Nhà hát Chèo Thái Bình: Tái hiện chân dung nhà yêu nước Nguyễn Văn Cẩm

Minh An
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Nhà hát Chèo Thái Bình vừa dàn dựng vở diễn “Kỳ Đồng Nguyễn Văn Cẩm” nhằm làm nổi bật chân dung một danh nhân yêu nước tài ba vốn là người con của quê lúa Thái Bình.

“Kỳ Đồng Nguyễn Văn Cẩm” được NSND Lê Hùng đạo diễn dựa trên kịch bản chèo của tác giả, thạc sĩ Lê Thế Song, kịch bản văn học: Cố tác giả Hoàng Luyện - Giải thưởng Nhà nước về văn học nghệ thuật năm 2017.

Được xây dựng từ những tư liệu lịch sử có thật, vở diễn tái hiện chân thật về cuộc đời một người chí sĩ yêu nước.
Được xây dựng từ những tư liệu lịch sử có thật, vở diễn tái hiện chân thật về cuộc đời một người chí sĩ yêu nước.

Vở diễn dàn dựng dựa trên những tư liệu lịch sử có thật về Kỳ Đồng Nguyễn Văn Cẩm (1875-1929). Sinh ra trong một gia đình nhà nho nghèo tại làng Ngọc Đình, tổng Hà Lý, huyện Duyên Hà, phủ Tiên Hưng (nay là xã Văn Cẩm, huyện Hưng Hà, tỉnh Thái Bình). Cậu bé Nguyễn Văn Cẩm sớm bộc lộ tư chất đặc biệt thông minh với tài sáng tác thơ phú, làm câu đối ứng khẩu, bắt bệnh cứu người.

Năm 8 tuổi, Nguyễn Văn Cẩm được cha cho dự kỳ thi khảo khóa chuẩn bị cho kỳ thi hương sau đó tại trường Nam Định và đoạt loại ưu, được vua Tự Đức ban chỉ dụ khen thưởng, cấp tiền gạo ăn học. Kỳ Đồng, có nghĩa đứa trẻ kỳ tài là tên gọi được vua Tự Đức sắc phong cho Nguyễn Văn Cẩm.

Khát vọng đuổi giặc ngoại xâm luôn sục sôi trong sâu thẳm vị doanh nhân Nguyễn Văn Cẩm.
Khát vọng đuổi giặc ngoại xâm luôn sục sôi trong sâu thẳm vị doanh nhân Nguyễn Văn Cẩm.

Ngay từ nhỏ, Cẩm nhận sự thống khổ của người dân dưới ách đô hộ của Pháp, tư tưởng yêu nước, khát vọng cứu quốc đã luôn nung nấu trong trái tim Nguyễn Văn Cẩm. Cậu được người dân hết lòng ngợi ca, ngưỡng vọng. Lo ngại trước ảnh hưởng của Kỳ Đồng và muốn nuôi âm mưu dùng người Nam để trị người Nam, thực dân Pháp đã đưa Kỳ Đồng (khi đó mới 12 tuổi) đi du học tại Thủ đô An-giê của An-giê-ri thuộc Pháp. Luôn đau đáu hướng về quê hương và tìm cơ hội đóng góp vào sự nghiệp cứu nước nên sau 9 năm du học trở về, Kỳ Đồng Nguyễn Văn Cẩm từ chối ngay lời mời làm quan của Pháp, chỉ xin được khẩn hoang ở Yên Thế.

Ông âm thầm chiêu mộ nhân công, mở mang đồn điền, chuẩn bị vũ khí, lực lượng để chống Pháp. Sau khi phát hiện điều này, người Pháp đã lưu đày ông ở một quần đảo xa xôi. Chỉ sau 2 năm về nước, ông tiếp tục phải li hương và không thể trở về đất mẹ.

Vở diễn với mạch diễn chân thực, cảm động đã dẫn dắt khán giả đến với không gian ước lệ của nghệ thuật chèo truyền thống để hiểu hơn về một người con ưu tú, giàu lòng yêu nước của quê hương Thái Bình.

Tác giả Lê Thế Song chia sẻ, khi nhận được đề nghị viết kịch bản chèo về Kỳ Đồng Nguyễn Văn Cẩm của ban giám đốc Nhà hát Chèo Thái Bình, anh đã mất khá nhiều thời gian để tìm kiếm những câu chuyện liên quan Kỳ Đồng Nguyễn Văn Cẩm. Ông thọ ngoài 50 tuổi nhưng chỉ có khoảng hơn 10 năm sống ở quê hương, trong đó phần lớn thời gian rơi vào lúc còn nhỏnên tư liệu lịch sử về ông không nhiều.

Kỳ đồng Nguyễn Văn Cẩm bản lĩnh, không chịu khuất phục trước quân thù. 
Kỳ đồng Nguyễn Văn Cẩm bản lĩnh, không chịu khuất phục trước quân thù. 

May mắn là khi tìm kiếm từ di sản nghệ thuật của bố vợ (tức cố tác giả Hoàng Luyện) để lại, anh tìm thấy kịch bản văn học kịch về nhân vật Kỳ Đồng được sáng tác từ năm 1995. Trên cơ sở này, anh đã chuyển thể thành kịch bản chèo, đắp thêm một số chi tiết trên cơ sở bám theo những cứ liệu lịch sử để tạo nên những lớp kịch sinh động, từ đó nhấn mạnh thông điệp: dù vận hội không thành, mưu tính khởi nghĩa chống lại thực dân Pháp bị ngăn chặn, nhưng tinh thần yêu nước của Kỳ Đồng Nguyễn Văn Cẩm đã thổi bùng lên ngọn lửa đấu tranh và ý chí quật cường chống ngoại xâm của người dân trong nước.

Xem kịch, khán giả bị thu hút bởi những lớp diễn thể hiện tài đối ứng của Kỳ Đồng lúc nhỏ, cho thấy chân dung của một vị thủ lĩnh tinh thần; hay lớp diễn thể hiện sự đau xót, day dứt, lưu luyến khi Nguyễn Văn Cẩm phải rời xa quê hương. Tác giả cũng đầy dụng công khi đưa vào kịch bảnnhững chi tiết thể hiện tình yêu son sắt, thủy chung giữa Nguyễn Văn Cẩm và cô Trai, từ đó làm tăng vẻ đẹp trữ tình, lãng mạn và gần gũi cho nhân vật.