Nhà cách mạng Nguyễn Thị Bình và những cống hiến cho giáo dục Việt Nam

PGS.TS Trần Xuân Nhĩ - nguyên Thứ trưởng Bộ GD&ĐT
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Nhà cách mạng Nguyễn Thị Bình nguyên là Phó Chủ tịch nước, Bộ trưởng Bộ Ngoại giao, Bộ trưởng Bộ Giáo dục. Năm 1982, bà là người đề xuất lên Chính phủ về việc hàng năm phải có một ngày tri ân đặc biệt với các nhà giáo và được đồng ý chọn ngày 20/11.

Thống nhất giáo dục Nam - Bắc

Sau chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử 1975 thắng lợi, giải phóng hoàn toàn miền Nam, nước nhà thống nhất, bà Nguyễn Thị Bình được Quốc hội cử làm Bộ trưởng Bộ Giáo dục từ ngày 26/7/1976 - 16/2/1987. Nước ta lúc đó vừa thống nhất hơn một năm nên chồng chất khó khăn, kinh tế tài chính kiệt quệ, chiến tranh biên giới phía Nam - phía Bắc gây nhiều bất ổn, thiên tai xảy ra liên tiếp ở miền Trung và miền Nam…

Phó Chủ tịch nước Võ Thị Ánh Xuân thăm và tặng quà nguyên Phó Chủ tịch nước Nguyễn Thị Bình. Ảnh: TTXVN
Phó Chủ tịch nước Võ Thị Ánh Xuân thăm và tặng quà nguyên Phó Chủ tịch nước Nguyễn Thị Bình. Ảnh: TTXVN

Giáo dục ở hai miền Nam - Bắc lúc này rất khác nhau. Hệ thống giáo dục miền Bắc là 11 năm, phục vụ cho sự nghiệp xây dựng chủ nghĩa xã hội. Trong khi đó, hệ thống giáo dục ở miền Nam là 12 năm, đã nhiều năm chịu ảnh hưởng của nền giáo dục thực dân kiểu mới và không phát triển.

Với những chủ trương, biện pháp của Bộ trưởng Bộ Giáo dục Nguyễn Thị Bình, chỉ trong vòng hai năm, nước ta đã xóa mù chữ cho 1,4 triệu người (chiếm 95% số người mù chữ do chế độ cũ để lại). Đối với giáo dục phổ thông, Bộ trưởng giữ nguyên hệ thống giáo dục 12 năm không gây xáo trộn, thu nhận toàn bộ các thầy cô giáo từ mầm non đến đại học. Bà chủ trương huy động nhân lực, vật lực có trong hệ thống giáo dục miền Bắc để hỗ trợ cho giáo dục miền Nam. Bà động viên, kêu gọi giáo viên miền Bắc sẵn sàng xung phong vào miền Nam, đi đến những vùng mới giải phóng để phát triển trường học từ mầm non đến THPT. Đặc biệt, bà chú ý xây dựng nhiều trường Đại học Sư phạm đào tạo giáo viên mầm non, tiểu học, THCS. Bằng nhiều chủ trương, biện pháp sáng tạo, giáo dục ở miền Nam đã theo kịp đà phát triển giáo dục ở miền Bắc.

Cùng với nhiệm vụ thống nhất hệ thống giáo dục trong cả nước, Bộ trưởng Nguyễn Thị Bình lại bắt tay thực hiện Nghị quyết cải cách giáo dục số 14 của Bộ Chính trị ban hành vào năm 1979. Muốn có nguồn tài chính thực hiện cải cách giáo dục, bà đã đề xuất chủ trương “Nhà nước và Nhân dân cùng làm”, tìm thêm nguồn lực cho giáo dục từ trong Nhân dân. Cùng với đó, Nhà nước cũng cần đầu tư để tổ chức viết và in sách giáo khoa mới, tăng cường thêm thiết bị và cơ sở vật chất phục vụ dạy và học, bồi dưỡng đội ngũ giáo viên thực hiện chương trình cải cách.

Cuộc cải cách giáo dục theo Nghị quyết 14 đã đạt được những thành tựu to lớn trong hoàn cảnh đất nước khó khăn. Đó là thống nhất trong toàn quốc hệ thống giáo dục 12 năm, hình thành một hệ thống giáo dục quốc dân từ mầm non lên đến đại học và sau đại học, từ T.Ư đến địa phương đảm bảo đủ chỗ học cho mọi đối tượng trong cả nước.

