5 năm sau lần làm đơn đề nghị trả lại danh hiệu, chuyện của làng cổ Đường Lâm vẫn chưa hết bức xúc.
5 gian nhà chỉ còn mỗi gian thờ
Ngôi nhà cổ của ông Nguyễn Trung Hiền (xóm 6, thôn Đông Sàng) có 5 gian rộng thênh thang. Nhưng cả gia đình 6 nhân khẩu lại sinh sống chật chội trong căn bếp rộng chưa đến 40m2. Cũng bởi nhà chính – ngôi nhà cổ của gia đình ông Hiền bị mối mọt 1 bên trái, đã chống sập nhưng cũng không biết sẽ đổ lúc nào. Ngôi nhà 5 gian chỉ còn lại mỗi chức năng thờ cúng tổ tiên. “Trong nhà cột kèo chằng chịt, ở trong đó không xoay được người, nên gia đình tôi đành di chuyển. Hơn nữa, ngoài gian thờ, bốn gian còn lại cũng trong tình trạng rui mè mối mọt, ải, mục, khi mưa là dột. Năm ngoái, một cái xà gian buồng bên phải bỗng nhiên rơi xuống và rất may không có ai đứng đó” – ông Hiền chia sẻ.
Ngôi nhà cổ hơn 200 tuổi của gia đình ông Nguyễn Huy Chưởng đang chống sập nhưng vẫn lo sập. Ảnh: Linh Anh |
Cũng trong tình trạng như vậy, ngôi nhà 200 năm tuổi được xếp hạng nhà cổ loại 1 của gia đình ông Nguyễn Huy Chưởng (xóm Đình, thôn Đông Sàng) cũng trong tình trạng rui mè, cột, xà phía trên bị mối xông mục, rỗng, ngói xô mái. “Nhà của mình có tiền muốn sửa cũng không được sửa. 7 - 8 năm nay phải dùng cây, cột chống đỡ, đã đến lúc chống không nổi” – ông Chưởng than thở. Ngoài hai ngôi nhà trên, ở Đường Lâm có 100 ngôi nhà cổ đã được xếp hạng đều rơi vào tình trạng xuống cấp, cần chống đỡ.
2 năm vẫn chờ vốn
Năm 2014, UBND TP Hà Nội chính thức lên danh sách 100 ngôi nhà cổ loại 1 và loại 2 có niên đại từ 100 đến 400 năm, trên cơ sở thống kê, xác định của Sở VH&TT Hà Nội cùng UBND thị xã Sơn Tây. Chính sách ưu tiên tu bổ của các ngôi nhà được quy định trong đề án “Đầu tư tôn tạo, bảo tồn và phát huy giá trị di tích Làng cổ Đường Lâm, thị xã Sơn Tây” giai đoạn 2014 – 2020. Trong số các ngôi nhà cổ cần tu bổ, có 10 ngôi đã tôn tạo (từ năm 2011 đến năm 2014), tiếp tục tôn tạo 10 ngôi nhà giai đoạn 2014 – 2016, 30 ngôi nhà giai đoạn 2017 – 2020, số còn lại tiếp tục thực hiện trong các năm tiếp theo. Mức vốn đầu tư từ ngân sách TP tối đa là 800 triệu đồng mỗi ngôi nhà, phần kinh phí còn lại do ngân sách thị xã, ngân sách xã và các hộ dân có nhà cổ.
Các đơn vị chuyên ngành cũng đã khảo sát, đánh giá hiện trạng xuống cấp cho 10 ngôi nhà, lập đề án ưu tiên tu bổ, hoàn thành chấp thuận thỏa thuận chủ trương đầu tư… Thế nhưng, sau hơn 2 năm UBND TP phê duyệt chủ trương chấp thuận đầu tư, 10 gia đình có nhà cổ như nhà ông Hiền, ông Chưởng… vẫn bất động chờ vốn.
Trong khi đợi nguồn vốn tu bổ từ cơ quan Nhà nước, Ban quản lý làng cổ Đường Lâm thường xuyên cử cán bộ kỹ thuật xuống kiểm tra thực trạng xuống cấp của các ngôi nhà cổ, nhất là khi mùa mưa bão sắp đến. Ngoài việc thực hiện chống sập cấp thiết cho hai ngôi nhà cổ trên, Ban quản lý làng cổ Đường Lâm đề nghị thị xã Sơn Tây chỉ đạo xã Đường Lâm và chủ những ngôi nhà cổ chằng chống lại tránh sự cố đáng tiếc có thể xảy ra. Thế nhưng, tình trạng này cũng khó có thể duy trì lâu thêm nữa. Nhà cổ Đường Lâm có thể sập bất cứ lúc nào, nhất là khi mùa mưa bão đang đến gần.
Trung tuần tháng 5 vừa qua, UBND thị xã Sơn Tây đã tổ chức hội nghị liên quan đến tu bổ các ngôi nhà cổ đã xuống cấp nghiêm trọng, mời đại diện các Sở VH&TT Hà Nội, Sở KH&ĐT, Sở Tài chính khảo sát mức độ xuống cấp của các nhà cổ và đề nghị sớm bố trí nguồn vốn đầu tư. Ông Phạm Hùng Sơn - Trưởng Ban quản lý di tích làng cổ Đường Lâm |