Nhà mạng vẫn quá tải

Trang Anh
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Tính đến ngày 24/4, vẫn còn hàng triệu thuê bao chưa đăng ký lại thông tin cá nhân theo quy định của Nghị định 49/2017/NĐ-CP. Dự báo trong những ngày sắp tới sẽ tiếp tục xảy ra tình trạng quá tải trên các kênh hỗ trợ cập nhật thông tin nếu nhà mạng không dự liệu tốt nhân lực và thiết bị, công nghệ.

 Khách hàng xem thông báo tại một điểm giao dịch của nhà mạng VinaPhone. Ảnh: Việt Dũng
Không khóa toàn bộ các thuê bao chưa cập nhật
Trả lời câu hỏi sau ngày 24/4, các thuê bao không cập nhật thông tin có bị khoá hay không, đại diện Cục Viễn thông (Bộ TT&TT) nhấn mạnh, Nghị định 49 quy định rõ quy trình thông báo cho các thuê bao đến bổ sung thông tin, tạm dừng cung cấp dịch vụ (đối với các thuê bao không thực hiện). Theo đó, nhà mạng phải thông báo liên tục trong ít nhất 5 ngày, mỗi ngày ít nhất một lần đối với các thuê bao cần bổ sung thông tin. Nếu cá nhân, tổ chức không thực hiện theo yêu cầu, nhà mạng sẽ tạm dừng cung cấp dịch vụ viễn thông một chiều sau 15 ngày kể từ ngày đầu tiên gửi thông báo.

Việc chặn 2 chiều sẽ được thực hiện sau 15 ngày tiếp theo nếu khách hàng vẫn cố tình chây ì. Sau 30 ngày kể từ khi khoá 2 chiều, nếu khách hàng vẫn không cập nhật thông tin, nhà mạng sẽ thanh lý hợp đồng. “Như vậy, về khía cạnh pháp luật, sau ngày 24/4, các thuê bao đã nhận đầy đủ thông báo từ các nhà mạng nhưng vẫn không bổ sung thông tin đúng theo quy định thì mới bị chặn một chiều” - đại diện Cục Viễn thông nói.

Mốc 24/4/2018 chỉ là thời điểm DN phải bảo đảm cơ sở dữ liệu thông tin thuê bao của mình đã tuân thủ hoàn toàn theo các quy định tại Nghị định 49, không có nghĩa toàn bộ các thuê bao chưa cập nhật thông tin sẽ bị khóa 1 chiều, 2 chiều hay bị chấm dứt cung cấp dịch vụ.
Trường hợp thuê bao chưa nhận được thông báo từ DN thì trách nhiệm bảo đảm thông tin thuê bao đúng quy định thuộc về DN. Nói về tình trạng quá tải tại các kênh giao dịch nhà mạng những ngày qua, ông Nguyễn Đức Trung - Cục trưởng Cục Viễn thông chỉ rõ, do nhà mạng đã không tích cực thông báo sớm cho khách hàng (Nghị định 49 đã ban hành từ 1 năm trước) để đến gần hạn chót mới nhắn thông báo dẫn tới tình trạng khách hàng đổ xô đi đăng ký lại thông tin cá nhân.

Xử phạt nhà mạng không đảm bảo dữ liệu thuê bao

Theo ông Nguyễn Đức Trung, trong số hơn 80 triệu thuê bao di động trả trước thì tỷ lệ đăng ký thông tin thuê bao chính xác vào khoảng 25%, còn khoảng 75% thuê bao thông tin đăng ký sai, phải bổ sung thông tin. Sau ngày 24/4, bất kỳ lúc nào cơ quan quản lý cũng có thể tiến hành thanh, kiểm tra và xử phạt DN nếu phát hiện có thông tin thuê bao trong cơ sở dữ liệu không đúng quy định.

Ghi nhận vào sáng 24/4 tại một số điểm giao dịch của Viettel, MobiFone, VinaPhone tại Hà Nội đã không còn cảnh người dân chen chân xếp hàng đăng ký hoàn thiện thông tin như trước. “Những ngày qua, truyền thông đưa tin các nhà mạng vẫn chưa cắt liên lạc của thuê bao chưa cập nhật thông tin cá nhân sau ngày 24/4 nên số lượng người đi đăng ký đã giảm đáng kể” - nhân viên nhà mạng tại điểm giao dịch khu vực Nguyễn Chí Thanh giải thích. Nhiều khách hàng đã yên tâm hơn khi cả 3 nhà mạng VinaPhone, MobiFone và Viettel đã phát đi thông báo tiếp tục thực hiện việc bổ sung thông tin, ảnh chân dung chủ thuê bao đến sau ngày 24/4.

Tuy nhiên, dự báo trong những ngày sắp tới có thể sẽ tái diễn tình trạng quá tải trên các kênh hỗ trợ cập nhật thông tin thuê bao khi có hàng triệu thuê bao bị khóa 1 chiều theo quy định. Các nhà mạng cần tiếp tục tăng cường nhân lực, thiết bị và công nghệ để phục vụ khách hàng, tránh tình trạng dồn ứ, quá tải kéo dài gây bức xúc cho người dân như những ngày qua.