Nhà đầu tư thế giới bán tháo tài sản rủi ro

Chia sẻ Zalo

KTĐT - Việc giới phân tích bi quan về tình hình châu Âu, cộng hưởng với việc các tổ chức định mức tín nhiệm xem xét khắt khe các điều kiện tài chính của lục địa già, đã khiến thị trường toàn cầu nhanh chóng chuyển sang trạng thái tiêu cực và suy giảm mạnh.

Đêm qua (14/12), hàng loạt tài sản rủi ro từ chứng khoán, vàng, xăng, dầu… đều đua nhau giảm giá với biên độ lớn. Nếu như chứng khoán đi xuống bởi vấn đề nợ công châu Âu thì giá các loại hàng hóa khác giảm là do giá USD tăng vọt.

Theo dự báo của chuyên gia kinh tế trưởng Gerard Lyons của ngân hàng Standard Chartered, kinh tế của Liên minh Châu Âu (EU) sẽ rơi vào suy thoái trong năm tới, còn châu Á, đi đầu là Trung Quốc, sẽ giữ vai trò thúc đẩy nền kinh tế toàn cầu.

"Đó là một thế giới hai tốc độ. Khó khăn của châu Âu có thể kéo kinh tế toàn cầu đi xuống trong những tháng đầu năm 2012, song tăng trưởng tại châu Á và Trung Quốc sẽ kéo mọi thứ trở lại quỹ đạo vào cuối năm", ông này nói.

Trong bản dự báo thường niên mới công bố, ngân hàng Standard Chartered dự báo kinh tế khu vực đồng Euro có thể sụt giảm tới 1,5% năm 2012, trong khi kinh tế Anh cũng rơi vào suy thoái với mức sụt giảm 1,3%.

Hội nghị thượng đỉnh cuối tuần trước của EU được coi là mang tính quyết định đối với tương lai đồng Euro. Kết thúc hội nghị, các nước khu vực này đã đạt được thỏa thuận về một cơ chế tài chính mới thắt chặt kiểm soát thâm hụt ngân sách.

Đây là một tín hiệu đáng mừng trong bối cảnh thị trường lo sợ châu Âu không đạt được đồng thuận trong giải quyết nợ công khu vực. Tuy nhiên, sự vui mừng chóng qua khi nhiều nhà phân tích đưa ra đánh giá bi quan về khả năng thực hiện thỏa thuận mới.

Theo các nhà phân tích, ý tưởng về việc khống chế thâm hụt cơ cấu hàng năm ở mức trần 0,5% GDP là không khả thi. Do thâm hụt cơ cấu là một khái niệm không thể đo lường chính xác mà chỉ có thể dự tính thông qua các mô hình kinh tế.

Thêm vào đó, yêu cầu về việc các nước muốn sử dụng công cụ kích cầu tài chính trong các chu kỳ suy thoái trong tương lai phải có thặng dư ngân sách lớn trong suốt chu kỳ trước đó là quá khắc nghiệt và cũng phi thực tế.

Bên cạnh đó, nhiều nhà phân tích đặt câu hỏi liệu châu Âu sẽ huy động tiền từ đâu cho việc thực hiện các cam kết. Ngay cả với bản thân nước Đức, mức đóng góp của nước này cho các khoản vay dành cho IMF cũng chưa được ấn định.

Trong khi đó, Mỹ ngày 9/12 tuyên bố sẽ không góp thêm tiền để giải cứu các quốc gia châu Âu, do cho rằng quỹ này đã được cung cấp đủ tiền và bản thân châu Âu cũng có đủ các nguồn lực tài chính để tự giải quyết các khó khăn của mình.

Một điều nữa dường như gây thất vọng là đề xuất phát hành trái phiếu chung cũng đã bị đưa ra khỏi chương trình nghị sự. Ngoài ra, các nhà lãnh đạo cũng đã không đưa ra được câu trả lời về vai trò của ECB trong việc hỗ trợ các nước ngoại vi ở Nam Âu.

Cùng với những đánh giá kém lạc quan này, các tổ chức xếp hạng tín dụng uy tín như Moody’s, Fitch Ratings, Standard & Poor’s liên tục đưa ra cảnh báo hạ bậc tín nhiệm của châu Âu và thực tế họ đã làm rải rác ở một vài khu vực của nền kinh tế này.

