Nhà khoa học trẻ với 8 loài vi khuẩn mới

Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Chàng trai Nguyễn Việt Hùng - đang là nghiên cứu sinh tiến sĩ (TS) tại Đại học (ĐH) New South Wales, Úc đã phát hiện ra 8 loài vi khuẩn mới. Dự định sau khi hoàn thành thí nghiệm cuối cùng của công trình này, Hùng sẽ đưa về Việt Nam áp dụng vào ngành thủy sản.

 
Đưa công trình nghiên cứu về Việt Nam
Nguyễn Việt Hùng (SN 1991) là nghiên cứu sinh TS ngành Gene di truyền và Sinh học phân tử, và cũng là giảng viên tại ĐH New South Wales, Úc. Ít ai biết, anh là nhà khoa học 9x nổi tiếng khi phát hiện ra 8 loài vi khuẩn mới, có thể nuôi trồng để phát triển những yếu tố có lợi cho cây trồng, vật nuôi. Đặc biệt, 8 loài vi khuẩn này thuộc 7 bộ hoàn toàn mới của vi khuẩn Gammaproteobacteria, khi chỉ mới có 14 bộ vi khuẩn Gammaproteobacteria được phát hiện bởi các nhà khoa học trong 200 năm qua.
Nguyễn Việt Hùng cho biết: "Trong khoảng thời gian ở Úc, tôi trò chuyện với một GS tại đại học New South Wales. Tôi và thầy đã nảy sinh ý tưởng về xét nghiệm đa hệ gene để tìm ra được hệ gene cụ thể, miêu tả như sinh vật mới. Cuối cùng, tôi đã áp dụng những công nghệ mới, tin học vào quá trình tìm ra bộ gene. Việc tìm ra loài vi khuẩn mới mất nhiều thời gian và công sức, thậm chí mất cả năm vẫn chưa tìm ra loài vi khuẩn mới".
Công trình của Nguyễn Việt Hùng tạo được ấn tượng mạnh với Hội đồng khoa học và đã được tài trợ toàn bộ chi phí sang Đức để trình bày cùng với công trình của các giáo sư và nhà khoa học hàng đầu thế giới đến từ ĐH Harvard, ĐH Stanford, ĐH MIT. Đến thời điểm hiện tại, Nguyễn Việt Hùng đã mất khoảng 3,5 năm để nghiên cứu về 8 vi khuẩn mới này. Tuy gần hoàn thiện, nhưng cảm giác của anh vừa háo hức vừa lo lắng về tương lai của công trình.
Nguyễn Việt Hùng mong muốn có phương pháp nhanh nhất để tìm ra những loài vi khuẩn, tài nguyên mới cho con người. Anh hy vọng công trình sẽ được đưa về Việt Nam áp dụng vào ngành thủy sản. Cụ thể khu vực Đồng bằng sông Cửu Long có nhiều diện tích nuôi trồng thủy sản thường xuyên bị dịch bệnh và chết nhiều. “Tôi muốn đưa Việt Nam đến 1 kỷ nguyên mới. Công trình tôi đang nghiên cứu có thể cấy vi khuẩn để phát triển những yếu tố có lợi cho cây trồng, vật nuôi. Đặc biệt, tôi tìm ra các mối liên kết của vi khuẩn trên cơ thể chúng ký sinh là con người, những loài vi khuẩn tốt, cần thiết để chăm sóc sức khỏe con người” - Nguyễn Việt Hùng bày tỏ.
Gan lì, quyết đoán để thành công
Nguyễn Việt Hùng từng trở thành “hiện tượng” được cộng đồng mạng, đặc biệt là giới trẻ chú ý bởi bên cạnh thành tích nghiên cứu khoa học ấn tượng, điểm IELTS tuyệt đối 9.0/9.0, anh chàng còn sở hữu chiều cao 1m80, gương mặt điển trai và là “thủ lĩnh” cộng đồng du học sinh Việt tại xứ sở chuột túi. Nguyễn Việt Hùng từng là người Việt Nam duy nhất được mời phát biểu tại Hội nghị khoa học lớn nhất trong ngành Vi sinh (ISME17) trên thế giới diễn ra ở Đức, vinh dự lọt top 300 diễn giả có bài nghiên cứu được chọn trình bày trước hơn 2.000 đại biểu, nhà khoa học tại Hội nghị chuyên đề Sinh thái và Vi sinh vật.
Tự nhận xét bản thân là người gan lì, quyết đoán, Nguyễn Việt Hùng kể lại: Có lần, khi làm một bài thí nghiệm, tôi đã không nghe lời khuyên của ai mà chỉ làm theo ý mình. Sau đó, tôi đã tìm ra, miêu tả được 8 loài mới (vượt yêu cầu là miêu tả 3 loài) và từ đây, bạn bè, thầy cô tin tưởng nên nhiều lần giao phát biểu tại các hội thảo. Ngoài ra, tôi cũng từng từ chối 3 suất học bổng toàn phần và đón nhận một học bổng từ Viện nghiên cứu tại ĐH New South Wales với mong muốn theo đuổi bậc học TS và bắt đầu hành trình nghiên cứu khoa học một cách nghiêm túc. Nguyễn Việt Hùng cũng bày tỏ: "Điều khiến tôi thành công là không thể thiếu sự quyết đoán, gan lì. Dù có bất cứ chuyện gì xảy ra, cũng phải làm được mục tiêu của mình đặt ra".
Chàng nghiên cứu sinh điển trai Nguyễn Việt Hùng nhắn nhủ tới các bạn trẻ: “Có thể bạn sẽ như tôi, khi bắt đầu theo đuổi đam mê, cũng gặp thất bại, từ việc điểm số không đạt như mình kỳ vọng. Nhưng không thể vì một chút thất bại mà từ bỏ cả đam mê. Nếu như vậy thì sẽ không bao giờ có thể tìm thấy thành công”.
Lưu Ly