Xây dựng kiềng ba chân trong giáo dục

Bộ trưởng Bộ Giáo dục Nguyễn Thị Bình thường nói với các cộng sự: Chăm lo cho sự nghiệp giáo dục cần phải xây dựng kiềng ba chân vững mạnh. Đó là, đối với người học cần chú ý giáo dục toàn diện Đức - Trí - Thể - Mỹ và ý tưởng học tập suốt đời; xây dựng nâng cao trình độ đội ngũ giáo viên, chăm lo đời sống cho họ; xây dựng cơ sở vật chất từng bước tiêu chuẩn hóa, hiện đại hóa phục vụ cho việc giảng dạy học tập.

Năm 1982, Bộ trưởng Bộ Giáo dục Nguyễn Thị Bình đã đề xuất chủ trương rèn luyện thể dục, mỹ dục qua Hội khỏe Phù Đổng tại nhà trường, địa phương hàng năm và toàn ngành tổ chức hội khỏe. Những năm về sau lại có thêm Hội thi hát múa học sinh sinh viên, Hội thi văn hóa thể thao các trường phổ thông dân tộc nội trú, Hội thi nghiệp vụ các trường sư phạm...

Chăm lo đến công tác giáo dục hướng nghiệp cho học sinh, Bộ trưởng Nguyễn Thị Bình đã trình Chính phủ ra Quyết định 126/CP ngày 19/3/1981 về “Công tác hướng nghiệp trong trường phổ thông và việc sử dụng hợp lý học sinh THCS và THPT tốt nghiệp ra trường”; cho xây dựng hệ thống trung tâm kỹ thuật tổng hợp hướng nghiệp ở các tỉnh huyện, cụm trường và xây dựng xưởng trường, vườn trường để học sinh thực tập. Ngày 17/8/1992 Bộ trưởng Nguyễn Thị Bình lại ban hành tiếp Thông tư 31/TT xác định rõ 4 hình thức hướng nghiệp cho học sinh gồm: Hướng nghiệp qua từng môn học, qua các hoạt động lao động sản xuất, qua giới thiệu các ngành nghề cần phát triển và qua hoạt động ngoại khóa, tham quan.

Trong thời kỳ này, tình hình kinh tế - xã hội rất khó khăn, vị trí xã hội của thầy giáo chưa được đề cao đúng mức, thang bậc lương của thầy cô giáo được xếp vào bậc thấp nhất trong xã hội. Bộ trưởng Nguyễn Thị Bình đã kiên trì làm việc với các bộ, ngành, đấu tranh đưa bậc lương của giáo viên ngang với bậc lương của cán bộ ngành công nghiệp. Bộ trưởng đề xuất với Nhà nước quyết định phụ cấp thâm niên cho giáo viên; phong tặng Huy chương Vì sự nghiệp giáo dục và tặng thưởng danh hiệu Nhà giáo Nhân dân và Nhà giáo Ưu tú cho những thầy cô giáo có nhiều thành tích.

Đặc biệt, năm 1982, Bộ trưởng Bộ Giáo dục Nguyễn Thị Bình sau khi tham khảo ý kiến của lãnh đạo Bộ và các đơn vị liên quan đã trình lên Chính phủ ra Quyết định 164/CP ngày 26/10/1982 do Phó Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng, Đại tướng Võ Nguyên Giáp ký, lấy ngày 20/11 hàng năm là Ngày Nhà giáo Việt Nam.

Với chủ trương phải nhanh chóng xóa bỏ trường lớp tạm bợ, song song với việc xin viện trợ cơ sở vật chất, thiết bị dạy học từ nước ngoài, Bộ trưởng Bộ Giáo dục Nguyễn Thị Bình phát động phong trào thi đua tự làm đồ dùng dạy học, thành lập ba nhà máy in sách giáo khoa, Trung tâm sản xuất băng đĩa, nghe nhìn và đề ra 10 tiêu chuẩn về cơ sở vật chất phục vụ trường học, động viên các tỉnh thi đua thực hiện.

Bộ trưởng Nguyễn Thị Bình đã dám đương đầu với những khó khăn về kinh tế - xã hội sau năm 1975, đưa ra những biện pháp hữu hiệu đem lại sự thống nhất ngành giáo dục toàn quốc. Đồng thời thực hiện thành công cuộc cải cách giáo dục theo Nghị quyết 14 của T.Ư và đến nay, nhiều chủ trương của Bộ trưởng Nguyễn Thị Bình trong lĩnh vực giáo dục vẫn còn vẹn nguyên ý nghĩa.