Hôm qua, tổ chức xếp hạng tín dụng Fitch Ratings đã quyết định hạ xếp hạng tín dụng của 5 ngân hàng thương mại và tập đoàn ngân hàng tại châu Âu sau khi xem xét đến xếp hạng của nhóm ngân hàng lớn nhất thế giới.

Cụ thể, 5 ngân hàng bị hạ bậc gồm Banque Federative du Credit Mutuel, Credit Agricole , Danske Bank , OP Pohjola Group và Rabobank Group. Ngoài ra, Fitch cũng cảnh báo với các ngân hàng khác sẽ chịu nhiều ảnh hưởng gián tiếp.

Fitch khẳng định quyết định hạ xếp hạng tín dụng của 5 ngân hàng trên phản ánh khó khăn mà ngành ngân hàng châu Âu đang đương đầu. Fitch chỉ ra thị trường vốn đang không hoạt động hiệu quả, cùng với nhiều yếu tố khác đang kéo kinh tế đi xuống.

Trước đó một ngày, Fitch cũng đã đã hạ bậc xếp hạng tín nhiệm của hai công ty bảo hiểm khổng lồ của Italy là Generali và Fondiaria-SAI, với lý do khủng hoảng nợ tại Italy và Tây Ban Nha tác động tiêu cực tới khả năng tài chính của các "đại gia" này.

Việc giới phân tích bi quan về tình hình châu Âu, cộng hưởng với việc các tổ chức định mức tín nhiệm xem xét khắt khe các điều kiện tài chính của lục địa già, đã khiến thị trường toàn cầu nhanh chóng chuyển sang trạng thái tiêu cực và suy giảm mạnh.

Hôm qua, đồng Euro chuyển động về mức thấp nhất trong vòng một năm trở lại đây so với đồng USD. Lần đầu tiên kể từ tháng 1/2011, đồng Euro đã giảm xuống dưới ngưỡng 1,31 USD/Euro đêm 13/12 tại New York, và 1,3031 USD/Euro chiều 14/12 ở Tokyo.

Dai Sato, Phó Chủ tịch phụ trách bộ phận ngoại hối của Ngân hàng thương mại Mizuho (Nhật Bản), cho rằng vấn đề chỉ là thời gian trước khi đồng Euro lùi xuống dưới ngưỡng 1,3 USD/Euro. Theo ông, mục tiêu tiếp theo sẽ là khoảng 1,2860 USD/Euro.

Trong khi đó, lợi suất trái phiếu chính phủ của Italy hôm qua đã vọt cao kỷ lục lên 6,74%,. Tình trạng thiếu sáng xung quanh chi phí vay mượn của một trong các quốc gia đang ngập đầu trong nợ nần cũng góp phần làm thị trường thêm hốt hoảng.

Trên thị trường chứng khoán Mỹ, Dow Jones giảm 131,46 điểm, tương ứng 1,1%, xuống 11.823,48 điểm. S&P 500 giảm13,91 điểm, tương ứng 1,13%, xuống 1.211,82 điểm. Nasdaq Composite hạ 39,96 điểm, tương ứng 1,55%, xuống 2.539,31 điểm.

Tại châu Âu, biên độ giảm của các sàn chứng khoán còn dữ dội hơn. Chỉ số DAX của Đức giảm 1,72% xuống 5.6755,14 điểm. Chỉ số FTSE 100 của Anh giảm 2,25% xuống 5.366,80 điểm. Chỉ số CAC 40 của Pháp trượt 3,33% xuống 2.976,17 điểm.

Trên thị trường năng lượng, giá dầu thô ngọt, nhẹ giao tháng 1/2012 giảm 5,19 USD, tương ứng 5,2%, xuống còn 94,95 USD/thùng trên sàn trao đổi hàng hóa New York, thấp nhất kể từ ngày 4/11.

Diễn biến cùng chiều với thị trường dầu thô, dầu sưởi giao tháng 1 giảm 9,9 xu, tương ứng 3,4%, xuống 2,83 USD/gallon. Xăng cùng kỳ hạn giảm 12,1 xu, tương ứng 4,6%, xuống 2,5 USD/gallon. Giá khí đốt giảm 4,4% xuống 3,14 USD/triệu BTU.

Trên thị trường kim loại, giá vàng kỳ hạn trượt 4,6% xuống 1.586,9 USD/ounce, giá bạc mất 7,4% xuống 28,935 USD/ounce, bạch kim giảm 4,4% xuống 1.426,3 USD/ounce, palladium trượt tới 6,7% xuống mức 619,6 USD/ounce.