Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Nhà hát và những cái nhà không hát

Lan Ngọc
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Mấy ngày gần đây, việc UBND TP Hồ Chí Minh đã nhất trí thông qua đề xuất xây dựng Nhà hát Giao hưởng Nhạc vũ kịch với kinh phí 1.500 tỷ đồng khiến hai luồng dư luận nổi sóng.

Một phía ủng hộ xây, phía còn lại đa phần là cộng đồng mạng xã hội đem so sánh sự cần thiết của việc xây nhà hát với việc chống ùn tắc giao thông, chống ngập lụt triều cường…

 Nhà hát TP Hồ Chí Minh. Ảnh: Bảo Minh

Tôi vẫn nhớ tâm tư mới về nhận chức của một vị lãnh đạo Nhà hát Kịch Việt Nam khi thấy gần 100 nghệ sĩ nổi tiếng vẫn miệt mài dựng vở nhưng không có cái nhà để hát. Trước đó, người tiền nhiệm của anh đã xây dựng ra dự án sáp nhập Nhà hát Tuổi trẻ và Nhà hát Kịch Việt Nam thành Nhà hát Quốc gia với kinh phí hàng trăm tỷ đồng, và có việc xây một nhà hát thật hoành tráng. Nhưng vì suy nghĩ không thấu đáo thế mạnh của từng đơn vị nghệ thuật nên dự án phá sản. ở Hà Nội hiện nay không thiếu những cơ sở có nhà mà không hát và những đơn vị nghệ thuật không có nhà để hát. Thế nhưng, không phải vì thế mà Hà Nội không tính đến việc đầu tư xây dựng các nhà hát mang dấu ấn thời kỳ đổi mới, phát huy được hiệu quả để là tài sản quý báu cho thế hệ mai sau.

TP Hồ Chí Minh cũng vậy, việc thông qua đề án đầu tư 1.500 tỷ đồng xây dựng Nhà hát Giao hưởng nhạc vũ kịch cũng là cái nhìn cho tương lai. Bởi TP có 13 triệu dân nhưng hiện nay chỉ có Nhà hát TP Hồ Chí Minh (406 chỗ ngồi, xây dựng năm 1900); Nhà hát Trần Hữu Trang (nhỏ bé và rất nhiều bất tiện) cùng 2 nhà hát cấp quận: Nhà hát Hòa Bình (quận 10), Nhà hát Bến Thành (quận 1) đều không đáp ứng tiêu chuẩn của một nhà hát. Sau 40 năm Sài Gòn được giải phóng, cao ốc văn phòng, nhà hàng, bar, khách sạn cao tầng mọc như nấm, nhưng không có nhà hát cấp TP nào được xây dựng. Đạo đức và văn hóa của một số thanh niên đang xuống cấp, đó cũng là hậu quả mà việc chăm lo xây dựng văn hóa chưa đúng mức, trong đó có việc xây dựng những nhà hát.

Trong khi đó nhìn ra thế giới, Tokyo của Nhật Bản có 300 nhà hát, Berlin của Đức có 3,7 triệu dân cũng có gần 100 nhà hát. Vậy Hà Nội và TP Hồ Chí Minh có nên học? Hơn nữa, nhìn lại quá khứ, trong những năm chiến tranh đầy khó khăn nhưng Việt Nam vẫn đầu tư xây dựng Nhạc viện Hà Nội, Dàn nhạc Giao hưởng quốc gia… để xây dựng vấn đề văn hóa và vấn đề con người trong tương lai. Ngày nay, không thể đánh đồng việc vì có những cái nhà không hát mà không xây dựng các nhà hát mới, hay so sánh nhiều vấn đề dân sinh bức xúc với việc xây nhà hát. Đó là những câu chuyện hoàn toàn khác nhau, ở mỗi lĩnh vực là trách nhiệm của mỗi ngành phải gánh vác.