Hiệu quả ứng dụng công nghệ AI trong dạy học
15 năm công tác trong ngành giáo dục, cô giáo Phạm Thị Ánh Nguyệt – Phó Hiệu trưởng trường Tiểu học Đông Ngạc A, quận Bắc Từ Liêm luôn tâm đắc, say mê công nghệ AI - trí tuệ nhân tạo. Từ đó, cô sáng tạo, xây dựng kho học liệu ứng dụng công nghệ AI để chia sẻ những tiện ích trí tuệ nhân tạo mang lại cho giáo dục – trang web khotulieuai-dna.edu.vn.
“Trang web có 3 thư viện (video; tranh, ảnh và câu lệnh), chứa trên 200 video công nghệ 2D, 3D; trên 100 tư liệu tranh ảnh AI; trên 650 câu lệnh Chatbot AI – Chat GPT; thuộc các môn học, hoạt động giáo dục từ lớp 1 đến lớp 5 và công tác quản lý” - cô Nguyệt chia sẻ.
Qua nghiên cứu chương trình giáo dục phổ thông (GDPT) 2018, cô Nguyệt thấy nguồn tư liệu video tham khảo của các bộ sách còn hạn chế. Giáo viên gặp nhiều khó khăn trong việc xây dựng tư liệu video, thiết kế bài giảng sinh động tạo hứng thú cho học sinh.
Từ đó, cô xây dựng thư viện video tư liệu minh họa cho các bài học trong chương trình GDPT 2018, đến nay, cô Nguyệt đã xây dựng gần 200 video cho các khối lớp (từ lớp 1 đến lớp 5).
Mỗi video công nghệ 2D, 3D sắc nét, sinh động với thời lượng từ khoảng 20 giây đến 2 phút phù hợp với mục tiêu bài học, bất cứ giáo viên nào vào trang web cũng dễ dàng tải xuống tham khảo, không mất nhiều thời gian xây dựng, tiết kiệm thời gian, công sức và dạy học hiệu quả hơn.
Không chỉ vậy, cô Nguyệt đã sử dụng công nghệ AI tạo tranh, ảnh làm tư liệu dạy học để học sinh dễ hình dung bài học hơn. Cô đã thiết kế hơn 100 tranh tương ứng với các bài học thuộc các môn: tiếng Việt, tự nhiên và xã hội, đạo đức, hoạt động trải nghiệm ở các khối lớp 1,2,3,4,5.
Qua ứng dụng này, giáo viên có thể dễ dàng tìm thấy những bức tranh minh họa sống động phù hợp với nội dung bài học trong thư viện ảnh của web khotulieuai-thđna.edu.vn để mang lại những bài học thú vị cho học sinh. Không những thế, có thể dùng các lời mô tả có sẵn (cả tiếng Anh và tiếng Việt) để thiết kế các tranh khác theo mong muốn.
Đặc biệt, cô Nguyệt còn thiết kế sẵn kho câu lệnh gồm trên 650 câu lệnh Chatbot AI – Chat GPT thuộc các lĩnh vực. Với kho tư liệu AI, cô đã giúp nhiều giáo viên, cán bộ quản lý tiết kiệm đáng kể thời gian, công sức để thiết kế các bài học thú vị, bổ ích cho học sinh. Trang web được phụ huynh trong trường hỗ trợ đăng ký mà không mất kinh phí.
Nhờ vậy, kho tư liệu AI đã tiết kiệm chi phí cho nhà trường khoảng gần 50 triệu đồng, đồng thời tiết kiệm thời gian lên tới 70% (tùy công việc). Với tư liệu sinh động, trang web giúp thầy cô mang đến cho các em sự hào hứng, thích thú với các bài học thú vị.
Ứng dụng chuyển đổi số, STEM vào giảng dạy
Nhờ ứng dụng chuyển đổi số trong công tác dạy và học, thầy giáo Nguyễn Sỹ Quân - trường Tiểu học Cổ Nhuế 2B l đã sáng tạo xây dựng kho học liệu điện tử “Việt Nam mến yêu” bằng Google Sites phục vụ cho môn lịch sử và địa lý lớp 4; xây dựng trang web tra cứu kết quả học tập thường xuyên của học sinh.
Đến nay, thầy Quân đã xây dựng kho học liệu chứa 70 tiết bài giảng điện tử, 70 kế hoạch bài dạy, 5 quyển sách điện tử, 3 bài giảng E-learning, 12 bài viết về các lễ hội được đề cập trong chương trình và 14 câu chuyện lịch sử. Những sản phẩm sáng tạo này góp phần mang lại hiệu quả cao trong dạy và học trước thời đại bùng nổ công nghệ thông tin 4.0 hiện nay.
Nhận thấy nhiều lợi ích to lớn giáo dục STEM mang lại, trong khi một số giáo viên lúng túng khi ứng dụng giáo dục STEM trong giảng dạy nên cô giáo trẻ Nguyễn Thị Thuỳ Ngân - trường Tiểu học Minh Khai A, quận Bắc Từ Liêm đã xây dựng quy trình các bài học, chủ đề STEM, ứng dụng vào giảng dạy thực tế.
Đến nay, cô Ngân đã xây dựng được 12 bài học STEM; 5 bài chủ đề STEM; 12 bài giảng điện tử; 16 sản phẩm STEM. Từ hiệu quả của việc ứng dụng STEM trong giảng dạy, cô Ngân chia sẻ tới đồng nghiệp bằng cách lên kế hoạch bài dạy STEM, bài giảng điện tử đã xây dựng lên google drive.
Trước thực tế, tệ nạn xã hội trong học đường xảy ra ngày càng nhiều (bạo lực học đường), cô Ngân đề xuất với Ban giám hiệu nhà trường thành lập tổ tư vấn tâm lý học đường của trường nhằm trang bị cho các em những kỹ năng mềm, giúp học sinh tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong học tập, cuộc sống.
Cô Ngân cho hay, tổ tư vấn được thành lập từ đầu năm học 2023-2024 gồm 7 thành viên (giáo viên) cùng 20 học sinh trong đội xung kích làm vệ tinh giúp các cô theo dõi, ghi chép lại những hành vi của các bạn trong giờ ra chơi, giờ học.
Đến nay, có 64 học sinh được tư vấn, trong đó, 52 học sinh cải thiện tích cực sau tư vấn. Còn lại, một số trường hợp đã có sự thay đổi nhưng chưa thực sự rõ rệt. Sau khi được tổ tư vấn tâm lý, các em học sinh đã mạnh dạn, hòa đồng, kiểm soát cảm xúc, hành vi tích cực hơn trong các hoạt động của nhà trường, tập thể.
Đây chỉ là 3 trong số hàng trăm sáng kiến, sáng tạo đổi mới của các thầy cô công tác trong ngành giáo dục quận Bắc Từ Liêm được áp dụng vào thực tiễn quản lý, giảng dạy đạt hiệu quả cao, góp phần đẩy mạnh phong trào xây dựng “trường học hạnh phúc”.