản gốc gắn với nhà báo Xuân Thuỷ lúc sinh thời như trang phục, đồ dùng trong quá trình công tác; bản thảo viết tay, đánh máy và một số bài viết trên báo “Cứu Quốc”; Giấy chứng nhận ký ngày 8/3/1960 do Tổ chức quốc tế các nhà báo (OIJ) trao tặng nhà báo Xuân Thuỷ vì những đóng góp cho sự phát triển hợp tác và đoàn kết của tổ chức này.