Nhà mạng tăng dung lượng internet đảm bảo học trực tuyến

Hà Thanh
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Sau ngày 5/9, hàng chục triệu học sinh thực hiện việc học trực tuyến đã khiến nhu cầu sử dụng internet tăng đột biến. Các nhà mạng kịp thời tăng lưu lượng đáp ứng nhu cầu người dùng.

Theo ghi nhận của không ít phụ huynh, kể từ sau thời điểm khai giảng năm học mới, các buổi học trực tuyến của học sinh, nhất là tại những trường sử dụng giải pháp hỗ trợ dạy - học trực tuyến của nước ngoài như Zoom, liên tục bị rớt mạng, gián đoạn thời gian học.
 Nhà mạng tăng dung lượng internet đảm bảo học trực tuyến. Ảnh: Internet.
Đại diện Viettel cho biết việc nhiều địa phương tổ chức cho học trực tuyến dẫn tới nhu cầu sử dụng Internet cố định của các gia đình tăng lên đáng kể.
VNPT và FPT Telecom cũng ghi nhận lưu lượng người dùng truy cập đến các giải pháp học trực tuyến tăng mạnh so với thời điểm trước khai giảng.
Trong khi đó, từ ngày 4/9, tuyến cáp biển AAE-1 gặp sự cố trong khi một tuyến cáp biển khác là AAG vẫn chưa khôi phục hoàn toàn đã gây ảnh hưởng nhất định đến kết nối của người dùng dịch vụ Internet.
Để khắc phục tình trạng mạng chập chờn Viettel đã chủ động mở rộng dung lượng, tối ưu các hướng truy cập, ưu tiên kết nối để đảm bảo lưu thoát lưu lượng với các nhà cung cấp dịch vụ học trực tuyến (Microsoft Teams, Google Meet, Zoom...). Đến thời điểm hiện tại, việc truy cập vào các ứng dụng học tập đã ổn định hơn. Viettel cũng cho biết lượng khách hàng đăng ký mới, nâng cấp các gói cước internet cố định băng rộng từ đầu năm học tăng nhẹ.
VNPT cho biết, đơn vị đã tiến hành ưu tiên xử lý định tuyến lưu lượng để đảm bảo cho các dịch vụ học tập trực tuyến, họp/hội thảo online. Trước đó, để đảm bảo năng lực mạng lưới đáp ứng nhu cầu học online của học sinh/sinh viên sau ngày khai giảng, cũng như phục vụ họp trực tuyến các cơ quan/doanh nghiệp trong tình hình giãn cách xã hội, VNPT đã tăng cường kết nối để đảm bảo lưu thoát lưu lượng với các nhà cung cấp hệ thống truyền hình trực tuyến.
Về phía MobiFone, đại diện nhà mạng này cho hay MobiFone hỗ trợ tất cả trường học, cơ sở đào tạo sử dụng tính năng mSchool (dành cho thiết bị di động) của nền tảng giáo dục trực tuyến - mobiEdu để dạy và học trực tuyến không giới hạn thời gian.
Trong khi đó, một nhà mạng khác là CMC đã chuyển dung lượng sang các hướng cáp khác, gồm cả hướng cáp xuyên Đông Nam Á (A-Grid) được kết nối Internet từ Việt Nam qua các quốc gia Campuchia, Thái Lan, Malaysia và Singapore.
Các nhà mạng hiện đang tiếp tục phối hợp, làm việc với Ban quản trị, vận hành các tuyến cáp biển AAG, AAE-1 để có thông tin cập nhật liên tục về kế hoạch sửa chữa sự cố trên.

Tin đọc nhiều

Kinh tế đô thị cuối tuần